Người con Jrai kiên trung với Đảng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tôi sinh ra sau chiến tranh nên chỉ biết đến cuộc kháng chiến trường kỳ của thế hệ cha ông đi trước, trong đó có ông ngoại tôi-Rơ Chom Thép-qua những thước phim tư liệu, qua lời kể của bố mẹ và người lớn tuổi trong làng và đặc biệt là qua cuốn hồi ký “Lớn lên nhờ cách mạng” (do ông Lê Văn Thiềng ghi chép năm 1986). Những tư liệu, câu chuyện ấy đã phần nào khắc họa hình ảnh ông ngoại tôi-một người con Jrai luôn sắt son, trung kiên với Đảng, với nhân dân, với lý tưởng cách mạng. 
GIÁC NGỘ LÝ TƯỞNG CÁCH MẠNG 
Ông ngoại tôi tên là Rơ Chom Thép (sau này tham gia cách mạng gọi là Ama Quang, bí danh là Định), sinh năm 1927 tại làng Rơ Ngol Ama Rin 1, xã Ia Ma Rơn, huyện Cheo Reo (nay là huyện Ia Pa). Lúc còn sống, ông thường kể với chúng tôi, năm ông sinh ra cũng là năm Pháp kéo dây thép (điện thoại) từ An Khê về Cheo Reo. Vì vậy, ông được cha mình đặt tên là Thép để ghi nhớ sự kiện này. Mảnh đất Cheo Reo anh hùng nổi tiếng với tên tuổi các thủ lĩnh Pơtao Pui, Ơi Hmai, Ơi Hphai… khi đó đang bị thực dân Pháp xâm lược nên ngày còn thơ, mỗi lần ngồi bên bếp lửa nhà sàn, ông thường được nghe cha và bà con dân làng kể về tội ác của kẻ thù. Chúng bắt dân khiêng cõng vật liệu xây trụ xi măng trên núi Blôi, đi làm phu cho đồn trưởng người Pháp, đi xâu làm đường, phải đóng thuế cao cho Pháp… Bà con còn kể về phong trào đánh Pháp của người Bahnar, Xê Đăng, Ê Đê…; kể về Ama Trang Lơng, về những người cộng sản đánh Pháp, những người tù cộng sản dũng cảm đấu tranh chống bọn cai ngục người Pháp... Mọi người bảo nhau, muốn sung sướng thì phải đoàn kết, theo cộng sản đánh Pháp, đuổi Pháp ra khỏi đất nước Việt Nam; người cộng sản có chữ, nói tiếng Pháp rất giỏi... Từ những câu chuyện như vậy, 2 chữ “cộng sản” đã in sâu vào tâm trí non nớt của ông ngoại tôi với niềm khâm phục vô bờ.
 Ông Rơ Chom Thép (bìa trái) chụp ảnh trước cổng chính Bệnh viện Honyenvenđa-Bệnh viện Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô (cũ) vào ngày 12-9-1981 (Ảnh gia đình cung cấp).
Ông Rơ Chom Thép (bìa trái) chụp ảnh trước cổng chính Bệnh viện Honyenvenđa-Bệnh viện Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô (cũ) vào ngày 12-9-1981 (Ảnh gia đình cung cấp).
