(GLO)- Những vết sẹo kéo dài, loang lổ khắp cơ thể của người cựu tù vẫn cứ đỏ tấy lên mỗi khi ký ức nơi “địa ngục trần gian” với bao xương máu của đồng chí, đồng đội lại hiện về trong tâm khảm ông. Năm tháng trôi qua, người chiến sĩ cách mạng Đinh Ich (làng Siêu, xã An Trung, huyện Kông Chro) trở về với buôn làng cùng những hồi ức kinh hoàng nơi nhà tù Côn Đảo.
Như bao chàng trai khỏe mạnh, kiên cường của buôn làng Tây Nguyên, Đinh Ich hăng hái tham gia cách mạng khi tuổi tròn đôi mươi. Những năm 1960, ông là lính bộ binh chiến đấu trên chiến trường miền Trung-Tây Nguyên. Khi người chiến sĩ trẻ ấy đang hừng hực lửa thanh xuân và nhiệt thành cách mạng thì ngày 5-2-1968, ông bị địch bắt và đày ra Côn Đảo.
Ông Đinh Ich (thứ nhất từ trái qua) xúc động kể về 5 năm nơi “địa ngục trần gian”. Ảnh: Trần Dung |
Ông Đinh Ich nhớ về trận đánh Tết Mậu Thân 1968: “Sau 4 ngày chiến đấu cùng đồng đội, ngày 5-2-1968, lúc tôi đang chạy theo bắn 4 chiếc xe tăng của địch thì bị bắt. Tôi còn nhớ, lúc đó, một chiếc xe tăng của địch đã bốc cháy nhưng chúng đã quay lại xả súng vào người tôi. Tôi thấy đau lắm, máu chảy rất nhiều và tất cả tối sầm lại…”. Khi ông tỉnh dậy đã thấy mình nằm trong nhà giam của địch. Sau 7 ngày bị bỏ đói, tra tấn, chúng không biết thêm gì về người Cộng sản trẻ ngoài cái tên Đinh Ich. Ngay cả lúc bị chúng đưa lên con tàu 4 cửa cùng với hơn 100 tù nhân khác thì ông vẫn chưa thể hình dung được rằng mình đang phải đối diện với xiềng xích nơi nhà tù “khét tiếng” nhất của bọn chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ.
“Bọn giặc đã giam cầm tôi cùng 102 người dân tộc thiểu số khác, chúng chia tách chúng tôi với anh em người Kinh. Trải qua nhiều cùm kẹp, tra tấn, chúng tôi chỉ nhất quyết nói ra tên của mình và tuyệt đối giữ im lặng khi chúng hỏi tới cấp bậc, căn cứ và đồng đội của mình”-giọng điệu ông khẳng khái. Thời điểm đó, trong ông và 102 người đồng chí của ông không hề nghĩ sẽ có ngày trở về. Với những đòn tra tấn tù nhân dã man và tàn bạo nhất của hệ thống nhà tù Côn Đảo, tại đây, ông phải chứng kiến rất nhiều đồng đội của mình đã hy sinh vì những nhục hình của bọn cai ngục. Mỗi lần bọn chúng tra tấn là mỗi lần chết đi sống lại, nhưng khi được về cùng đồng chí, anh em của mình, ông như được hồi sinh.
“Tôi là người được anh em tin tưởng bầu làm trưởng phòng giam, lãnh đạo và làm chỗ dựa tinh thần cho mọi người. Chúng tôi tổ chức họp Đảng bí mật, căn dặn và cổ vũ tinh thần của anh em. Sau nhiều lần biểu tình đòi tự do, 2 đồng chí người Jrai trong phòng đã bị địch bắn chết tại chỗ, tôi đau lòng lắm, như thể máu trong tim mình ngừng chảy”. Đến đây, giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt già nua, khô khốc của người cựu tù anh dũng.
Bao nhiêu năm được trở về với gia đình, vui cùng mùa xuân buôn làng, Đinh Ich sống trọn vẹn hơn, tình nghĩa hơn và yêu thương nhiều hơn cuộc sống của mình. Với ông, giờ đây sống không chỉ cho riêng bản thân mà còn sống cho cả những người đồng đội đã hy sinh tại nhà tù Côn Đảo năm xưa. Không nhắc lại những đau đớn khổ cực mà mình đã chịu đựng suốt 5 năm nơi “địa ngục trần gian”, không nhắc đến những vết thương vẫn còn đau nhói mỗi khi thời tiết chuyển mùa, trong câu chuyện của ông khi kể cho bà con làng Siêu của mình là hình ảnh những anh bộ đội cùng khí tiết cách mạng ngút trời. Trở về sau “án tử” nơi nhà tù Côn Đảo, người chiến sĩ Đinh Ich lại tiếp tục cống hiến cho quê hương. Sau 3 năm làm Đại đội trưởng C2-huyện đội Kông Chro, năm 1977, ông lại tham gia chiến đấu giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi thảm họa Pôn Pốt.
Người vợ tần tảo của ông cũng rất tự hào mỗi khi có ai hỏi về chồng của mình : “Ông ấy là tấm gương sáng cho các con, các cháu chúng tôi noi theo. Lý tưởng cách mạng của ông vững vàng lắm, không có gì có thể thay thế được Đảng và Bác Hồ trong lòng ông ấy. Các con của chúng tôi đã lớn khôn và thành đạt là nhờ vào sự dạy bảo của chồng”. Còn với người dân làng Siêu thì Đinh Ich chính là một nhân chứng sống của lịch sử.
Một mùa Xuân mới lại về sum vầy cùng bà con bên ché rượu cần thơm ngọt, cay nồng, ánh mắt mờ đục của người cựu tù Côn Đảo ánh lên những tia sáng hạnh phúc, tươi mới. Ông nhẹ nhàng cười hiền: “Đời tôi không sợ chết, chỉ sợ hổ thẹn với lòng mình. Nay tôi vui vì được trở về sống trong lòng dân làng, được cống hiến hết mình cho cách mạng”.
Trần Dung