Nguyễn Văn Thường: Làm giàu từ vườn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đến thôn Linh Nham (xã Đak Djrăng, huyện Mang Yang) hỏi thăm anh Nguyễn Văn Thường hầu như ai cũng biết. Bởi lẽ, ở tuổi 29, chàng trai này đã có trong tay 9 ha đất trồng hồ tiêu, cà phê và cây ăn quả, mỗi năm cho thu nhập hàng tỷ đồng.

Nguyễn Văn Thường cho biết, anh sinh ra và lớn lên tại thôn Linh Nham. Ngay từ nhỏ, Thường đã rất thích theo ba mẹ ra vườn chăm sóc cà phê, trồng các loại cây ăn trái. Đam mê này ngày một lớn dần, đến nỗi khi vừa học xong lớp 11, Thường quyết định nghỉ học để... làm nông dân. Thấy con trai quyết tâm, ba mẹ Thường cho anh một mảnh đất để “bắt đầu sự nghiệp”. 

 

Nguyễn Văn Thường bên vườn bơ giống mới 034. Ảnh: H.Đ.T
Nguyễn Văn Thường bên vườn bơ giống mới 034. Ảnh: H.Đ.T

Năm 2011, cây chanh dây bắt đầu phát triển ở Gia Lai. Vốn nhanh nhạy, Thường bắt tay trồng loại cây này trên diện tích 0,5 ha. Số tiền thu được từ bán chanh dây, anh tích lũy dần để mua thêm đất. Đến năm 2016, anh đã có trong tay 5 ha đất. Toàn bộ diện tích này, Thường đều trồng chanh dây. Thời điểm ấy, có lúc chanh dây lên 50 ngàn đồng/kg. Với 5 ha chanh dây, có ngày, Thường thu đến 120 triệu đồng. Điều đặc biệt là vườn chanh dây của Thường lúc nào cũng bán được giá. Hỏi về bí quyết, Thường chia sẻ là do anh nắm bắt được kỹ thuật chăm sóc, bón phân để chanh dây ra quả trong mùa nắng, cây không bị sâu bệnh và đạt năng suất cao, bình quân mỗi héc-ta thu được 40-50 tấn quả.

Sau một thời gian trồng chanh dây, thấy người dân ồ ạt phát triển loại cây này, Thường quyết định giảm dần diện tích để lấy đất canh tác các loại cây trồng khác như hồ tiêu, cà phê. Tuy nhiên, khi bắt đầu trồng hồ tiêu, do thiếu kinh nghiệm chăm sóc nên có đợt, vườn hồ tiêu của anh bị chết hơn 200 gốc. Vậy là anh liền đi đến các vùng chuyên canh hồ tiêu để học hỏi kinh nghiệm, đem về áp dụng cho vườn hồ tiêu của mình. Nhờ kinh nghiệm tích lũy dần, cộng với điều kiện đầu tư đảm bảo, vườn hồ tiêu của anh từ đó luôn xanh tốt và cho năng suất cao. Hiện nay, Thường có tổng cộng 9 ha đất. Trên diện tích này, anh trồng 6.000 cây cà phê, 4.000 trụ hồ tiêu. Năm 2017, anh thu về hơn 80 tấn cà phê tươi, 4 tấn hạt tiêu khô, bán được gần 1 tỷ đồng.

Ngoài việc tập trung chăm sóc diện tích cà phê và hồ tiêu hiện có, thời gian qua, Thường còn lên mạng internet tìm hiểu các loại giống cây ăn quả phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu của địa phương để đưa về trồng. Trước khi trồng, anh khăn gói qua các nhà vườn ở Đak Lak, Lâm Đồng, thậm chí xuống tận Bến Tre để học tập kinh nghiệm và tìm giống tốt để đặt mua. Đến nay, Thường đã trồng được 400 cây bơ giống 034, hơn 100 cây na Thái, 350 cây sầu riêng… Trong đó, cây bơ đã cho thu hoạch.

 

Kinh nghiệm khởi nghiệp của NGUYỄN VĂN THƯỜNG:

* Muốn thành công phải có sự đam mê.
* Không ngừng học hỏi và trau dồi kiến thức.
* Kiên trì, chịu khó.

Thường cho biết: Ngoài những giống bơ trái mùa nổi tiếng như: bơ booth, bơ hass, bơ reed và bơ tứ quý thì còn có một giống bơ khác là bơ 034, hay còn gọi là bơ sáp. Giống bơ này được các kỹ sư nông nghiệp đánh giá cao bởi cho năng suất cao, sai quả và rất thích hợp với điều kiện khí hậu của Tây Nguyên. Bơ 034 khi chín lớp vỏ có màu xanh bóng, phần cơm màu vàng, hạt rất nhỏ, có quả còn không có hạt, trọng lượng quả từ 300 gram đến 800 gram, được đánh giá là giống bơ thơm ngon số một trên thị trường hiện nay. Đặc biệt, bơ 034 ra quả gần như quanh năm nên không gây áp lực tiêu thụ cho người trồng. Dù chỉ mới trồng được gần 3 năm nhưng 400 cây bơ 034 của anh Thường đã cho thu hoạch với năng suất hơn 100 kg/cây. Giá bơ 034 được thương lái mua rất cao, thấp nhất khoảng 50.000 đồng/kg, lúc cao đến 120.000 đồng/kg.

Hà Đức Thành

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Đam mê làm nông nghiệp, hướng đến những sản phẩm sạch, anh Nguyễn Mạnh Tường đã đầu tư phát triển mô hình liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ rau, củ, quả. Mô hình này vừa đạt giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn tỉnh Hà Tĩnh năm 2024, do Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tổ chức.