(GLO)- Sau 3 năm bị chậm tiến độ, Nhà máy xử lý rác thải rắn An Khê đã đi vào vận hành chạy thử trơn tru gần 1 tháng nay. Tuy nhiên, nguồn kinh phí để nhà máy hoạt động ổn định trong thời gian tới vẫn đang là vấn đề cần tháo gỡ…
Lò đốt của nhà máy đã vận hành chạy thử. Ảnh: L.A |
Tháng 10-2011, Chủ tịch UBND tỉnh ký quyết định phê duyệt dự án Nhà máy xử lý rác thải rắn An Khê với tổng vốn đầu tư hơn 117,5 tỷ đồng nhằm giải quyết lượng rác thải cho thị xã An Khê và các địa phương lân cận. Theo thiết kế, nhà máy có công suất xử lý 30 tấn rác thải/ngày...
Sau khi dự án được phê duyệt, từ tháng 9-2012, chủ đầu tư bắt đầu ký hợp đồng thi công 8 gói thầu với nhiều nhà thầu khác nhau. Đến cuối năm 2013, hầu hết các gói thầu đã hoàn thành theo kế hoạch, chỉ còn gói thầu số 6 do Công ty cổ phần Tiến Bộ Quốc Tế (AIC) Hà Nội cung cấp, lắp đặt trang-thiết bị kỹ thuật, máy móc xử lý rác... trị giá 85,7 tỷ đồng bị chậm trễ. Theo hợp đồng ký kết, thời gian Công ty AIC thực hiện gói thầu này bắt đầu từ tháng 8-2012 và hoàn thành vào ngày 30-6-2013. Trong quá trình thi công, do gặp một số vấn đề nên Công ty AIC đã xin gia hạn thời gian thi công đến ngày 30-9-2013. Thế nhưng, đến hết tháng 6-2016 (chậm tiến độ gần 3 năm), khi các thiết bị của gói thầu này như: máy xúc đào bánh xích, máy xúc lật, dây chuyền sản xuất gạch không nung, trạm cân điện tử, hệ thống lò đốt, hệ thống phân loại rác thải… đã được chuyển đến và lắp đặt xong nhưng nhà máy vẫn chưa thể hoàn thiện tiến hành chạy thử toàn bộ hệ thống với lý do… sự cố kỹ thuật.
Phải đến giữa tháng 7-2016, nhà thầu AIC mới khắc phục được sự cố và cho chạy thử liên động không tải và có tải toàn bộ hệ thống. Sau một tháng chạy thử, cơ bản hệ thống máy móc đã vận hành trơn tru, hệ thống lò đốt đã xử lý được 10-15 tấn rác thải/ngày. Hiện các chuyên gia và Công ty AIC đang tiến hành chuyển giao công nghệ, dự kiến đến cuối tháng 9 sẽ bàn giao gói thầu này. Trước thời điểm được bàn giao, một khó khăn lại xuất hiện, đó là vấn đề nguồn kinh phí để Nhà máy hoạt động ổn định trong thời gian tới.
Tiên lượng được khó khăn về kinh phí, dự án đã lắp đặt dây chuyền sản xuất gạch không nung, công suất 1.200 viên/ngày để bán ra thị trường. Theo quy trình, các chất thu được từ quá trình xử lý rác thải của Nhà máy là tro xỉ và chất trơ sẽ được trộn với xi măng và một số chất khác theo một tỷ lệ định trước để sản xuất gạch không nung. Tuy nhiên, theo đánh giá, trong thành phần chất trơ và tro xỉ sau khi đốt vẫn còn chứa một số chất hữu cơ nên dù được trộn xi măng và các chất khác nhưng cường độ chịu lực không cao. Loại gạch này chỉ được sử dụng xây dựng tường rào, bồn hoa, gạch lát vỉa hè, nên khó tìm được thị trường tiêu thụ...
Trong khi việc bán gạch để lấy kinh phí hoạt động đang giống như “đếm cua trong lỗ” thì theo tính toán của UBND thị xã An Khê, tổng chi phí trong một năm cho việc vận hành lò đốt rác của Nhà máy lên đến hơn 4,2 tỷ đồng. Ông Nguyễn Hùng Vỹ-Chủ tịch UBND thị xã An Khê cho biết: “Thực tế, với nguồn chi phí lớn như vậy, thị xã không cân đối được nguồn kinh phí khi nhà máy đi vào hoạt động. Trước những khó khăn đó, UBND thị xã đã có văn bản báo cáo lên UBND tỉnh để xin ý kiến chỉ đạo, nhằm tháo gỡ những vướng mắc này…”.
Lê Anh