Cho đến khi các khoản gửi tiết kiệm đến hạn thanh toán, khách hàng không hề nhận được tiền lãi mà tiền gốc liên tục sụt giảm, không rút được tiền về khiến họ rơi vào trạng thái bất an.
Tháng 5-2022, bà T.N.T.T. (phường Ia Kring, TP. Pleiku) đến Techcombank Gia Lai để gửi tiền tiết kiệm. Tại đây, bà đã được nhân viên ngân hàng tên Dung tư vấn nên gửi tiết kiệm vào TCBF với lãi suất cao hơn tiền gửi tiết kiệm cho kỳ hạn tương đương; khi nào cần chỉ báo trước cho ngân hàng 1 ngày là hôm sau sẽ được rút hết số tiền đã gửi. Tin tưởng vào sự tư vấn, bà T. đã gửi 60 triệu đồng và đinh ninh mình đang gửi tiết kiệm linh hoạt nên chờ đúng kỳ hạn để nhận lãi. Đến tháng 11-2022, bà tới rút cả gốc và lãi thì được ngân hàng trả lời là không rút được, phải đặt lệnh bán chứng chỉ quỹ. Nếu đặt lệnh bán chứng chỉ quỹ thì 3 ngày sau tiền mới về tài khoản.
Bà T. bức xúc cho biết: “Ngay từ ban đầu, nhân viên đã có sự khuất tất, không minh bạch trong việc tư vấn cho khách hàng. Họ chỉ nói gửi quỹ đầu tư của ngân hàng cũng như gửi tiết kiệm linh hoạt, không hề cảnh báo rủi ro khi gửi tiền vào quỹ. Bản thân tôi cũng không biết đầu tư chứng chỉ quỹ là gì, chỉ nghĩ đơn thuần là mình gửi tiết kiệm linh hoạt nên chờ đến hạn để hưởng lãi. Sau 6 tháng gửi tiền, tôi không nhận được đồng tiền lãi nào mà tiền gốc thì cứ giảm dần”.
Sau nhiều năm chắt chiu dành dụm, bà T.T.L. (phường Diên Hồng, TP. Pleiku) mới có được 300 triệu đồng để làm vốn phòng thân khi về già. Tháng 7-2022, khi mang số tiền này đến Techcombank Gia Lai để gửi tiết kiệm, bà được nhân viên tên Nhung tư vấn mở tài khoản gửi tiết kiệm linh hoạt với kỳ hạn 6 tháng. Đến tháng 11-2022, bà L. hoảng hốt khi thấy tài khoản của mình đột nhiên chỉ còn hơn 245 triệu đồng. Khi liên hệ với nhân viên ngân hàng để hỏi vì sao gửi tiết kiệm mà bị mất tiền, bà mới vỡ lẽ ra tiền của mình đã trở thành khoản đầu tư vào TCBF.
![]() |
Người dân bất lực khi nhìn thấy tiền của mình bị mất dần mà không thể làm gì được. Ảnh: Sơn Ca |
Bà L. cho biết: “Ngay từ đầu, nhân viên Techcombank Gia Lai không hề nói rõ với tôi về những rủi ro khi gửi tiền vào quỹ mà chỉ nói là hình thức gửi tiết kiệm linh hoạt, có lợi cho khách hàng, thậm chí không hề hỏi tôi có đồng ý gửi tiền vào quỹ hay không. Nên khi đưa điện thoại để nhân viên cài app, tôi còn nghĩ là thời buổi hiện đại ngân hàng không dùng sổ tiết kiệm bằng giấy nữa. Tôi đến ngân hàng để gửi tiết kiệm lấy lãi chứ không phải để đầu tư gì đó. Bây giờ tiền lãi thì không có, tiền gốc bị trừ dần quá đau xót vì đây là những đồng tiền mồ hôi nước mắt của tôi”.
