(GLO)- Xin mượn tít đề của bài hát cùng tên của tác giả Văn An để nói đến chiếc cầu treo nối đôi bờ sông Liêng thuộc xã Ba Động huyện Ba Tơ tỉnh Quảng Ngãi đã hoàn thành sau hơn 3 năm thi công. Từ đây, bà con thôn Tân Long Trung giã từ "ốc đảo" mà dòng sông Liêng chia cắt đôi bờ hàng trăm năm nay để đến với khu vực trung tâm xã. Đây là nguồn kinh phí từ Chương trình 30a đầu tư thật sự đã đi vào cuộc sống.
Nối nhịp
Ngày 29-12 chiếc cầu treo thôn Tân Long Trung được cắt băng khánh thành. Nhưng, gần tháng qua, kể từ khi chiếc cầu treo được lắp ván, vặn vít sắt nối đôi bờ sông Liêng thuộc địa phận xã Ba Động, xóm làng nhộn nhịp hẳn. Ông Trần Đức Cung-nguyên trưởng thôn Tân Long Trung nhìn xuống dòng sông, mùa này nước đã bắt đầu đục, chảy xiết, vặn mình len lỏi qua những kẽ đá, xúc động nói: "Nước sông về dâng cao cũng là lúc chiếc cầu đã kịp thời nối nhịp, chứ không bà con lại đi đò nguy hiểm".
Chiếc cầu treo Tân Long Trung nay đã nối nhịp. Ảnh: Trường An |
Sống ở ven sông, tôi hiểu nỗi khát khao của bao lớp người về một chiếc cầu bắt ngang sông. Bởi mùa mưa, nước sông Liêng ầm ào đổ về dâng cao, thôn Tân Long Trung trở thành "ốc đảo" bị cô lập hoàn toàn với trung tâm xã. Để đảm bảo cái ăn, cái mặc, những ngày sắp vào mùa mưa bão, bà con Tân Long Trung lại theo chuyến đò ngang vượt qua sông để đi chợ mua mắm muối và các nhu yếu phẩm để dự trữ. Nhưng việc học của bọn trẻ, việc đau ốm xảy ra bất thường thì nào có thể lo trước được.
Ông Thới Tô, nhớ lại: "Mùa mưa trước, đúng ngày con nước dâng cao, bầu trời xám xịt. Đứng bên này nhìn sang bên kia sông chỉ thấy toàn một màu mây đen kịt. Nước sông cứ thế réo gào. Tôi vội đưa chiếc đò lên bờ phòng khi nước cuốn trôi. Nữa đêm người thân của anh Hồ Hia đến gõ cửa nhờ chèo đò đưa anh sang sông đi bệnh viện gấp, vì bị đau ruột. Tôi suy nghĩ nước lớn... rồi lo ngại. Nhưng đâu thể không cứu bà con". Thế là ông Thới Tô cùng người thân của anh Hồ Hia đưa người bệnh qua sông. Để đảm bảo an toàn, ông còn nhờ thêm bốn thanh niên vừa bơi vừa đẩy con đò. Ra giữa sông mấy lần con đò sửng lại, có lúc dường như muốn lật. Ông Thới Tô vừa chèo vừa khấn cầu sự bình yên. Rồi con đò qua sông, người bệnh được đưa lên Trung tâm y tế huyện. Còn lại bên bến sông một mình ông Thới Tô cầu mong cho chiếc cầu treo sớm hoàn thành để ông giải nghệ nghề chèo đò mà ông gắn bó trên 25 năm.
