(GLO)- L.T.S: Những năm qua, Gia Lai đã đẩy mạnh thực hiện nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp khi đầu tư vào tỉnh. Trước thềm Hội nghị xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần thứ II được tổ chức tại TP. Pleiku, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phùng Ngọc Mỹ đã trả lời phỏng vấn của phóng viên Gia Lai online về vấn đề này.
- P.V: Thưa ông, kể từ khi Diễn đàn xúc tiến đầu tư Tây Nguyên năm 2009 tổ chức tại Đak Lak đến nay, tỉnh Gia Lai đã đạt được những kết quả gì về thu hút đầu tư?
Ông Phùng Ngọc Mỹ: Có thể nói, Diễn đàn xúc tiến đầu tư lần thứ nhất đã kêu gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia phát triển kinh tế trên địa bàn Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng. Qua diễn đàn, chúng ta có cơ hội được giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh cũng như cơ hội sinh lợi cho các nhà đầu tư. Nhờ vậy, tính từ năm 2009 đến nay, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 68 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký trên 11.460 tỷ đồng.
Hiện có 24 dự án đã hoàn thành với tổng vốn trên 1.530 tỷ đồng, 40 dự án đang triển khai với tổng vốn gần 9.730 tỷ đồng; còn lại 4 dự án không triển khai đã bị thu hồi.
Từ sau diễn đàn, tỉnh đã tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư nhân sự kiện Festival Cồng chiêng quốc tế tại Gia Lai. Tại Hội nghị lần này, tỉnh đã trao chứng nhận đầu tư cho 12 dự án với tổng vốn 2.321 tỷ đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, có 4 dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư gần 640 tỷ đồng; 3 dự án đang triển khai với tổng vốn đầu tư 147 tỷ đồng.
- P.V: Để khơi dậy tiềm năng và thế mạnh của tỉnh, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư lần này, danh mục kêu gọi đầu tư của tỉnh sẽ tập trung vào những lĩnh vực nào?
Ông Phùng Ngọc Mỹ: Để khai thác tiềm năng và thế mạnh hiện có của tỉnh trong giai đoạn 2013-2015, tỉnh đã ban hành Quyết định số 150/QĐ-UB ngày 29-3-2013 phê duyệt danh mục kêu gọi đầu tư gồm 17 dự án, trong đó có 9 dự án công nghiệp chế biến nông-lâm sản, cơ khí; 5 dự án thuộc lĩnh vực dịch vụ du lịch…
Trụ sở chính của Tập đoàn HAGL. |
Ngoài ra còn có dự án nuôi trồng thủy sản, trạm dừng nghỉ trên tuyến đường bộ 19. Tổng số vốn đầu tư 4.685 tỷ đồng. Trong đó có dự án lớn nhất là nhà máy sản xuất săm lốp ô tô và sản phẩm từ mủ cao su có tổng vốn đầu tư khoảng 3.255 tỷ đồng.
Tại Hội nghị này, tỉnh cũng sẽ trao giấy chứng nhận đầu tư cho 4 dự án: Khu Đô thị suối Hội Phú, Trung tâm chuyển giao Y học Đại học Y dược-Hoàng Anh Gia Lai, Trung tâm Thương mại Pleiku và dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến tập trung quy mô công nghiệp có tổng vốn trên 15.000 tỷ đồng.
- P.V: Thời gian tới, để thu hút đầu tư một cách mạnh mẽ hơn, tỉnh sẽ tập trung thực hiện những giải pháp nào, thưa ông?
Ông Phùng Ngọc Mỹ: Không phải sắp tới tỉnh mới thực hiện các chương trình ưu đãi đầu tư cho doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn mà trước đó, ngoài những chính sách ưu đãi của Chính phủ, trong phạm vi cho phép, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 05/2012/QĐ-UBND ngày 19-3-2012 “Về việc ban hành Quy định về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư, quy trình và thủ tục thực hiện ưu đãi và hỗ trợ đầu tư áp dụng trên địa bàn tỉnh Gia Lai”.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành và địa phương tập trung cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động cấp giấy chứng nhận đầu tư, giải phóng mặt bằng, tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư, doanh nghiệp triển khai thực hiện dự án nhanh chóng và hiệu quả.
Cụ thể là chính sách ưu đãi về tiền thuê đất đối với khu công nghiệp, cụm công nghiệp (CCN), khu du lịch (KDL), khu kinh tế cửa khẩu (KKTCK)… đã quy hoạch. Theo đó, giá đất được UBND tỉnh quy định cụ thể cho từng khu theo thời điểm, nhưng sẽ được giữ ổn định trong từng khoảng thời gian là 5 năm và mỗi lần tăng giá không quá 10% so với giá cũ. Ưu tiên giao đất cho nhà đầu tư xây nhà cho công nhân trong các khu công nghiệp và được ưu đãi theo Nghị định 142 của Chính phủ.
Về kết cấu hạ tầng, UBND tỉnh cũng đầu tư các hạng mục thiết yếu như: cấp điện, cấp thoát nước, đường giao thông đến hàng rào các dự án của các nhà đầu tư trong các CCN, KDL, KKTCK. Đối với phí sử dụng hạ tầng, các dự án đầu tư vào các khu vực này được giảm 50% phí sử dụng hạ tầng kỹ thuật trong 5 năm đầu tiên kể từ khi dự án đi vào hoạt động. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ hỗ trợ kinh phí 1 lần/năm cho mỗi doanh nghiệp có dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh tham gia các cuộc triển lãm, chợ công nghệ ở trong và ngoài nước; hỗ trợ 40 triệu đồng cho doanh nghiệp tham gia triển lãm chợ công nghệ tại các nước thuộc khu vực châu Á, 75 triệu đồng cho doanh nghiệp tham gia triển lãm, hội chợ công nghệ tại các nước ngoài khu vực châu Á; hỗ trợ 20 triệu đồng (tối đa) cho các doanh nghiệp tham gia các hoạt động này trong nước…
- P.V: Xin cảm ơn ông!
Hà Duy (thực hiện)
Đẩy mạnh cải cách hành chính tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Ông Hồ Phước Thành- Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Gia Lai cho biết: Từ trước tới nay, việc thực hiện cải cách hành chính theo hướng đơn giản, thuận lợi cho doanh nghiệp; nâng cao chất lượng quản lý và phục vụ người dân luôn là mục tiêu của Sở Kế hoạch và Đầu tư Gia Lai. |