Nhớ mãi ngôi nhà số 2A Hoàng Văn Thụ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cuối tháng 12-1991, nghe tôi trình bày mong muốn được chuyển công tác về Báo Gia Lai, anh Trần Liễm-Tổng Biên tập bấy giờ vui vẻ gật đầu và bảo Trưởng phòng Hành chính lập tức làm giấy tiếp nhận. Vậy là chỉ vài ngày sau, tôi đã hoàn thành các hồ sơ thủ tục cần thiết để chính thức trở thành phóng viên Báo Gia Lai. 
Thực ra nhanh như vậy cũng là nhờ 2 lý do quan trọng: một là, tôi đang là cộng tác viên tích cực của Báo Gia Lai-Kon Tum; hai là, từ đầu tháng 1-1991, sau khi tỉnh Gia Lai-Kon Tum chia tách, cơ quan báo cũng tách theo, số cán bộ, phóng viên còn lại rất mỏng nên rất cần bổ sung đội ngũ phóng viên. Tôi còn nhớ cả cơ quan lúc này chỉ có trên dưới chục người làm công tác chuyên môn gồm các anh, chị: Trần Liễm (Tổng Biên tập), Đặng Thu Hà (Phó Tổng Biên tập, đang đi học chính trị ở Hà Nội), Phan Văn Hòa, Lê Hoàng Trung, Lê Thị Minh, Trần Văn Nghĩa, Nguyễn Đức Thanh, Phạm Văn Thư… Thời gian sau thêm Hoàng Anh Phượng đi học về rồi cơ quan tiếp tục nhận Lê Bá Tuế bên Tỉnh Đoàn sang, Quốc Ninh từ Thanh Hóa chuyển vào, Ngọc Tấn hết thời gian tăng cường ở Chư Prông lên, Nguyễn Chương, Nguyễn Thịnh, Lương Văn Danh vừa tốt nghiệp Đại học Sư phạm Quy Nhơn về…
 Đại biểu và cán bộ, viên chức Báo Gia Lai chụp ảnh lưu niệm nhân dịp khánh thành trụ sở mới. Ảnh: K.N.B
Đại biểu và cán bộ, viên chức Báo Gia Lai chụp ảnh lưu niệm nhân dịp khánh thành trụ sở mới. Ảnh: K.N.B
Bấy giờ, Báo Gia Lai tuy chỉ xuất bản mỗi tuần 2 kỳ nhưng thiếu phóng viên nên nhiều lúc “đuối” tin, bài. Do vậy, hầu như tuần nào cánh phóng viên chúng tôi cũng phải đi lấy thông tin, tất nhiên là ưu tiên vùng sâu, vùng xa. Đã vào đầu những năm 90 thế kỷ trước, song đời sống của cán bộ, phóng viên vẫn còn khá thiếu thốn. Số có xe máy chỉ đếm được trên một bàn tay mà cũng chỉ là xe cà tàng, phần lớn anh em đi công tác đều bằng xe đò, lâu lâu cơ quan mới tổ chức một chuyến đi chung bằng xe U-oát, thả xuống mỗi huyện vài người. Phóng viên như tôi lúc ấy ngoài lương phải viết vượt 100 điểm mới có thêm nhuận bút, mỗi điểm trị giá 1 ngàn đồng, bài viết tốt khoảng 18-20 điểm, còn tin chừng 3-5 điểm. Hàng tháng chạy vắt giò lên cổ để đạt được định mức đã khó, nói chi đến vượt…
Có 2 chuyện mà tôi muốn kể lại về một thời khó khăn mà vui vẻ này. Chuyện thứ nhất xảy ra vào năm 1993 là một tình huống dở khóc dở cười. Năm ấy, tôi quen thân với anh Trương Tơ-Giám đốc Lâm trường Chư A Thai. Anh Tơ có kể đơn vị vừa rồi mua tặng cho xã Chư A Thai một số bàn ghế học sinh và một chiếc ti vi. Thế là, tôi đưa tin lên báo. Tuần sau, Phòng Hành chính cơ quan cho biết vừa nhận được công văn (viết bằng tay trên giấy vở học trò) của xã Chư A Thai do Chủ tịch UBND xã ký đóng dấu gửi lên báo, trong đó nói rằng Lâm trường có tặng bàn ghế cho xã nhưng ti vi thì không có. Tôi hết hồn, liên lạc lại với anh Tơ thì được biết Lâm trường đã mua ti vi về nhưng chưa chuyển cho xã, tôi giục anh xuống đơn vị giao gấp (hú vía, may là công văn ấy chưa đến tay Tổng Biên tập).
Chuyện thứ 2 xảy ra khoảng giữa năm 1998. Nhận được tin báo về hiện tượng vườn nhãn trồng theo Chương trình 135 ở xã Chư Đang Ya (huyện Chư Pah) chết nhiều, tôi lập tức lên đường đến tận nơi kiểm tra, ghi chép (tất nhiên là cẩn thận đếm kỹ số lượng cây chết). Về, tôi viết bài báo có tiêu đề “Trò ảo thuật ở Chư Đang Ya”. Báo phát hành, lãnh đạo huyện liền gửi công văn báo cáo lên các cơ quan cấp trên và gửi đến cơ quan Báo yêu cầu cải chính. Anh Nguyễn Phi Yến-Tổng Biên tập bảo tôi đưa anh xuống Chư Đang Ya để tận mục sở thị. Chúng tôi đi xe U-oát, bỏ xe bên này, tất cả lội qua suối nước ngập đến thắt lưng. Đến vườn nhãn mới trồng, thử đếm số cây chết, anh Yến bảo tài xế đánh xe đưa chúng tôi lên làm việc với huyện. Tất nhiên là sau đó, huyện phải rút lại công văn đã gửi!
Còn nhiều niềm vui và cả nỗi buồn xảy ra trong hơn một phần tư thế kỷ làm báo Gia Lai mà tôi đã trải qua. Ngôi nhà số 2A Hoàng Văn Thụ-trụ sở Báo cũng có nhiều đổi thay. Năm 1993, anh Trần Liễm được tỉnh điều lên làm Giám đốc Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh, ông Phạm Thượng Ký là Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy về làm Tổng Biên tập. Sau đó, khi ông Ký nghỉ hưu, chị Đặng Thu Hà lên làm Tổng Biên tập, cho ra tờ nguyệt san. Trụ sở cơ quan trước đó cũng được nâng cấp.
Năm 1998, chị Đặng Thu Hà theo chồng chuyển ra Hà Nội. Anh Nguyễn Phi Yến-Phó Chánh Văn phòng Tỉnh ủy về làm Tổng Biên tập. Giai đoạn này báo đã tăng lên 3 kỳ/tuần và cho ra tờ cuối tuần in màu. Năm 2001, anh Yến chuyển đi làm Bí thư Huyện ủy Đức Cơ. Anh Đoàn Minh Phụng-Bí thư Huyện ủy Chư Sê về làm Tổng Biên tập, báo tiếp tục có thêm bước phát triển khi ra mắt tờ báo ảnh, trang báo điện tử và tăng kỳ báo Gia Lai lên 6 kỳ/tuần. Đầu năm 2016, sau khi anh Phụng nghỉ hưu thì anh Huỳnh Kiên-Phó Văn phòng thường trú Tây Nguyên của Báo Tiền Phong nhận trách nhiệm Tổng Biên tập. Báo tăng trang, tăng lượng phát hành lên đến hơn 10.000 tờ/kỳ. 
Đội ngũ chúng tôi ngày ấy đến nay hầu hết đã nghỉ hưu nhưng có thể nói, chúng tôi không bao giờ quên những năm tháng từng được bồi dưỡng, trui rèn nghề nghiệp ở ngôi nhà số 2A Hoàng Văn Thụ. Hơn 25 năm làm việc ở Báo Gia Lai, với tôi, đó là chuỗi thời gian ăm ắp kỷ niệm. Dường như vẫn còn đây hàng xoài rợp bóng mát, cây mận cao bên hông nhà cũ trĩu quả đỏ đu đưa. Như vẫn nghe tiếng máy in ty-pô chạy đều đều…
THANH PHONG

