(GLO)- Trở về sau khi tham gia cuộc chiến tranh chống bọn diệt chủng Pol Pot (Campuchia) mang theo 13 mảnh đạn trong người, người cựu chiến binh Nguyễn Văn Đại (SN 1960, hiện trú tại tổ dân phố 6, thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa) đã vươn lên làm giàu bằng việc mở lò gạch với thu nhập gần 200 triệu đồng/năm.
Trong lò gạch, giữa cái nắng nóng gay gắt của Krông Pa vẫn có một người đàn ông lưng áo đã ướt đẫm mồ hôi nhưng vẫn cần mẫn cắt từng cục đất sét cho vào máy tạo khuôn. Ông có dáng người dong dỏng cao, hơi gầy, đôi mắt hiền từ và nụ cười rất thân thiện.
Sinh ra và lớn lên tại dải đất miền Trung Hà Tĩnh, 18 tuổi, chàng thanh niên Nguyễn Văn Đại tạm gác bút nghiên, đeo lên vai chiếc ba lô gia nhập vào Trung đoàn 174, Sư đoàn 5, Quân khu 7 hăng hái lên đường thực hiện nghĩa vụ với Tổ quốc.
Ông Đại (áo xanh) đang cần mẫn cắt từng cục đất sét cho vào máy tạo khuôn. Ảnh: Phương Linh |
Khoảng thời gian 5 năm 8 tháng là một khoảng thời gian không hề ngắn đối với cuộc chiến đấu chống bọn diệt chủng Pol Pot. Hồi nhớ lại ngày ác liệt ấy tại chiến trường Lộc Ninh (Bình Phước) ông Đại không thể nào quên được những giây phút kề cận với cái chết. Những mảnh đạn cứ thế lần lượt nằm lại trong thân thể ông sau hai lần ông cùng đơn vị giải vây, mở đường máu cho đồng đội và bị mai phục. Đáng nhớ nhất chính là lúc ông tham gia bảo vệ bệnh xá của Trung đoàn khi giặc tràn vào phá phách. Lần ấy, ông bị chấn thương sọ não phải điều trị tại bệnh xá của Sư đoàn 5 trong 2 tháng. Ra viện, ông Đại mang trong mình 13 mảnh đạn, trong đó có 8 mảnh đạn cối nằm trên đầu. Giờ đây, ông vẫn hay nói vui rằng mình giống như cái máy dự báo thời tiết, bởi mỗi khi trở trời, mười mấy mảnh đạn trong người lại “động cựa” khiến ông nhức nhối, ê ẩm…
Sau lần bị thương ấy, ông được chuyển về làm việc tại Phòng Văn thư Bảo mật của Trung đoàn. Tháng 6-1984, ông lên Gia Lai và được cử đi học Quản lý Kinh tế tại Đà Nẵng, sau đó giữ chức Cửa hàng trưởng của Phòng Lương thực. Cho đến năm 1995, các cửa hàng lương thực trên toàn quốc đóng cửa, ông Đại trở về nhà, bắt tay vào xây dựng lò gạch và phát triển cho đến nay.
Người thương binh Nguyễn Văn Đại đã trở về sau khi hoàn thành nhiệm vụ với Tổ quốc, vượt qua mọi đau đớn trong thể xác do chiến tranh để lại để vươn lên làm giàu bằng chính đôi tay của mình. Thế nhưng, mỗi lần nhắc tới những ngày tháng chiến tranh gian khổ, ông không khỏi ngậm ngùi khi nhớ đến đồng đội: “Anh em chúng tôi, những người may mắn được sống sót trở về vẫn đang mong ngóng một ngày được trở lại trận địa để thăm lại, để hồi nhớ một thời khó khăn mà oanh liệt, cũng như để gửi lời tri ân tới những đồng đội đã ngã xuống để chúng tôi có được ngày hôm nay…”.
So với ngày mới mở thì lò gạch của ông Đại bây giờ đã khác xưa nhiều lắm. Máy móc đã dần dần thay thế cho sức lao động của con người. Nhớ lại những ngày đầu khó khăn ấy, ông không khỏi bồi hồi: “Vào năm 1995 mà bỏ ra 70 triệu đồng để mở lò gạch là tôi liều lắm đấy, mà khi ấy chủ yếu phải làm bằng tay, máy móc có hỏng hóc, cũng phải tự mình sửa lấy. Bây giờ thì đỡ hơn nhiều rồi”.
Lò gạch của ông Đại sản xuất trung bình từ 200 đến 300 thiên gạch/ngày, đáp ứng không chỉ nhu cầu trong huyện mà còn cho các vùng lân cận. Thu nhập bình quân mà lò gạch đem lại cho gia đình ông lên tới gần 200 triệu đồng/năm. Đồng thời, lò gạch của ông còn giải quyết việc làm và chỗ ở ổn định cho gần 10 nhân công với mức lương trung bình 4,5 triệu đồng/tháng. Anh Nguyễn Ngọc Phước (SN 1984, Phú Yên) cùng với vợ đã làm việc tại lò gạch của ông Đại được 4 năm, cho biết: “Tôi lên đây từ năm 2008 là bắt đầu làm cho chú Đại luôn. Công việc không có gì nặng nhọc mà mức lương cũng đảm bảo cho cuộc sống ổn định. Nhờ có chú Đại mà nay vợ chồng tôi cũng đã sắm được thêm một chiếc xe tải nhỏ để có thể chở thuê đất, đá… nhằm kiếm thêm thu nhập cho gia đình”.
Nhìn cơ ngơi khang trang, đủ đầy của người cựu chiến binh Nguyễn Văn Đại mới thấy thật sự khâm phục cho ý chí sắt đá, kiên cường, quyết tâm của con người được rèn giũa từ trong chiến tranh. Ông là đại diện tiêu biểu cho lớp người từng cầm súng chiến đấu giữa mưa bom lửa đạn, trở về làm giàu cho chính bản thân cũng như cho xã hội.
Phương Linh