Nhiều bất ngờ tại Giải Võ thuật cổ truyền tỉnh Gia Lai năm 2020

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Giải Võ thuật cổ truyền tỉnh Gia Lai năm 2020 đã khép lại sau 3 ngày tranh tài sôi nổi với nhiều bất ngờ, nhất là ở cuộc đua trên bảng xếp hạng toàn đoàn.
Lãnh đạo Hội Võ thuật cổ truyền tỉnh trao huy chương cho các VĐV. Ảnh: Hoành Sơn
Lãnh đạo Hội Võ thuật cổ truyền tỉnh trao huy chương cho các VĐV. Ảnh: Hoành Sơn
Diễn ra từ ngày 23 đến 25-10, Giải Võ thuật cổ truyền toàn tỉnh năm 2020 do Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch phối hợp với Hội Võ thuật cổ truyền tỉnh tổ chức thu hút 110 vận động viên (VĐV) đến từ 13 câu lạc bộ (CLB) trên địa bàn tỉnh. Các VĐV có độ tuổi từ 7 đến 30 tham gia tranh tài ở 2 nội dung quyền và đối kháng.
Nội dung thi đấu đối kháng gồm: đối kháng trẻ dành cho các VĐV có độ tuổi 15-17 và đối kháng vô địch dành cho VĐV từ 18 đến 30 tuổi với các hạng: trên 39 đến 42 kg nam/nữ, trên 42 đến 45 kg nam/nữ, trên 45 đến 48 kg nam/nữ, trên 48 đến 51 kg nam, trên 51 đến 54 kg nam/nữ, trên 54 đến 57 kg nam, trên 57 đến 60 kg nam, trên 60 kg nam.
Nội dung biểu diễn quyền gồm 5 lứa tuổi: 7-9 tuổi thi bài Tứ Linh đao-Hùng Kê quyền, 10-12 tuổi thi bài Lão Mai quyền-Thái Sơn côn,13-15 tuổi thi bài Lão Hổ thượng sơn-Huỳnh Long độc kiếm, 16-18 thi bài Siêu Xung thiên-Bát quái côn và từ 19 tuổi trở lên thi bài Ngọc Trản quyền-Độc lư thương.
Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên thời gian tổ chức Giải Võ thuật cổ truyền toàn tỉnh năm 2020 phải dời lại khoảng 5 tháng so với kế hoạch. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến các CLB vì trùng với lịch học văn hóa của VĐV. Do đó, số lượng VĐV của các đoàn cũng ít hơn những năm trước và rất nhiều VĐV giỏi không thể tham gia giải. Đặc biệt, có 2 CLB đã đăng ký tham gia nhưng bỏ cuộc vào phút cuối vì không triệu tập được đầy đủ lực lượng. 
Một điểm khác biệt của giải năm nay là số lượng VĐV tham gia tranh tài ở nội dung quyền rất đông và được trẻ hóa. Trong đó, CLB Nguyễn Tấn Đô (TP. Pleiku) có số lượng VĐV tham gia nội dung này đông đảo nhất. “Năm nay, do các em trong độ tuổi thi đấu đối kháng đi học xa nên chúng tôi tập trung vào nội dung quyền. Vì có sự chuẩn bị chu đáo trước giải nên các VĐV thi đấu tốt, thể hiện được sự vượt trội so với VĐV của các CLB khác”-võ sư Nguyễn Tấn Đô cho biết.
So với những năm trước, Giải Võ thuật cổ truyền toàn tỉnh năm 2020 chứng kiến nhiều bất ngờ ở cuộc đua trên bảng xếp hạng toàn đoàn. Từ ngôi vị á quân giải năm 2019, CLB Nguyễn Tấn Đô vươn lên giành giải nhất toàn đoàn với 4 huy chương vàng và 3 huy chương đồng.
Bất ngờ lớn nhất tại giải năm nay là vị trí thứ nhì toàn đoàn thuộc về CLB Năm Châu (huyện Đak Pơ). Dù lần đầu tiên tham gia thi đấu tại giải cấp tỉnh nhưng các VĐV của CLB này đã thể hiện được bản lĩnh qua từng trận đấu và xuất sắc giành 3 huy chương vàng, 4 huy chương bạc, 3 huy chương đồng. 
Đoàn VĐV thuộc CLB Hoa Sen (huyện Mang Yang) cũng tạo “cơn địa chấn” khi xuất sắc vượt qua nhiều đối thủ mạnh để lần đầu tiên giành giải ba toàn đoàn với 3 huy chương vàng, 3 huy chương bạc. Võ sư Nguyễn Thị Hoa Sen chia sẻ: “Từ năm 2015 đến nay, CLB tham gia thi đấu tại giải tỉnh nhưng thành tích đạt được chưa cao. Do vậy, năm nay, chúng tôi chỉ đạt mục tiêu ngang năm ngoái là xếp thứ 7 toàn đoàn. Chúng tôi rất vui với kết quả đạt được tại Giải Võ thuật cổ truyền toàn tỉnh năm 2020. Đây là niềm khích lệ tinh thần rất lớn với các VĐV và cá nhân tôi để nỗ lực hơn nữa trong thời gian tới”.
Các nữ võ sinh biểu diễn bài quyền tại giải. Ảnh: Hoành Sơn
Các nữ võ sinh tham gia nội dung biểu diễn quyền. Ảnh: Hoành Sơn