Có thể bạn quan tâm

Tặng 600 chiếc áo ấm cho thiếu nhi xã Đak Sơ Mei

Tặng 600 chiếc áo ấm cho thiếu nhi xã Đak Sơ Mei

(GLO)- Chiều 6-12, Công ty TNHH Doanh nghiệp xã hội từ thiện và hỗ trợ phát triển cộng đồng Fly To Sky phối hợp cùng Đảng ủy-UBND-Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Đak Sơ Mei (huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) tổ chức chương trình “Áo ấm chuyền tay” nhằm trao tặng áo ấm cho thiếu nhi trên địa bàn xã.

Quang cảnh hội nghị tổng kết tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh-quốc phòng năm 2024 huyện Phú Thiện. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: 19/20 chỉ tiêu kinh tế-xã hội đạt và vượt kế hoạch năm 2024

(GLO)- Sáng 6-12, UBND huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) tổ chức hội nghị tổng kết tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh-quốc phòng năm 2024, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2025. Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Nguyễn Ngọc Ngô chủ trì hội nghị.

Đak Đoa điều chỉnh giảm dự toán vốn thực hiện Tiểu dự án 1-Dự án 4 Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn hơn 300 triệu đồng. Ảnh Hà Duy.

Đak Đoa điều chỉnh vốn sự nghiệp thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững

(GLO)- Hội đồng nhân dân huyện Đak Đoa vừa ban hành Nghị quyết số 26/NQ-HĐND về việc điều chỉnh dự toán vốn sự nghiệp chưa giải ngân hết trong năm 2023 đã được chuyển nguồn sang năm 2024 và điều chỉnh dự toán vốn sự nghiệp năm 2024 thực hiện chương trình MTQG giảm nghèo bền vững (đợt 2).

Đại diện xã Chư Drăng và Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa kiểm tra các diện tích đất rừng giao cho người dân tại xã Chư Drăng. Ảnh: Lê Nam

Krông Pa tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

(GLO)- Qua 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HU ngày 5-11-2021 của Huyện ủy Krông Pa về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Mùa cà phê chín đỏ

Mùa cà phê chín đỏ

(GLO)- Dưới ánh nắng rực rỡ của những ngày cuối tháng 11, trên khắp các vườn cà phê chín đỏ, không khí thu hoạch rộn rã hơn. Năm nay, bà con nông dân đón mùa vụ với sự hân hoan lớn khi lần đầu tiên cà phê có một mức giá cao nhất lịch sử.