Lớn lên, ông ngoại tôi được cha cho đi học sơ học ở Cheo Reo, tiểu học ở Pleiku, đệ tam niên (3e année) bậc trung học ở Trường Quốc học Quy Nhơn và tận mắt thấy, hiểu, đau xót, đồng cảm với sự đói khổ của nhân dân khi bị thực dân Pháp áp bức, bóc lột; được nghe kể về ông Mang Cham-thủ lĩnh phong trào Nước Xu-chuẩn bị đánh Pháp nhận được sự ủng hộ rất nhiều của đồng bào Xê Đăng, Bahnar ở Bắc Tây Nguyên; được tiếp xúc các trí thức người Jrai, người Kinh như ông Nay Phin, ông Kpă Păng đang làm việc ở Tòa sứ Pleiku, ông Nguyễn Đường-một người rất giỏi tiếng Pháp và căm ghét Pháp, Nhật sâu sắc… Những điều tai nghe mắt thấy ấy đã tác động đến suy nghĩ, nhận thức và dần hình thành trong ông chủ nghĩa yêu nước. Tháng 2-1945, ông được nhà trường đưa đi học tại Trường Kỹ thuật canh nông Tuyên Quang. Trên đường đi ngang qua Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc bộ, ông vô cùng xót xa khi tận mắt chứng kiến cảnh tượng người chết đói nằm la liệt…. Đến Tuyên Quang ít ngày thì Nhật đảo chính Pháp, ông được nghe bạn bè bàn tán về phong trào Việt Minh ở Việt Bắc; được gặp một người đàn anh tên Lý quê ở Nghệ An giải đáp nguyên nhân dẫn đến cảnh tượng trên là do Pháp, Nhật vơ vét hết lúa gạo của dân, bắt dân nhổ lúa trồng đay và anh Lý còn nói về Đảng Cộng sản Đông Dương do Nguyễn Ái Quốc sáng lập năm 1930 là một tổ chức của những người cộng sản yêu nước đứng lên đánh Pháp, đuổi Nhật; được nghe Đội vũ trang tuyên truyền giải phóng quân từ căn cứ Tân Trào vào trường nói về chủ trương, đường lối của Mặt trận Việt Minh là đánh Pháp, đuổi Nhật giành độc lập… Từ đó, ông hiểu rằng, Mặt trận Việt Minh là tổ chức đem lại lợi ích cho dân nghèo nên có cảm tình, sự tin tưởng và tự nguyện sẽ là người của Việt Minh, sẽ theo Đảng Cộng sản đến cùng. Ông đã mang niềm tin mãnh liệt, sự giác ngộ thiêng liêng ấy quay về quê hương Cheo Reo tham gia Đoàn Thanh niên yêu nước tiến bộ, chuẩn bị hoạt động khởi nghĩa.
Trong những câu chuyện kể về ông có giai đoạn làm công tác dân vận, tranh thủ người có uy tín, móc nối cơ sở từ bên trong vùng địch hậu để xây dựng, phát triển lực lượng, phát triển cơ sở cách mạng phục vụ cuộc chiến đấu trường kỳ; giai đoạn nằm vùng trong lòng địch, “sống trong lòng dân” chiến đấu đầy hy sinh, gian khổ mà ông và những người đồng chí đã trải qua. Là những câu chuyện ông tuyên truyền tình hình Tuyên Quang-Việt Bắc và không khí yêu nước, theo Việt Minh sục sôi đánh giặc xâm lược tại các thành phố ông đi qua như Hà Nội, Đà Nẵng, Huế. Là câu chuyện kể về những người thầy, người anh, người đồng chí, đồng đội nhiệt huyết cách mạng cháy bỏng mà ông từng gặp như ông Nguyễn Đường, Nay Phin, Ksor Ní, Briu, Thu Sơn, Bùi San, cụ Nay Der…; kể về lần ông và đồng đội bị cả trung đội Pháp phục kích, bao vây vào năm 1949 tại buôn Hoang, nhưng được nhân dân giúp đỡ, che chở nên đã thoát khỏi vòng vây và sự truy đuổi của địch. Là câu chuyện xúc động về người cha của ông đã rất hạnh phúc, hân hoan khi biết ông đi theo Bác Hồ, theo Việt Minh, theo Đảng Cộng sản: “Thằng Thép theo Việt Minh là chọn con đường đúng. Lời người Jrai có rễ sâu, rễ chắc trong bụng, đã nói là làm, đã làm là làm cho đến cùng”… Và đặc biệt là cảm xúc thiêng liêng trong buổi tối 3-2-1947 khi ông được đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Đông Dương lúc vừa tròn 20 tuổi. Hôm ấy, trong một ngôi nhà của cơ sở ở xã Đất Bằng (huyện Krông Pa), ông nghiêm trang nhìn lên lá cờ búa liềm treo trên tường để đọc lời tuyên thệ; đồng chí Ksor Ní lúc đó là Phó Chủ tịch Ủy ban hành chính lâm thời huyện Cheo Reo thay mặt Ban Cán sự Đảng của huyện căn dặn, chính thức ghi tên ông vào danh sách đảng viên, để ông được sống trọn vẹn với lý tưởng, cống hiến trọn đời cho Đảng, cho nhân dân, cho cách mạng Việt Nam.
