Những năm gần đây, mỗi khi bước vào mùa mưa bão, hàng trăm gia đình của thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) lại phải sống trong nỗi thấp thỏm vì sợ bị thông đổ vào nhà.
Nhìn thông mà …sợ!
Không ai có thể phủ nhận được vẻ đẹp thơ mộng, yên bình của những ngôi nhà ẩn hiện trong rừng thông xanh thẳm ở Đà Lạt. Thông là tài sản vô giá mà thiên nhiên đã ban tặng riêng cho miền đất này. Mọi sự chặt hạ thông trái phép đều có thể xem là một “tội ác”.
Ảnh: N.K.L |
Chị Nguyễn Thị Hiền (P. 10, Đà Lạt) vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại mùa mưa năm trước, một cây thông cổ thụ đã bị gió quật bật gốc đổ ập vào giữa ngôi nhà mình, rất may lúc này mọi người trong gia đình đều đã ra ngoài vườn đi làm. Tuy không có thiệt hại về người nhưng ngôi nhà cùng tất cả tài sản đã bị cây thông đè nát hoặc hư hỏng nặng.
Chị Hiền dẫn chúng tôi ra phía sau chỉ tay ra mấy gốc thông lớn cách ngôi nhà chỉ vài mét mà ái ngại: “Sau lần bị cây thông đổ vào nhà, mỗi khi có mưa gió là lòng tôi lại thấp thỏm không yên, ngộ nhỡ đang ngủ trong nhà mà cây thông này đổ vào thì sao?...chắc là chết quá!..”.
Cách đó không xa, gia đình anh Hùng vừa được phép cất một ngôi nhà mới dưới tán những cây thông. Tuy tất cả những gốc thông xung quanh nhà nhìn bề ngoài có vẻ như đều rất chắc chắn nhưng anh Hùng vẫn băn khoăn: “Không có gì thơ mộng bằng sống ở dưới những tán thông này, nhưng tôi vẫn thấy lo vì các cây thông xung quanh nhà đều đã có độ tuổi khoảng trên 50 năm. Hơn nữa, mấy năm gần đây, mỗi khi có mưa to, gió mạnh là đều có thông đổ gãy, không đè chết người, sập nhà thì cũng làm hư hỏng tài sản”.
Cùng chung với nỗi lo đó, gia đình chị Lan ở khu vực Trại Hầm (P. 10, Đà Lạt) cũng đang làm đơn xin phép các cơ quan chức năng được chặt hạ một cây thông đã chết ở gần nhà mình để đề phòng nguy hiểm có thể xảy ra.
Rà soát lại thông
Ông Ngô Sỹ Sung, Giám đốc Công ty Cổ phần Giống lâm nghiệp vùng Tây Nguyên cho biết, rất nhiều cây thông trong nội ô thành phố Đà lạt đều đã già, có độ tuổi khoảng trên 50 năm. Tuy nhiên, điều nguy hiểm nhất là những cây thông này đều nằm xen kẻ trong nhà dân, nhiều cây có thể bị gió quật đổ bất cứ lúc nào. Hơn nữa, thông là loài cây có thể cao tới 35 mét nhưng lại không có rễ cọc nên khả năng gãy đỗ là rất cao.
Để đề phòng thông đổ, hằng năm các ngành chức năng thành phố Đà Lạt đều tiến hành rà soát lại toàn bộ những cây thông có khả năng gãy đổ để tiến hành chặt hạ. Riêng trong mùa mưa năm 2009, toàn thành phố có 168 cây cần phải chặt bỏ.
Ảnh: N.K.L |
Việc rà soát lại những cây thông có khả năng gãy đổ gây nguy hiểm cho người dân là việc cần được các cơ quan chức năng thành phố Đà Lạt tiến hành. Tuy nhiên, đây là việc làm cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa người dân và sự kiểm tra nghiêm ngặt của chính quyền, tránh tình trạng một số đối tượng lợi dụng chủ trương này để tìm cách tác động làm chết thông sau đó xin phép được chặt hạ.
Trước thực trạng thông nội ô Đà Lạt đang bị giảm sút nghiêm trọng cả về số lẫn chất lượng, Ban Quản lý rừng nội ô và Hạt kiểm lâm Đà Lạt đã xây dựng đề án trồng mới lại những nơi thông bị chặt hạ nhằm trẻ hóa rừng thông nội ô Đà Lạt.
Ngô Khắc Lịch