(GLO)- Là người có cơ duyên với những nhân chứng từng là người đầu tiên đặt “nền móng” cho Báo Gia Lai, tôi đã được trò chuyện với ông Nguyễn Thái Thưởng, hiện đang sống ở Thừa-Thiên Huế. Lần ấy là một ngày mưa trên đất… Huế. Trong không khí đầy lãng mạn, tôi được chính người “Thợ in báo Sáng” kể chuyện đời, chuyện nghề.
Ông Nguyễn Thái Thưởng (bên phải) chuyện trò với phóng viên Báo Gia Lai. |
…Tôi là cán bộ công tác tại Văn phòng Việt Minh tỉnh Gia Lai, trực tiếp in 2 tờ báo Thông tin và Sáng của Gia Lai. Quê tôi ở Thừa Thiên-Huế nhưng được sinh ra tại Cheo Reo (nay là thị xã Ayun Pa). Thời gian trước 1945, gia đình tôi lúc đầu ở Cheo Reo, sau lên Pleiku, năm 1942, trở lại Cheo Reo, đến năm 1946, trở về Thừa Thiên-Huế.
Ngày 29-9-1945, tôi theo anh Võ Thứ và Phan Phong vào công tác tại Văn phòng chi đội 5 (chi đội Tây Sơn) tại Pleiku. Khoảng tháng 10-1945, anh Phan Thêm lên thay anh Võ Thứ, tôi được anh Phan Thêm giữ lại, lúc thì làm việc ở Văn phòng chi đội (sau đổi thành Trung đoàn 67), lúc thì làm việc ở Văn phòng Việt Minh tỉnh Gia Lai.
Tháng 12-1945, quân Pháp một mặt đánh vào Buôn Ma Thuột, tiến ra đóng đồn ở Buôn Hồ trên đường 14, một mặt đánh chiếm vùng Đông Bắc Campuchia, đóng đồn ở Bô Keo, Bô Khâm trên đường 19 kéo dài, uy hiếp vùng Oyadav và Mook Đen.
Cuối tháng 6-1946, quân Pháp từ hai hướng theo đường 14 và đường 19 kéo dài đánh chiếm Gia Lai và Kon Tum. Thời gian này, gia đình tôi đang ở Cheo Reo, cha mẹ tôi phải tản cư theo đường 7 về Phú Yên; còn tôi, theo cơ quan, sơ tán theo đường 19, xuống An Khê, Phú Phong và đến tháng 7-1946 thì tập kết tại Phù Cát. Lúc này, cơ quan có khoảng 15 người do anh Dương Thành Đạt chỉ đạo. Cuối tháng 7-1946, cả đoàn di chuyển từ Phù Cát qua đèo Bồ Bồ, lên đóng tại Vĩnh Thạnh (xã Bình Quang, huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định). Đoàn cán bộ các cơ quan tỉnh có mặt đầu tiên ở Vĩnh Thạnh có các anh: Phan Thêm, Phan Bá, Phạm Thuần, Dương Thành Đạt, Nguyễn Xuân; sau thêm các anh Trần Nông, Phạm Kiêm, chị Thanh, chị Nữ, chị Nguyên (vợ anh Phan Thêm)… Lúc đoàn cán bộ của tỉnh đến Vĩnh Thạnh thì tại đó đã có một số cán bộ của huyện Tân An (tức huyện An Khê), gồm các anh Đỗ Trạc, Hồ Thượng Hiền, Ngô Thành, Lê Thanh Cảnh và cụ Nguyễn Hữu Phương.
Đầu tháng 8-1946, anh Phan Bá đưa tôi ra chợ Chùa (Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) học cách in lito. Sau một tuần tham quan thực tập, anh Bá và tôi trở về Vĩnh Thạnh với một bảng cẩm thạch trắng, có kích thước khoảng 340x460x25 mm (to hơn khổ giấy A3), 2 thỏi mực charbonnaise, mấy hộp mực in lito (trong đó có 1 hộp mực màu đỏ) và một số dụng cụ cần thiết cho việc in (ngòi viết, ru-lô cao su, keo dán…).
Nhóm in lito được hình thành ban đầu gồm 3 người là anh Nguyễn Hữu Hà (con cụ Nguyễn Hữu Phương), Nguyễn Hồng Lạc (sau tháng 7-1954, nghỉ việc, đổi họ là Phù Lạc, sống ở xã Tây Phú, Tây Sơn, Bình Định) và tôi. Trong 3 anh em, tôi viết chữ đẹp hơn và được hướng dẫn trước nên đảm nhiệm viết chữ ngược trên bảng đá và làm trưởng nhóm. Để cho việc in được thuần thục, chúng tôi được giao in một số truyền đơn, áp phích và in lại một số bài báo của các báo Cứu Quốc, Sự Thật, Quyết Thắng phục vụ cho công tác tuyên truyền trong vùng địch hậu. Tôi vừa phải tập viết chữ ngược thường (kiểu chữ đứng, chữ nghiêng) vừa tập viết các kiểu chữ in hoa để làm đầu đề cho các bài báo (dựa theo các đề của các báo để làm mẫu).
