"Cái khó ló cái khôn", trong tình cảnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hạn mặn, dịch bệnh làm mất thị trường và giá cả, thì nhiều nhà vườn tại miền Tây Nam Bộ vẫn tìm được hướng đi mới để thích ứng.
|
Anh Nguyễn Thanh Thiện (huyện Lai Vung, Đồng Tháp) chuyển vườn quýt hồng sang trồng thêm chuối cau. Ảnh: CHÍ CÔNG |
Nhiều cách làm hay đang phát huy hiệu quả, giúp nông dân vượt khó khăn hiện tại.
Rút kinh nghiệm những vụ được mùa thì mất giá, gần đây nhiều nhà vườn không dồn tất cả vào một giỏ, chỉ trồng 1-2 loại cây trái. Nhiều người đã mở rộng trồng 4-5 loại cây khác nhau và xen canh thêm các loại cây ngắn ngày để loại được giá bù cho thứ mất giá theo thời vụ. Bà Nguyễn Thị Lệ (một chủ buôn trái cây ở Long An) |
Không bỏ hết tiền vào một "giỏ"
Chúng tôi đến đúng lúc gia đình ông Phạm Thành Phú (60 tuổi, huyện Lai Vung, Đồng Tháp) đang thu hoạch chuối cau bán cho thương lái. Đợt này, ông bán hơn 20 buồng với giá bán mỗi buồng khoảng 50.000 - 60.000 đồng.
"Mảnh vườn này lúc trước trồng quýt hồng thu mỗi mùa vài chục tấn, nhưng mấy năm gần đây do quýt già cỗi và bệnh nên tui đành đốn bỏ. Hiện tui chuyển toàn bộ mảnh vườn gần 20 công sang trồng sầu riêng, mận và chuối cau để lấy ngắn nuôi dài. Thu nhập cũng tạm ổn duy trì cuộc sống" - ông Phú rổn rảng tâm sự.
Từng một thời "của ăn của để" với cây quýt hồng, nên ông Phú cũng có chút tiếc nuối khi quyết định đốn bỏ vườn quýt có từ thời cha ông. Hiện thu nhập từ mảnh vườn mới không bằng ngày xưa nhưng theo ông Phú bù lại là tính ổn định lâu dài.
Hiện cứ vài ba bữa ông lại thu hoạch chuối cau một lần, ngày ít thì thu hoạch 5 buồng chuối, nhiều thì 20 - 30 buồng. Hằng tháng ông có thêm vài triệu đồng trang trải chi phí sinh hoạt trong nhà.
"Phía sau nhà tui cũng còn trồng 200 cây quýt hồng, coi như là giữ tình nghĩa với loại cây trồng gắn bó xưa giờ với quê hương. Nhưng hướng đi mới vẫn sầu riêng, mận, ổi, chuối" - ông Phú cho biết.
Cách không xa, anh Nguyễn Thanh Thiện cũng vừa đốn bỏ vườn quýt để trồng mận An Phước và chuối cau xen vào. Đưa ánh nhìn lạc quan về 120 gốc mận cùng vườn chuối xanh tốt chuẩn bị cho thu hoạch, anh Thiện cho biết: "Từ khi cây quýt hồng chết thì người dân quanh đây chuyển qua trồng chuối cau nhiều lắm. Nhà nào trồng nhiều thì mỗi lần thu hoạch cũng được 3-4 triệu đồng. Dù lợi nhuận không bằng cây quýt nhưng ổn định và bền vững".
Ông Phạm Văn Vị (tỉnh Vĩnh Long) thì lựa chọn bưởi da xanh, mít để trồng xen vào khu vườn sầu riêng hơn chục năm tuổi bị chết khô do đợt hạn mặn vừa qua. Nhận thấy cây mít trong vườn vẫn phát triển xanh tốt, trái ra sai oằn giữa mùa hạn mặn nên năm nay ông mua hơn 400 cây mít về trồng.
"Mít nhanh ra trái, thu lợi nhuận sớm nên tui chuyển hơn 4 công vườn sang trồng mít và bưởi da xanh. Vụ rồi, sầu riêng điêu đứng chứ mít còn trụ được, nên tui cũng yên tâm gắn bó với mảnh vườn" - ông Vị hào hứng chia sẻ.
Hiện ngoài làm vườn, ông Vị cũng cho thuê rạp đám cưới và chạy xe kiếm thêm để trang trải cuộc sống giai đoạn khó khăn vì dịch giã.
Theo ông Huỳnh Văn Tồn, phó trưởng Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Lai Vung, những năm gần đây do dịch bệnh và giá cam quýt xuống thấp nên nhiều nhà vườn tại huyện Lai Vung chuyển sang trồng nhãn, mận, thanh long với lợi nhuận tương đối khá.
