Nhận biết dấu hiệu cấp cứu khi trẻ nôn trớ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Gần đây trên mạng xã hội nhiều cha mẹ chia sẻ về việc con phải đi khám bệnh do bị nôn và đau bụng.

Trước mối băn khoăn của các cha mẹ về việc trẻ bị nôn trớ nhiều, PGS-TS-BS Nguyễn Thị Việt Hà, Trưởng khoa Tiêu hóa - Bệnh viện Nhi T.Ư (Hà Nội), cho hay khi trẻ đau bụng và nôn nhiều hoặc kéo dài, cha mẹ cần cho trẻ đi khám tại các cơ sở nhi khoa hoặc chuyên khoa tiêu hóa nhi khoa để được các bác sĩ khám, chỉ định xét nghiệm xác định nguyên nhân và điều trị hợp lý.

Viêm dạ dày ruột cấp

PGS-TS-BS Nguyễn Thị Việt Hà cho biết viêm dạ dày ruột cấp là nhiễm khuẩn tiêu hóa thường gặp, gây nôn và đau bụng ở trẻ em, nguyên nhân là do vi rút rota, noro, adeno, SARS-CoV-2 (gây bệnh Covid-19).


 

Cần đưa trẻ đến bệnh viện nếu nôn kéo dài trên 24 giờ hoặc nôn liên tục. Ảnh: SHUTTERSTOCK
Cần đưa trẻ đến bệnh viện nếu nôn kéo dài trên 24 giờ hoặc nôn liên tục. Ảnh: SHUTTERSTOCK



Viêm dạ dày ruột có thể xảy ra khi trẻ ăn thức ăn, nguồn nước bị nhiễm khuẩn hoặc trẻ ngậm tay, chơi đồ chơi bị nhiễm bẩn. Sử dụng đá, nước giải khát được làm lạnh cũng dễ gây nhiễm khuẩn nếu nguồn nước ô nhiễm. Các thực phẩm nếu chế biến, bảo quản không đảm bảo vệ sinh dễ bị nhiễm khuẩn hoặc nhiễm độc tố vi khuẩn, làm gia tăng tình trạng viêm dạ dày ruột do nhiễm khuẩn.

Nôn trớ do viêm dạ dày ruột nhiễm khuẩn thường bắt đầu đột ngột và hồi phục nhanh trong vòng 24 giờ. Các biểu hiện khác như tiêu chảy phân nhầy máu, sốt hoặc đau bụng sẽ xuất hiện đồng thời hoặc sau 12 - 24 giờ.

BS Hà cho biết thêm ngộ độc thực phẩm cũng có thể gây buồn nôn và nôn ngay, có khi nôn cả ra máu, đau bụng, tiêu chảy nhiều lần phân lỏng có thể có nhầy máu. Trẻ có thể không sốt hay sốt cao trên 38 độ C.


Khi nào nôn nhiều cần được cấp cứu ?

BS Việt Hà khuyên cần đưa trẻ đến bệnh viện nếu nôn kéo dài trên 24 giờ hoặc trẻ nôn liên tục, nôn ra tất cả mọi thứ sau khi ăn hoặc uống, dịch nôn có màu xanh hoặc vàng, có sự hiện diện của máu đỏ tươi hoặc máu đông.

Tiêu chảy thường xuất hiện đồng thời hoặc sau nôn, đau bụng. Tình trạng tiêu chảy có thể tồn tại ngay cả khi đau bụng đã hết. Trẻ cần được đưa đến cơ sở y tế nếu trẻ đi ngoài phân lỏng nhiều nước, nhiều lần trong ngày, phân nhầy máu, hoặc có biểu hiện mất nước.

 


Không tự ý sử dụng thuốc cầm nôn, cầm tiêu chảy

Các bác sĩ của Bệnh viện Nhi T.Ư lưu ý: Gia đình không tự sử dụng thuốc cầm nôn và cầm tiêu chảy. Nôn và tiêu chảy là một hoạt động bảo vệ cơ thể để tống các tác nhân gây bệnh ra khỏi cơ thể. Sử dụng thuốc cầm nôn, cầm tiêu chảy không phù hợp sẽ dẫn đến tình trạng giảm nhu động ruột, giảm hấp thu và kéo dài thời gian lưu lại trong đường tiêu hóa của vi khuẩn, độc tố gây ngộ độc thực phẩm làm trẻ đầy, chướng bụng, và như thế sẽ kéo dài thời gian bị bệnh.

Cần cho trẻ uống nước đủ, tốt nhất là cho trẻ uống dung dịch bù nước và điện giải (oresol) để tránh cho trẻ bị mất nước khi nôn hay tiêu chảy nhiều.

Cần pha oresol đúng theo hướng dẫn và kiên nhẫn cho bé uống 50 - 100 ml oresol từ từ từng ngụm nhỏ sau mỗi lần trẻ bị nôn hoặc tiêu chảy. Nếu trẻ đã được uống oresol theo nguyên tắc từ từ nói trên mà vẫn bị nôn, tình trạng đi ngoài còn nhiều, cha mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ tới bệnh viện để được bù nước, điện giải bằng truyền dịch.


Theo Nam Sơn (TNO)
 

Có thể bạn quan tâm

Thiếu vitamin C gây hại thế nào cho cơ thể?

Thiếu vitamin C gây hại thế nào cho cơ thể?

Vitamin C là một trong những chất chống ô xy hóa quan trọng, giúp tăng cường khả năng miễn dịch và góp phần vào nhiều chức năng khác của cơ thể. Việc thiếu hụt vitamin C không những khiến hệ miễn dịch suy yếu mà còn gây nhiều tác động tiêu cực.