Đến cuối tháng 8-1946, nhóm in lito của chúng tôi được trang bị thêm hai bảng đá cùng kích thước như bảng đầu, bề dày khoảng 25 mm, một số hộp mực lito và mấy cuộn giấy trắng, khổ rộng khoảng 850 mm và một số dụng cụ để chuẩn bị in báo. Giữa tháng 9-1946, tờ Thông tin Gia Lai số đầu tiên, in 2 trang, khổ giấy A3 (gập đôi). Trang đầu, chia 5 cột; tên báo chiếm 3 cột bên phải; bài xã luận “Nhiệt liệt chào mừng Ngày Quốc khánh 2-9” đặt ở 2 cột đầu, bên trái, ngang với tên báo viết chữ in nghiêng; bài xã luận được đóng khung. Phần dưới trang 1 có trích 2 câu trong “Tuyên ngôn Độc lập”, với cỡ chữ to và đậm nét, viết liền, không phân cột và được đóng khung trang trọng. Ở trang 1, ngoài tên báo, bài xã luận còn có phần tin tức, chia ra tin thế giới, tin trong nước, tin trong tỉnh. Ở trang 2, có những bài thuộc loại hướng dẫn công tác, những bài đập lại luận điệu tuyên truyền của địch và những bài viết phổ biến những chủ trương, chính sách của Mặt trận và Ủy ban Hành chính tỉnh. Số báo cuối tháng 12-1946 có đăng toàn văn “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Hồ Chủ tịch.
Khi đồng chí Đỗ Trạc bị Pháp xử bắn tại An Khê, báo Thông tin ra số cuối tháng 3-1947 có in chân dung đồng chí Đỗ Trạc, do anh Phan Bá vẽ lại từ một tấm ảnh chụp, với bài xã luận: “Vô cùng thương tiếc đồng chí Đỗ Trạc”.
Có một thời gian, các cơ quan tỉnh dời lên xóm Ké, báo Thông tin cũng được in tại chiến khu 2, 3 số. Sau trận Tú Thủy, tháng 3-1947, các cơ quan của tỉnh dời về Phú Mỹ (Bình Phú, Bình Khê, Bình Định) và Kiên Ngãi (Bình Thành, Bình Khê, Bình Định). Có thêm một số cơ quan như Ty Thông tin, Ty Kinh tế, Ty Công an và Tỉnh đội. Số người tham gia viết báo đông hơn, có tháng có đến 2 hoặc 3 số báo Thông tin được phát hành.
Đầu năm 1947, Tỉnh ủy cho ra đời thêm tờ báo Sáng, cơ quan ngôn luận của Hội Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác tỉnh Gia Lai. Báo in khổ A5 (gập đôi), mỗi số có 16 trang, có khi 24 trang, ra mỗi tháng 2 kỳ.
Đến tháng 10-1947, Ban Cán sự tỉnh cho cả tờ Thông tin và tờ Sáng đình bản và phối hợp với Ban Tuyên huấn Trung đoàn 210 cho ra đời tờ Nỗ lực. Tổ ấn loát chúng tôi chuyển giao kỹ thuật cho tổ ấn loát của Trung đoàn 210 đảm nhận việc in cho tờ Nỗ lực vì sau đó 1 tháng, tháng 11-1947, các cơ quan Dân chính của tỉnh Gia Lai chuyển lên chiến khu Đe Groi ở huyện Đak Pơt việc in ấn giao lại cho Ban Tuyên huấn Trung đoàn 210 (sau này là Trung đoàn 120)…
Về kỹ thuật in báo khi ấy, dùng 1 hòn đá nhám, đổ nước mài lên mặt phẳng của bảng đá cho sạch hết các nét cũ nhưng không được trầy xước mặt đá. Rửa sạch, để thật khô rồi dùng thước kẻ, bút chì, kẻ ô trên mặt đá; chú ý phải dùng giấy che kỹ mặt đá, không để tay chạm hoặc mồ hôi rơi xuống mặt đá vì mồ hôi và các vân tay cũng có tác dụng gần giống như mực charbonnaise, gây nhòe khi in. Lấy một ít mực charbonnaise (cỡ bằng hạt gạo) cho vào một nắp kim loại với 1 ít nước, đun sôi cho mực tan trong nước. Dùng ngòi bút sắt viết ngược chữ lên bảng đá (nếu hình vẽ, sau khi đã vẽ ngược hình, dùng giấy carbonne để vẽ lại trên bảng đá rồi tô lại bằng mực charbonnaise. Viết xong, hòa keo dán loãng để lên toàn bộ bề mặt bảng đá rồi dùng ngón tay trỏ lấy một lớp mỏng mực lito xoa nhẹ lên phần đã viết (vẽ), mực lito chỉ bám vào chỗ có nét mực charbonnaise (chúng tôi thường gọi thao tác này là lên “cốt”). Lên “cốt” xong thì có thể bắt đầu in. Để in, trước tiên dùng giẻ vải nhúng nước đường pha loãng xoa ướt đều mặt bảng đá; xong lấy ru-lô lăn mực lito lên mặt đá, mực lito chỉ bám vào chỗ có mực charbonnaise; xong đặt giấy in lên mặt đá và dùng 1 ru-lô khác lăn trên giấy rồi bóc giấy ra là đã in xong. Khi muốn in nhiều bản, sau khi lên “cốt”, rắc một ít bột hoạt thạch (mua ở hiệu thuốc Bắc về tán nhỏ thành bột), bột này cũng chỉ bám vào “cốt”, làm cho “cốt” cao và bền hơn do đó sẽ in được nhiều hơn (bột càng mịn, nét chữ càng sắc). In xong, muốn in loại khác phải mài sạch mọi dấu vết trên bảng đá và viết bản khác.
Quốc Ninh (ghi)