(GLO)- Trên mảnh đất cao nguyên Gia Lai đầy nắng gió, những người con đất Tổ-Phú Thọ đã gắn bó, đoàn kết, vượt qua gian khó, vươn lên làm giàu trên quê hương thứ 2. Nhưng nỗi nhớ quê hương luôn đau đáu trong lòng mỗi người, để rồi cứ đến mùng 10 tháng 3 Âm lịch, họ lại hướng về đất Tổ với tấm lòng thành kính.
Hội đồng hương Vĩnh Phú dâng lễ tại Đền thờ Quốc tổ Hùng Vương ở Công viên Đồng Xanh (TP. Pleiku). Ảnh: Phương Linh |
1. Gắn bó với mảnh đất Gia Lai đã hơn 40 năm, ông Đỗ Xuân Thu-Trưởng ban Liên lạc Hội đồng hương Vĩnh Phú (nay là 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ) vẫn không quên được từng lũy tre, giếng nước, sân đình gắn liền với tuổi thơ ông. Khi đặt chân đến vùng đất mới, những khó khăn ban đầu đã bị khí chất của người lính khuất phục, để rồi từ đó ông gầy dựng cơ nghiệp. Đến nay, 2 người con trai của ông đã trưởng thành, vợ chồng ông cùng nhau chăm sóc vườn cà phê với diện tích 1 ha, thu nhập mỗi năm gần 200 triệu đồng. Ông Thu chia sẻ: “Nặng tình với quê hương, những người con đất Tổ đã tập trung lại, thành lập Hội đồng hương Vĩnh Phú tại Gia Lai với hơn 1.000 thành viên; số quỹ hoạt động mỗi năm lên đến hàng trăm triệu đồng. Hội đã dùng số tiền này giúp hàng chục thành viên phát triển kinh tế, chăm sóc người già neo đơn và trao học bổng cho các cháu học sinh nghèo vượt khó… Vào ngày Giỗ Tổ, nếu không có dịp về thăm quê hương, chúng tôi đều tập trung lại, sắm lễ gồm bánh chưng, bánh giầy, xôi gà, trái cây, tiền vàng để dâng hương, dâng hoa tại Đền thờ Quốc tổ Hùng Vương ở Công viên Đồng Xanh (TP. Pleiku)”.
2. Là người con của quê hương Phú Thọ, ông Nguyễn Việt Thắng (SN 1956, trú tại thôn Tam Điệp, xã Kon Gang, huyện Đak Đoa) được nhiều người biết đến nhờ làm kinh tế giỏi và nhiệt tình giúp đỡ bà con trong thôn. Ông Thắng rời quê từ năm 1995 để vào vùng đất cao nguyên lập nghiệp với 30 triệu đồng trong tay. Thời gian đầu, ông gặp rất nhiều khó khăn nhưng với ý chí của người con đất Tổ, ông đã biến mảnh đất hoang sơ, bạt ngàn cỏ tranh thành vườn cà phê, chanh dây với diện tích 20 ha cho năng suất cao. Sau này, ông chia cho các con canh tác, chỉ để lại 2 ha cà phê cho thu nhập mỗi năm 250 triệu đồng. Xa quê, ông vẫn thường kể về quê cha đất Tổ để nhắc nhở các con không quên nguồn cội. “Gia đình tôi thường xuyên ủng hộ, giúp đỡ các đồng hương nghèo vươn lên làm giàu bằng cách cho vay không lấy lãi, chia sẻ kinh nghiệm trong trồng trọt, chăn nuôi. Đến ngày Giỗ Tổ, nếu không về thăm quê được thì năm nào chúng tôi cũng tổ chức thắp nhang ban thờ tổ tiên và dâng hương dâng hoa ở Đền thờ Quốc tổ Hùng Vương tại Công viên Đồng Xanh”-ông Thắng bày tỏ.
Ông Nguyễn Việt Thắng, một điển hình của người con đất Tổ đã vượt khó làm giàu trên quê hương mới. Ảnh: N.T |
3. Với mong ước đem điệu chèo từ đất Tổ về với Gia Lai, ông Lê Huỳnh Hiệp (SN 1954, trú tại thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê) đã thành lập Câu lạc bộ Nghệ thuật chèo huyện Chư Sê gồm 18 thành viên. Cứ đến chủ nhật hàng tuần, các thành viên lại tập trung đông đủ để cùng nhau ôn luyện những điệu chèo trữ tình, đằm thắm, sâu sắc. Câu lạc bộ Nghệ thuật chèo đã tham gia nhiều cuộc thi cấp tỉnh, biểu diễn trong những ngày lễ, Tết và cả cho các em học sinh trong các tiết học tìm hiểu về nghệ thuật dân gian. Tiếng lành đồn xa, những người con đất Tổ từ các địa phương khác như Chư Prông, Phú Thiện, Ayun Pa cũng tập trung lên để cùng nhau học chèo, như một cách nhớ về quê nhà. “Dù ở đâu, làm gì, chúng tôi luôn tự hào mình là con cháu của đất Tổ Hùng Vương nên cứ mỗi khi chúng tôi gặp nhau lại rưng rưng cảm xúc. Mỗi thành viên đến với Câu lạc bộ đều tự nguyện và coi đây là nơi sẻ chia, thăm hỏi, cùng nhau ôn lại truyền thống tự hào của đất Tổ”-ông Hiệp tâm sự.
Gia Lai ngày càng giàu đẹp là nhờ sự chung tay xây dựng của những người con xa quê hương, trong đó có những người con đất Tổ. Họ đã vươn lên làm giàu, hỗ trợ lẫn nhau, chung tay xây dựng quê hương mới. Dù xa quê, những người con đất Tổ vẫn luôn hướng về nguồn cội, vẫn mang trong mình bản sắc văn hóa và tính cách đặc trưng, xứng danh con cháu đất Tổ.
NGỌC THU