(GLO)- Có ruộng rẫy nhưng không trực tiếp canh tác để thu hoạch, nhiều hộ nông dân trên địa bàn xã Ia Tiêm (huyện Chư Sê) đã cho người khác thuê lại vườn để tự chăm sóc, thu hoạch và trả cho chủ vườn một khoản tiền. Xung quanh những thỏa thuận kinh tế tưởng chừng bình thường bởi có sự đồng thuận từ cả hai phía này lại tiềm ẩn nhiều hệ lụy.
Miếng ngọt đem chia…
Sở hữu 1 ha cà phê được trồng từ năm 1996, đang cho thu hoạch ổn định nhưng thay vì tiếp tục chăm sóc, ông Kpah Bơ (làng Lê Ngol, xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê) lại quyết định cho một hộ người Kinh thuê lại vườn cà phê để tự chăm sóc và thu hoạch. Hợp đồng được viết tay với những điều khoản như: Bên đi thuê sẽ chịu trách nhiệm chăm sóc và được quyền thu hoạch tất cả mọi hoa lợi trên 1 ha cà phê trong vòng 7 năm. Tổng số tiền bên thuê trả cho ông Bơ trong 7 năm thuê vườn là 80 triệu đồng, được trả một lần. Sau 7 năm, bên thuê sẽ có trách nhiệm hoàn trả lại quyền canh tác cho gia đình ông Bơ.
Ngôi nhà của chị H’Léh. Ảnh: L.H |
“Mình cho thuê được gần 4 năm rồi. Nhà người ta chăm vườn cà phê nhà mình tốt lắm!”-ông Bơ nói. Trả lời câu hỏi, tại sao không tự chăm sóc và thu hoạch vườn cà phê nhà mình mà lại cho người khác thuê với giá quá rẻ, ông Bơ cho biết: “Mình biết giá cho thuê như vậy là quá rẻ nhưng nhà mình nhiều ruộng rẫy quá, mình không đủ sức làm, trong khi vốn liếng lúc ấy không có để đầu tư sản xuất”. Cho biết nguyên nhân là vậy, song theo chính chia sẻ của ông thì 80 triệu đồng tiền cho thuê vườn cà phê ấy, ông đã dành 46 triệu đồng để mua cho con một chiếc xe máy hiệu YAMAHA Exciter. Số còn lại ông dùng để mua phân bón và đầu tư trồng một ít giàn chanh leo.
Theo tính toán, trung bình mỗi ha cà phê cho thu hoạch ổn định, năng suất đạt khoảng 5-6 tấn cà phê nhân/năm. Nhân với mức giá cà phê trong các năm qua, chỉ vài vụ là người thuê vườn sẽ lấy lại vốn. Khoảng một nửa số thời gian thuê còn lại, người thuê sẽ thu lời.
Tương tự trường hợp của ông Bơ, hộ chị Ksor H’Léh (làng Nái, xã Ia Tiêm) cũng cho thuê vườn gồm 300 cây cà phê cho thu hoạch được 2 năm. Để trả tiền cho 3 năm được chăm sóc và thu hoạch vườn cà phê này, người thuê phải xây cho gia đình chị H’Léh một ngôi nhà cấp 4, mái tôn diện tích chưa đầy 50 m2 (4x12 mét) trị giá chỉ vài chục triệu đồng. “Nhà mình ở cũ quá rồi, mưa gió cứ giật mái tôn, mình sợ, con cái cũng sợ. Mình không có tiền nên chọn cách cho thuê vườn, chứ cứ để làm không biết bao giờ mình mới xây được nhà”-chị H’Léh cho biết.
Tại huyện Đak Đoa, tình trạng cho thuê đất, thuê ruộng rẫy cũng đang diễn ra khá phức tạp. Thống kê mới đây cho thấy, toàn huyện hiện có khoảng 873 gia đình cho thuê đất sản xuất với diện tích 392,21 ha. |
Cần vào cuộc kịp thời
Tình trạng bán đất, bán rẫy để lấy tiền tiêu xài diễn ra khá phổ biến. Theo lý giải của họ, nếu họ tự chăm thì năng suất cũng không cao nên cho người Kinh thuê sẽ có chắc trong tay một khoản tiền hay có được ngôi nhà xây khang trang hơn… Ngược lại, người Kinh không cần có đất, không mất thời gian trồng và chăm sóc vườn cây giai đoạn kiến thiết cơ bản mà được thu hoạch ngay, số vốn bỏ ra cũng không phải quá lớn lại nhanh lấy lại vốn. “Họ chỉ chọn thuê những vườn cây đang trong thời kỳ cho năng suất cao nhất. Nếu cho thuê 5-7 năm thì giai đoạn hoàng kim nhất của cây đã qua, lúc nhận lại vườn thì cây cà phê đã già cỗi, năng suất sẽ giảm mạnh”-một người dân sinh sống lâu năm trên địa bàn xã Ia Tiêm chia sẻ. Ngoài hình thức trả tiền mặt thì hiện nay, giá trị cho thuê vườn thường được quy đổi thành xây nhà, bởi nhu cầu xây dựng nhà ở kiên cố của người dân ở các làng rất cao.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề trên, ông Cao Văn Truật-Chủ tịch UBND xã Ia Tiêm thừa nhận trên địa bàn có tồn tại hình thức trên. Ngoài cho thuê vườn rẫy đang cho thu hoạch với thời gian thuê nhiều năm hoặc bán theo từng năm, còn có cho thuê đất canh tác. “Quan điểm của chúng tôi là vận động người dân tự chăm sóc, canh tác và thu hoạch trên phần ruộng, rẫy của gia đình. Bởi vì trước đây khi người dân đua nhau bán đất, địa phương đã phải hạn chế bằng cách rà soát lại thực trạng từng hộ, nếu hộ nào còn từ 2 ha đất sản xuất trở xuống sẽ không cho sang nhượng, tránh tình trạng bán hết đất sản xuất. Với tình trạng này, trước mắt chúng tôi sẽ cho rà soát lại toàn bộ thực trạng cho thuê đất hay vườn rẫy để tìm giải pháp can thiệp cụ thể. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, vận động người dân không nên cho thuê vườn rẫy hoặc đất mà cố gắng canh tác, chăm sóc để thu hiệu quả kinh tế cao nhất. Cái khó nhất chính là cơ sở để can thiệp, bởi xét về pháp lý, người dân hoàn toàn có quyền quyết định hình thức sản xuất, kinh doanh trên phần đất của mình, trừ những việc pháp luật không cho phép”- ông Truật cho biết.
Lê Hòa