"Huyện đang có đề án trình ủy ban tỉnh về việc khôi phục cây quýt hồng. Thời gian qua lãnh đạo ngành nông nghiệp cũng phối hợp với các viện, trường khôi phục, cứu chữa bệnh trên cây quýt hồng. Bên cạnh đó, nhiều nhà vườn trên địa bàn huyện cũng có chuyển qua trồng mận, nhãn, xoài cho lợi nhuận tương đối ổn" - ông Tồn chia sẻ.
|
Lão nông Lưu Văn Ràng (Đồng Tháp) với mô hình trồng quýt kiểng trong chậu cho lợi nhuận khá. Ảnh: CHÍ CÔNG |
Tìm hướng đi mới
Giữa lúc cam, quýt rớt giá mạnh thì thương lái tranh nhau vào vườn của ông Huỳnh Hoàng Sơn (huyện Lai Vung) để mua cam ruột đỏ với giá cao ngất ngưởng, có thời điểm lên tới 50.000 - 60.000 đồng/kg. Đây là một trong những nhà vườn hiếm hoi tại Đồng Tháp trồng giống cam lạ mắt này. Hằng năm, ông thu hàng trăm triệu đồng từ vườn cam độc, lạ của mình.
"Tui đang dự kiến mở rộng thêm diện tích trồng cam ruột đỏ bởi thị trường còn rộng lắm. Cây dễ chăm sóc, giá lại cao nên lợi nhuận hơn hẳn mấy cây khác" - ông Sơn cho biết.
Còn với lão nông Lưu Văn Ràng, hướng đi mới lại đến từ việc trồng quýt hồng kiểng trong chậu bán vào mỗi dịp Tết. Khi chúng tôi đến, ông khoe hàng trăm chậu quýt vừa làm trái xong, dự kiến bán vào dịp Tết Nguyên đán 2021.
Những năm qua dù thất thu từ vườn quýt hồng, quýt đường sau nhà nhưng ông vẫn kiếm lợi nhuận khá từ những chậu quýt kiểng độc, lạ của mình.
"Năm rồi, mỗi chậu quýt tui bán cũng dao động từ 3 triệu đến 8 triệu đồng, kiếm được cũng hơn trăm triệu đồng. Năm nay tui tiếp tục làm, nếu trời thương thì cũng có thêm một khoản thu nhập đáng kể" - ông Ràng cho biết.
Được biết ông Ràng là nông dân đầu tiên tại huyện Lai Vung thử nghiệm trồng quýt hồng trong chậu. Theo ông Ràng, một chậu quýt hồng cảnh từ khi xử lý đến khi bán khoảng 8 tháng, đòi hỏi người nông dân phải có tay nghề để trái quýt khi chín vàng ươm, bóng lưỡng và giữ được số lượng trái đồng đều trên cây.
Riêng anh nông dân Phạm Hữu Nghĩa tại huyện Châu Thành (tỉnh Đồng Tháp) lại chọn phát triển sản phẩm kẹo nhãn nhằm nâng cao giá trị cho loại trái cây đặc sản địa phương. Giữa tình hình giá nhãn rớt giá những ngày đầu tháng 6, sản phẩm kẹo nhãn của anh lại trở thành hướng đi mới, giúp anh tăng thêm thu nhập.
"Nhận thấy việc bán trái tươi nhiều khi giá cả bấp bênh nên tui chuyển qua chế biến để tăng giá trị cho trái nhãn. Hiện mỗi tháng cơ sở cung ứng đều đặn sản phẩm cho các trạm dừng chân, cửa hàng đặc sản. Lợi nhuận thu được tuy chưa nhiều nhưng cũng tương đối ổn" - anh Nghĩa cho biết.
Chành thanh niên trẻ cũng trau dồi thêm kiến thức qua các lớp khởi nghiệp kinh doanh đồng thời đem sản phẩm kẹo nhãn tham gia các hội chợ thương mại, phiên chợ nông nghiệp xanh trong và ngoài tỉnh để giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm đối tác.
"Sắp tới tui sẽ phát triển thêm các dòng sản phẩm kẹo nhãn với nhiều hương vị. Ngoài ra cũng sẽ đầu tư máy móc, bao bì để sản xuất bài bản, từ đó tìm kiếm thêm nhiều đối tác, tiếp cận thị trường dễ dàng hơn" - anh Nghĩa chia sẻ.
Làm rải vụ để tránh rủi ro Nhằm đối phó với tình hình giá cả nông sản bấp bênh, nhiều nhà vườn trồng xoài tại Đồng Tháp, Hậu Giang đã chọn cách sản xuất rải vụ để tránh việc dội chợ khi trái cây vào chính vụ. Ông Nguyễn Thanh Sơn (huyện Cao Lãnh) cho biết do chủ động làm trái trước tết nên ông tránh được dịch COVID-19 cũng như né được diễn biến thất thường của giá xoài chính vụ. "Vườn xoài mình rải vụ quanh năm nên không bị ảnh hưởng nhiều, tránh được rủi ro thị trường" - ông Sơn chia sẻ. Ông Lê Văn Tâm - chủ tịch Hội làm vườn tỉnh Đồng Tháp - cho biết diện tích xoài trên địa bàn tỉnh khoảng 10.000ha nhưng rải vụ khoảng 6.300ha, không tập trung vào vụ xoài chính vụ từ tháng 3 đến tháng 5 hằng năm. "Dịch COVID-19 diễn ra, nhưng người nông dân Đồng Tháp khôn khéo biết cách rải vụ nên ít xảy ra tình cảnh dội chợ" - ông Tâm chia sẻ. |
Thời gian qua, nhiều nhà vườn trồng cây ăn trái đã liên kết với nhau thông qua các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác nhằm tìm kiếm đầu ra, tránh những tác động tiêu cực từ thị trường.
Kỳ tới: Liên kết để cùng làm giàu
THÀNH NHƠN - CHÍ CÔNG (TTO)