(GLO)- Thời gian qua, vùng mía khu vực các huyện Đông Nam tỉnh đã xuất hiện bệnh trắng lá. Đây là loại bệnh rất nguy hiểm, lây lan nhanh và chưa có thuốc đặc trị hữu hiệu khiến cây mía kém phát triển, dẫn đến năng suất thấp… khiến nông dân không khỏi lo lắng.
Ảnh: Nguyễn Diệp |
Trong vụ ép 2013-2014 vừa qua, vùng nguyên liệu mía của Công ty cổ phần Mía đường-Nhiệt điện Gia Lai tại các huyện Đông Nam tỉnh có diện tích trên 9.000 ha, tập trung chủ yếu tại các huyện Phú Thiện 4.042 ha, Ia Pa 5.025 ha, thị xã Ayun Pa 446 ha. Sau khi vụ ép 2013-2014 kết thúc, nông dân lại bắt tay trồng mới và chăm sóc mía lưu gốc để chuẩn bị phục vụ vụ ép 2014-2015 sắp tới. Tuy nhiên thời gian qua, vùng nguyên liệu tại các huyện Phú Thiện, Ia Pa và thị xã Ayun Pa đã xuất hiện bệnh trắng lá mía gây hại với diện tích bị nhiễm bệnh gần 900 ha (kể cả diện tích nhiễm nhẹ), tập trung nhiều nhất tại huyện Ia Pa và Phú Thiện.
Trước tình hình bệnh trắng lá mía đang bùng phát mạnh, Trạm Bảo vệ Thực vật các huyện Phú Thiện, Ia Pa và thị xã Ayun Pa đã chủ động kiểm tra, hướng dẫn nông dân phòng trừ bệnh trắng lá mía. Cùng với đó, Công ty cổ phần Mía đường-Nhiệt điện Gia Lai cũng đã đưa cán bộ kỹ thuật xuống các vùng trọng điểm lấy mẫu bệnh phẩm, hướng dẫn người dân cách phòng trừ triệt để. Trong đó giải pháp quan trọng nhất hiện nay là phá bỏ những ruộng mía bị nhiễm bệnh nặng để chuyển sang luân canh trồng cây trồng khác. Những ruộng nhiễm nhẹ thì cần nhổ bỏ cây bị bệnh đốt hoặc chôn sâu… để tránh bệnh lây lan trên diện rộng. Nhờ đó, đến thời điểm này các địa phương đang từng bước ngăn chặn không để bệnh lây lan thêm.
Hơn 2 ha mía tại xã Chư Răng vừa cày xóa bỏ. Ảnh: Nguyễn Diệp |
Thông tin từ Công ty cổ phần Mía đường-Nhiệt điện Gia Lai, để hỗ trợ người trồng mía phòng trừ bệnh mía trắng, Công ty đã có chính sách hỗ trợ cho người trồng mía khi tiêu hủy diện tích mía bị nhiễm bệnh. Cụ thể, với ruộng mía bị nhiễm dưới 1% yêu cầu chủ mía cuốc sạch bệnh khi nghiệm thu đầu tư. Những diện tích mía bị nhiễm từ 1 đến dưới 10% Công ty đầu tư không hoàn lại chi phí nhổ bỏ, cuốc bỏ cây bệnh 500.000 đồng/ha. Từ 10 đến dưới 30% sẽ hỗ trợ 1.000.000 đồng/ha và trên 30% trở lên phải cày bỏ ngay để chuyển sang trồng đậu để cắt mầm bệnh, Công ty sẽ đầu tư không hoàn lại 2.000.000 đồng/ha…
Ông Nguyễn Văn Lừng-Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường-Nhiệt điện Gia Lai cho biết: Trước tình hình bệnh trắng lá mía đang lây lan nhanh, Công ty đã cử cán bộ kỹ thuật của Công ty xuống các vùng nguyên liệu để kiểm tra và hướng dẫn nông dân biện pháp xử lý triệt để. Bên cạnh đó, phối hợp với Trạm Bảo vệ Thực vật các huyện, chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền thường xuyên trên hệ thống loa, đài để giúp người trồng mía tích cực chăm sóc, và có biện pháp bảo vệ ruộng mía của mình trước bệnh trắng lá mía. Đây là giải pháp quan trọng để bảo vệ vùng nguyên liệu trong vụ ép mới 2014-2015 sắp tới.
Nguyễn Diệp