(GLO)- Ngày 7-2-2012 vừa qua, Báo Gia Lai tổ chức gặp mặt các nhà báo đang công tác tại Tòa soạn với các đồng chí từng là lãnh đạo của Báo qua các thời kỳ, nhân sự kiện xuất bản và phát hành số báo thứ 5.000. Vậy là trong 65 năm truyền thống vẻ vang của tờ báo Đảng bộ tỉnh đã có 37 năm ra đời và hoạt động liên tục của tờ báo mang tên “Gia Lai-Kon Tum” (nay là Báo Gia Lai).
Là người có may mắn được giao nhiệm vụ xây dựng và quản lý tờ báo từ những ngày đầu sau giải phóng; từng gắn bó và chứng kiến nhiều chặng đường gian nan, thử thách cũng như những bước trưởng thành của tờ Báo từ năm 1975 đến giữa năm 1993, nhân Ngày truyền thống, tôi vô cùng xúc động và xin ghi lại vài kỷ niệm về những tháng ngày gian khổ chuẩn bị ra số báo đầu tiên của thời kỳ mới-thời kỳ sau giải phóng.
Đầu tháng 11-1975, thực hiện nhiệm vụ hợp nhất hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum, chúng tôi gồm 5 anh chị em ở Phòng Tuyên truyền Báo chí Kon Tum được lệnh chuyển xuống Pleiku làm báo Gia Lai-Kon Tum. Ngay ngày đầu tiên ra mắt tỉnh mới, chúng tôi đã được đồng chí Trưởng ty Văn hóa-Thông tin giao nhiệm vụ khẩn trương bắt tay chuẩn bị cho việc ra đời tờ báo của tỉnh mới. Nội dung chủ yếu là chào mừng sự kiện nhập tỉnh và phục vụ chiến dịch 100 ngày khai hoang 10 ngàn ha do tỉnh phát động, nhằm nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh và tự túc lương thực ổn định đời sống nhân dân.
Tham quan phòng Truyền thống Báo Gia Lai. |
Thế là chưa kịp ổn định nơi ăn ở, chúng tôi đã phải bắt tay ngay vào việc phân công nhau xuống các buôn làng, cơ quan, trường học, các đơn vị, địa phương trong tỉnh nắm tình hình viết tin bài cho Đài Truyền thanh (lúc này chúng tôi được giao cả việc làm Đài Truyền thanh của tỉnh) và chuẩn bị nội dung cho việc ra mắt số báo đầu tiên.
Với 5-6 anh chị em, hầu hết là học sinh phổ thông mới tuyển vào từ sau ngày giải phóng, chưa từng tiếp xúc với nghề báo, lại không hề có phương tiện gì của một cơ quan báo chí để hành nghề, ngoài cây bút, cuốn sổ và lòng nhiệt tình, chúng tôi bắt đầu hành nghề… Riêng tôi, với chút kinh nghiệm và vốn liếng ít ỏi của hơn 10 năm làm phóng viên Báo Hải Phòng, vừa phải trực tiếp đi cơ sở lấy tài liệu viết tin bài, vừa tự tổ chức các lớp bồi dưỡng cách đi cơ sở, khai thác tư liệu, cách viết tin bài và hướng dẫn anh chị em làm quen với những công việc hàng ngày của tờ báo.
Ban ngày nhiều anh chị em phải lăn lộn ở cơ sở nắm bắt tình hình, tối về lại chụm đầu cùng nhau bàn bạc, trao đổi về cách viết, cách “rút tít” cho một cái tin; đặt tên cho một bài viết… chỗ nào chưa rõ, chưa hiểu thì học hỏi lẫn nhau; người biết ít thì hướng dẫn cho người chưa biết, rồi cùng nhau viết, cùng nhau sửa và đọc cho nhau nghe, đến khi nào mọi người cùng chấp nhận mới coi là hoàn thành nhiệm vụ. Nhiều anh chị em viết một cái tin phải thức khuya dậy sớm đánh vật với từng con chữ; phải viết đi, sửa lại tới 5-7 lần, nhưng không ai nản lòng bỏ cuộc.