MỘT LÒNG KIÊN TRUNG VỚI ĐẢNG 

Từ tháng 8-1945 đến tháng 7-1976, ông Rơ Chom Thép lần lượt được giao nhiều trọng trách khác nhau: Huyện đội trưởng Cheo Reo, Ủy viên Ủy ban khởi nghĩa huyện Cheo Reo, Phó Bí thư huyện Cheo Reo, Ủy viên Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh Đak Lak, Phó Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh Đak Lak, Phó Trưởng ban miền núi khu V, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận giải phóng khu Trung Trung bộ, trúng cử Khu ủy khu V tại Đại hội khóa III, Phó ban Đại diện Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại khu Trung Trung bộ, Phó ban Đại diện Trung ương Đảng và Chính phủ tại khu V, Phó Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai-Kon Tum… Ông vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng nhất, Huân chương Quyết thắng hạng nhất, Huân chương Thành đồng hạng ba...; được tặng danh hiệu “Cán bộ tiền khởi nghĩa”. Năm 2002, theo Quyết định số 14 của Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, tên ông được đặt cho một tuyến đường ở TP. Pleiku-đường Ama Quang.


Trong những câu chuyện kể về ông, một cán bộ nằm vùng gây dựng cơ sở cách mạng luôn nêu cao tinh thần cảnh giác đấu tranh với bọn tay sai phản quốc, bọn gián điệp, ác ôn; dũng cảm chiến đấu trực diện với quân thù, với bệnh tật, thú dữ… còn có câu chuyện về những ngày ông bị bắt bớ, tù đày nhưng luôn giữ vững bản lĩnh cách mạng, tấm lòng kiên trung với Đảng, với Bác Hồ. Đó là vào chiều 3-1-1956, trong khi đi tiếp xúc với cơ sở tại buôn Sô Ma Hang, ông bị địch bắt cùng với đồng chí Khuých-Huyện ủy viên. Qua hơn 2 tháng bị giam cầm tại các nhà lao: Cheo Reo, Pleiku, Buôn Ma Thuột, dù kẻ địch đã dùng đủ mọi hình thức tra tấn dã man, cài cả gian tế vào buồng giam để gợi chuyện, rồi dụ dỗ nhưng ông luôn kiên định lập trường không khai báo, không đầu hàng, khuất phục địch. Lựa thời cơ sơ hở của địch, ngày 3-3-1956, ông vượt ngục thành công. Suốt 7 ngày chịu đói, chịu rét, vượt qua hết rừng này, núi nọ để tìm đường trở về với cách mạng, đến ngày 11-3-1956, ông đã gặp lại tổ chức và trở lại công tác.
Quá trình chiến đấu giữa lòng quê hương Tây Nguyên, ông và những người đồng chí của mình đã trải qua muôn vàn khó khăn, thử thách nhưng vẫn một lòng kiên trung với Đảng, với cách mạng và luôn được nhân dân đùm bọc, chở che. Vì vậy, những cán bộ cách mạng như ông đã vượt qua tất cả để chiến thắng kẻ thù, đem lại hòa bình, độc lập cho các buôn làng Tây Nguyên nói riêng và đất nước nói chung. 
Ký ức tuổi thơ của tôi về ông ngoại là những câu chuyện chiến đấu chống quân xâm lược; là cảm giác tiếc nuối của ông khi chưa một lần được gặp Bác Hồ vì phải thực hiện nhiệm vụ ở lại quê hương chiến đấu, xây dựng cơ sở cách mạng; là ký ức về những ngày khi sức khỏe ông giảm sút, ốm đau bởi những căn bệnh do chiến tranh để lại, phải nằm viện điều trị liên tục… Những lúc ấy, bà ngoại tôi lại lặng lẽ, ân cần chăm sóc, động viên, chia sẻ với ông những câu chuyện cuộc sống giản dị, dịu dàng chăm cho ông từng thìa cháo loãng bằng tình yêu thương chan chứa. Năm 1989 và 2001, ông bà ngoại tôi lần lượt về với tổ tiên. Nhưng những ký ức, những câu chuyện về ông ngoại tôi tự bao giờ đã trở thành niềm tự hào sâu sắc và là nguồn động lực để thế hệ con, cháu chúng tôi nỗ lực phấn đấu vươn lên trong cuộc sống, tích cực góp sức cùng đồng bào dân tộc Jrai nói riêng và toàn thể nhân dân trên địa bàn tỉnh nói chung xây dựng quê hương Gia Lai ngày càng giàu mạnh.
 NAY LY HƯƠNG
--------------------------
Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Bắc Tây Nguyên tài trợ cuộc thi này.

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.