Một bất ngờ không kém ở giải này là việc đoàn VĐV thị xã An Khê-đương kim vô địch giải năm 2019 chỉ xếp ở vị trí thứ 5 toàn đoàn với 2 huy chương vàng, 1 huy chương bạc và 1 huy chương đồng. Đại võ sư quốc gia Lê Ngọc Có-Chủ tịch Hội Võ thuật cổ truyền tỉnh-cho hay: “Giải đấu năm nay thể hiện sự tiến bộ vượt bậc của võ sinh ở nhiều CLB trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, chất lượng chuyên môn tại giải được nâng cao hơn. Ở nội dung đối kháng, trình độ của các VĐV khá đồng đều. Riêng nội dung quyền thì VĐV của CLB Nguyễn Tấn Đô thể hiện sự vượt trội”.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Đức Hoàng-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch-cho biết: “Giải đấu lần này là cuộc tập dượt lớn cho Giải Võ thuật cổ truyền toàn quốc sẽ diễn ra vào đầu tháng 12 tới do Gia Lai đăng cai. Tuy số lượng VĐV tham gia thi đấu ít hơn mọi năm vì trùng lịch học văn hóa nhưng không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng chuyên môn. Các VĐV thi đấu rất tích cực, sôi nổi. Lực lượng trọng tài điều hành giải cũng đã rất nỗ lực, công tâm, góp phần giúp giải thành công tốt đẹp”. 
HOÀNH SƠN

Có thể bạn quan tâm

Cung đường chạy của giải đi qua các thắng cảnh đẹp của Gia Lai. Ảnh: Văn Ngọc

Gia Lai City Trail 2024: Thêm trải nghiệm, tăng sự hấp dẫn

(GLO)-Cuối tuần này, phố núi Pleiku lại sôi động với Giải chạy Gia Lai City Trail 2024-Giấc mơ đại ngàn. Với khoảng 6.800 vận động viên (VĐV) trong và ngoài nước tham dự, lại có thêm nhiều hoạt động trải nghiệm đi kèm, giải chạy này hứa hẹn sẽ rất hấp dẫn và để lại ấn tượng đẹp trong lòng mỗi người.

U80 vẫn đam mê chạy bộ

U80 vẫn đam mê chạy bộ

(GLO)- Dù tuổi cao nhưng vợ chồng ông Lê Đình Quốc (SN 1950, tổ 7, phường Thống Nhất, TP. Pleiku) và bà Lê Thị Thu (SN 1952) vẫn tham gia đều đặn các giải chạy bộ trong và ngoài tỉnh. Sức khỏe và nghị lực của cặp runner U80 này khiến nhiều người thán phục.

Giải bóng đá thiện nguyện S7-Cúp Bê Tông 26 Gia Lai: Hơn 17,6 triệu đồng ủng hộ đồng bào miền Bắc

Giải bóng đá thiện nguyện S7-Cúp Bê Tông 26 Gia Lai: Hơn 17,6 triệu đồng ủng hộ đồng bào miền Bắc

(GLO)- Ngày 21-9, Giải bóng đá thiện nguyện S7-Cúp Bê Tông 26 Gia Lai đã diễn ra tại sân bóng đá trong khuôn viên Trung tâm Hoạt động thanh thiếu niên tỉnh Gia Lai. Giải được tổ chức nhằm phát động quyên góp hỗ trợ đồng bào các tỉnh phía Bắc đang chịu ảnh hưởng nặng nề sau cơn bão số 3.
Hào hứng chinh phục cung đường đẹp như mơ của giải chạy “Nâng bước em đến trường”

Hào hứng chinh phục cung đường đẹp như mơ của giải chạy “Nâng bước em đến trường”

(GLO)-

Rạng sáng 15-9, hơn 1.500 chân chạy đã đồng hành trong giải chạy thiện nguyện “Nâng bước em đến trường”. Các runner không chỉ được thỏa sức chinh phục cung đường đẹp như mơ của huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai), mà hơn cả còn chung tay tiếp sức cho các em học sinh vùng khó.