Là khách hàng tiền gửi thân thiết tại Techcombank Gia Lai từ năm 2018, bà H.T.P. (phường Hội Thương, TP. Pleiku) không ngờ rằng mình bị rơi vào tình thế khủng hoảng, bất lực vì tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng đã bị chuyển thành tiền đầu tư vào TCBF. Bà P. buồn rầu kể: “Mấy năm qua, tôi gửi tiền tiết kiệm tại Techcombank Gia Lai. Thông thường, tiền lãi tôi không rút mà dồn vào tiền gốc rồi tiếp tục gửi tiết kiệm. Sau đó, nhân viên tên Nhung giới thiệu sản phẩm tiết kiệm linh hoạt rất có lợi cho khách hàng. Nhân viên không hề nói rõ là tiền tiết kiệm của tôi trở thành tiền đầu tư vào quỹ, không cảnh báo những rủi ro và hỏi tôi có đồng ý đầu tư vào quỹ hay không. Do đó, tôi vẫn tin tưởng là đang gửi tiết kiệm như bấy lâu nay. Cho đến tháng 12-2022, khi đến ngân hàng để làm thủ tục rút tiền, tôi mới biết toàn bộ số tiền gửi tiết kiệm đã chuyển sang quỹ đầu tư. Tôi tức giận và sốc đến nỗi phải nhập viện”.
Từ khi phát hiện ra sự thật, bà P. rơi vào trạng thái khủng hoảng vì không thể kiểm soát hoặc rút lại toàn bộ số tiền đã gửi. Số dư tài khoản tiền gửi từ hơn 5 tỷ đồng đến tháng 12-2022 giảm còn 4 tỷ đồng, đến ngày 4-3-2023 tiếp tục giảm còn 3,8 tỷ đồng. Nói về nỗi lo lắng, bất an của mình, bà P. cho biết thêm: “Tôi đã yêu cầu Techcombank Gia Lai hoàn trả lại tiền nhưng đến nay vẫn không được giải quyết”.
Theo thông tin công bố, TCBF là nơi nhà đầu tư cá nhân cùng được song hành đầu tư vào những trái phiếu doanh nghiệp và chứng chỉ tiền gửi tốt nhất thị trường để tạo nguồn thu nhập ổn định dài hạn. Lợi nhuận kỳ vọng lên đến 10%/năm. Việc đầu tư vào chứng chỉ quỹ, trái phiếu, cổ phiếu cũng được lưu ý là đầu tư có rủi ro và lợi nhuận không được đảm bảo.
Tuy nhiên, đối với những trường hợp khách hàng đã nêu trên tại Techcombank Gia Lai, mục đích ban đầu và duy nhất của họ đến ngân hàng là gửi tiền tiết kiệm. Thế nhưng, nhân viên ngân hàng đã không tư vấn minh bạch, đầy đủ, cảnh báo về rủi ro, không hỏi khách hàng có đồng ý trở thành nhà đầu tư TCBF hay không. Sự khuất tất, mập mờ trong việc giới thiệu, tư vấn sản phẩm đã đẩy khách hàng vào tình thế bất lợi.
Liên quan đến thông tin phản ánh của khách hàng, trao đổi với phóng viên Báo Gia Lai, đại diện Techcombank Gia Lai cho biết đã tiếp nhận nội dung thông tin và sẽ báo cáo về Hội sở để bộ phận chức năng phản hồi theo quy định.
Qua sự việc trên, nguyện vọng lớn nhất của khách hàng hiện nay là mong mỏi Ngân hàng Nhà nước nhanh chóng vào cuộc, xem xét nhằm có giải pháp bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân.
Ông Nguyễn Hữu Nghị-Giám đốc Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh: Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 01/CT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2023. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh đã chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại cung cấp các dịch vụ liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật; tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ đối với hoạt động đại lý phát hành trái phiếu, các cam kết, thỏa thuận và hoạt động cung ứng dịch vụ khác liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, đảm bảo thực hiện đúng quy định pháp luật và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.