Gia đình ông Thới Tô có 4 người làm nghề chèo đò mà dân làng gọi là làm phúc kiểu gia truyền. Ông kể: Đầu tiên là cha tôi-ông Thới Miên, rồi đến chị ruột của tôi là bà Thới Thị Đề, sau đó đến chị Nguyễn Thị A rồi bây giờ đến ông. Mỗi người đều gắn liền với dòng sông với nhiều năm tháng khá dài. Người thôn Tân Long Trung nhớ nhiều về bà A-đó là người lái đò sông Liêng tận tình, giàu kinh nghiệm. Bà hiểu "tính nết" của con sông, hiểu quảng nào nước sâu nước cạn. Có chuyến đò sang sông bất ngờ lũ nguồn đổ về bà vừa bơi thuyền vừa cùng với bà con cứu người đang bị nước cuốn trôi ở vùng phía trên cầu Tân Long Trung.
Do bị chia cắt bởi dòng sông, việc học của nhiều đứa trẻ ở thôn Tân Long Trung bị đứt đoạn. Trai, gái trong làng lớn lên thương yêu người làng bên cạnh, nhưng rồi tình duyên lại trúc trắc bởi dòng sông chưa có cầu nối nhịp. Bao lớp người vì sông chia cắt đôi bờ nên cứ khổ triền miên.
Năm 2009, huyện Ba Tơ đầu tư kinh phí xây dựng cây cầu treo dài 336 m, rộng 1,6 m chưa kể đường vào cầu dài 20 m, bắt qua sông từ nguồn vốn của chương trình 30a với kinh phí 3 tỷ 540 triệu đồng. Qua 3 năm, có khi thiếu vốn dẫn đến tiến độ thi công chiếc cầu quá chậm. Người làng bảo nhau: Cầu treo, treo đến bao giờ?”.
Trẻ em đi lại bình yên trên cầu. Ảnh: Trường An |
Giờ đây, chiếc cầu treo đã hoàn thành. Con đò nhỏ gối đầu nằm yên trên bãi cạn. Đò như hoàn thành "sứ mệnh" đưa đón người sang sông. Đứng bên cầu, tôi chứng kiến nhiều người lớn vác lúa giống từ xã băng qua cầu trở về thôn để kịp xuống giống. Những đứa trẻ con em đồng bào dân tộc thiểu số vừa đi học về là cõng củi đi ngược cầu đến trung tâm xã bán mà khuôn mặt cười vui hớn hở. Quả chiếc cầu đã nối bờ vui. Thôn Tân Long Trung giả từ tên gọi "ốc đảo" để hòa nhập với khu vực trung tâm của xã.
Tạ ơn
Trong sớm mai, sương đêm vẫn còn la đà trên mặt nước sông Liêng, bà con thôn Tân Long Trung đã tề tựu đông đủ đến nhà ông Nguyễn Văn Tuấn trưởng thôn để lo chuyện mở tiệc ăn mừng cầu khánh thành. Ông Bùi Hữu Thọ-trưởng chi hội nông dân thôn cho biết: "Thôn đã chuẩn bị một con heo, một con trâu để làm tiệc ăn mừng. Trước khi đón khách, thôn sẽ làm một mâm cỗ khá tươm tất đưa ra bến sông để các bậc cao niên trong làng thắp hương bày tỏ niềm vui và cầu mong sự qua lại của người dân được an toàn".
Ông Trần Đức Cung-nguyên trưởng thôn cười vui: "Kể từ ngày đơn vị khởi công xây dựng móng cầu là bà con ở thôn Tân Long Trung tự nguyện góp tiền mua một con heo và cả bầy gà để nuôi chờ ngày làm cỗ khánh thành chiếc cầu mới. Nhưng rồi cầu xây dựng dở dang, heo, gà nuôi đã lớn nên bà con đành phải đem bán gà, bán heo trả lại cho dân làng. Bây giờ chiếc cầu đã hoàn thành theo ước nguyện của bà con nên mỗi nhân khẩu trong độ tuổi lao động đóng góp 200 ngàn đồng. Hội đoàn thể của thôn trích quỹ 10 triệu đồng... cùng với số tiền của nhà thầu đóng góp, người làng đã thịt một con heo và một con trâu làm cỗ ăn mừng, đãi khách.
Trường An