Khi lượng tin bài đã tạm ổn và tên tờ báo được chính thức chấp nhận, chúng tôi lại chia nhau đi nhờ người kẻ chữ, tìm người khắc gỗ làm “măng sét” báo để chuyển sang nhà in thực hiện các khâu cuối cùng cho việc ra mắt số báo đầu tiên. Số báo lịch sử ấy có các nội dung: Giới thiệu về đất nước-con người của tỉnh Gia Lai-Kon Tum; tóm tắt một số chính sách mới của Đảng và Nhà nước đối với vùng mới giải phóng; ngoài ra còn có cả những bài chính luận, ghi nhanh, tin tức… phản ánh một cách sinh động không khí phấn khởi của các tầng lớp nhân dân tham gia “chiến dịch khai hoang xây dựng đồng ruộng” và những việc làm thiết thực giúp nhau khắc phục tình trạng đói-đau, ổn định đời sống nhân dân.
Với tinh thần khẩn trương và trách nhiệm của cả tập thể từ khâu chuẩn bị nội dung đến khâu in ấn, đúng ngày 10-12-1975, số báo đầu tiên của thời kỳ mới được ra mắt bạn đọc với tên “Gia Lai-Kon Tum” thay thế cho các tên: “Sáng”, “Vững Tiến”, “Thống Nhất”, “Giải Phóng”… đã ra đời từ năm 1947 đến giữa năm 1975.
Cũng từ đây, tờ báo của Đảng bộ tỉnh mới chính thức xuất bản theo định kỳ: Từ 10 ngày 1 kỳ lên hàng tuần, rồi một tuần 2 kỳ-3 kỳ và trưởng thành (1 tuần 6 kỳ) như hiện nay.
Bây giờ có dịp nhìn lại tờ báo đầu tiên năm ấy, chắc chắn các bạn đồng nghiệp và bạn đọc đều dễ dàng nhận ra ngay những vụng về của cái thuở ban đầu đáng nhớ. Nhưng đối với chúng tôi-những người làm báo Gia Lai-Kon Tum thời đó lại rất tự hào và trân trọng những ngày làm báo đầy nhiệt huyết và sôi nổi ấy. Bởi vì tất cả chúng tôi, từ người phụ trách tờ báo đến anh chị em phóng viên, cộng tác viên và cả những anh chị em công nhân nhà in, đến những người làm công tác phát hành đều sẵn sàng làm việc bằng nhiệt tình và lòng say mê yêu nghề, không mảy may suy tính cá nhân.
Nhân Ngày truyền thống vẻ vang, nhìn lại 65 năm ra đời và phát triển của tờ báo Đảng, đặc biệt là 37 năm hoạt động trong điều kiện đất nước được hoàn toàn giải phóng và thống nhất, với trên 5.000 số báo được phát hành đến tận cơ sở, trong đó có nhiều số báo, bài báo hay để lại nhiều dấu ấn trong lòng bạn đọc; cũng có những số, những bài còn có những vấn đề phải tiếp tục nâng lên về chất lượng, nhưng phải tự hào nói rằng Báo Gia Lai luôn là tờ báo xứng đáng đứng ở vị trí hàng đầu các báo Đảng khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Tờ báo luôn đảm bảo đúng tôn chỉ mục đích và định hướng chính trị, thể hiện rõ chức năng là người lính xung kích trên mặt trận chính trị-tư tưởng của Đảng; là cầu nối giữa ý Đảng và lòng dân.
Là người đã có nhiều năm tháng đồng cam cộng khổ, gắn bó với từng bước phát triển của Báo, tôi thực sự xúc động và vui mừng trước bước phát triển mới về mọi mặt của tờ báo. Trong ngày truyền thống vẻ vang này, thế hệ những người làm báo lớn tuổi chúng tôi muốn gửi gắm và mong ước những nhà báo trẻ hôm nay hãy ra sức phát huy truyền thống của các thế hệ đi trước, phấn khởi bước vào thời kỳ mới; luôn luôn giữ vững bản lĩnh và nhiệt huyết của người cán bộ báo chí cách mạng, không ngừng nâng cao hơn nữa chất lượng của từng bài viết, từng số báo để tờ báo Gia Lai ngày càng chất lượng, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ chính trị và xứng đáng là “thương hiệu” tin cậy của các tầng lớp nhân dân.
Trần Đông Tân