Nghệ nhân làng Kép

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Mới đến đầu làng Kép, phường Đống Đa (TP. Pleiku), hỏi thăm nghệ nhân Ksor Hnao, tôi nhận được sự thân thiện và nhiệt tình chỉ dẫn của dân làng. Một cậu bé đang loay hoay với con diều trên tay, cười tươi tắn: Cô chở cháu, cháu đưa đến tận nhà ông Hnao. Thoáng cái, cậu bé đã ngồi gọn gàng trên xe rồi nhanh nhảu giục: Đi, cô! Tìm hiểu mới biết, sự yêu mến và kính trọng mà dân làng dành cho Ksor Hnao đã có từ lâu lắm rồi. Với bà con làng Kép, nghệ nhân tài hoa này luôn là niềm tự hào của làng.

Ksor Hnao đón tôi ngay tại cổng nhà: “Mấy tháng nay Hnao ở nhà, cái tay, cái chân đang buồn lắm đây, nay có người đến nói chuyện là vui rồi”-giọng ông đượm nét buồn. Ông chia sẻ: “Từ sau khi tham gia lớp truyền dạy tạc tượng và chỉnh chiêng do Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch (tổ chức hồi tháng 8-2010-N.V) đến nay, Hnao ở nhà miết. Những lúc buồn thì đánh đàn cho vui hay kiếm khúc cây đẽo mấy đường cho đỡ nhớ…”. Câu chuyện của chúng tôi cứ thế kéo dài, mặc cho cơn mưa mỗi lúc một to. Ngồi trong nếp nhà đơn sơ, giản dị của ông, tôi đã có một khoảng thời gian nho nhỏ để tự do khám phá không gian riêng của một nghệ nhân tạc tượng dân gian khi nhìn đâu cũng gặp những gă, jong, Hhá, thăng-những dụng cụ không thể thiếu trong tạc tượng.

Ảnh: T.H
Ảnh: T.H
Tượng mà Ksor Hnao tạc thường là những hình ảnh dung dị trong đời sống: Một thanh niên vạm vỡ đánh chiêng, phụ nữ địu con, già làng chống gậy… Dưới đôi tay tài hoa của nghệ nhân, các bức tượng trở nên sinh động. Nghệ nhân tạc tượng gỗ dân gian Ksor Krôh ở làng Mơ Rông Ngo 4, xã Ia Ka (huyện Chư Pah) đã dành cho ông những lời khen tặng: “Ksor Hnao có đôi tay rất khéo, đôi mắt rất tinh và một tấm lòng rất yêu nghề tạc tượng”. Còn theo sự đánh giá của Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân-Trưởng phòng Nghiệp vụ Văn hóa, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch thì: “Tượng gỗ dân gian và chỉnh chiêng là những giá trị văn hóa đặc sắc trong văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung, Bahnar và Jrai nói riêng. Đặc biệt, kể từ khi Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại thì những giá trị văn hóa này càng cần được trân trọng và nhân rộng... Trên địa bàn tỉnh Gia Lai, số lượng nghệ nhân tạc tượng ngày càng hiếm hoi, đặc biệt là những nghệ nhân giỏi và có khả năng truyền nghề chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Nghệ nhân Ksor Hnao là một trong số đó”.


Ảnh: T.H
Ảnh: T.H
Ngoài tạc tượng, nghệ nhân Ksor Hnao còn biết làm các loại đàn bằng tre nứa như goong, kơni hay t’rưng và chơi thành thạo các nhạc cụ này. Với vốn năng khiếu sẵn có và đôi tai thẩm âm khá tốt, năm 1999, ông được Viện Âm nhạc Việt Nam mời biểu diễn đàn ting ning (đàn goong-N.V) để ghi băng làm tư liệu giảng dạy, nghiên cứu. Trong các cuộc thi hát dân ca, trình diễn nhạc cụ truyền thống của thành phố cũng như của tỉnh hay những lần đi biểu diễn trong các dịp tổ chức Ngày Văn hóa Tây Nguyên tại Hà Nội, ông luôn được chọn chơi độc tấu các loại nhạc cụ dân tộc và là người giữ vị trí đệm đàn chính. Không những thế, ông còn sở hữu một giọng ca khỏe và sáng lại biết hát được nhiều bài dân ca Jrai. Vì thế, trong quá trình điền dã, sưu tập, ký âm cho các bài hát dân ca Jrai, nhạc sĩ Lê Xuân Hoan-Chủ tịch Hội Văn học-Nghệ thuật Gia Lai thường tìm đến ông, như một lẽ đương nhiên. Đâu chỉ có thế, trong các lần Đoàn Nghệ thuật dân gian Gia Lai tham gia các ngày hội lớn như Ngày Văn hóa Tây Nguyên tại Hà Nội, Lễ hội dân gian chào mừng 30 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước tại TP. Hồ Chí Minh, Festival Hoa Đà Lạt…, con người tài hoa này còn là người dựng và trang trí các cây nêu. Hiện nay, ông còn hướng dẫn thanh niên trong làng đánh cồng chiêng, cứ chiều chiều lại luyện tập ở khoảng sân nhỏ sau nhà.


“Đám thanh niên trong làng không đứa nào thích học tạc tượng, mình buồn lắm nhưng may mà chúng còn thích đánh cồng chiêng-Hnao bộc bạch-Chúng thích gì thì mình dạy thôi, chẳng ép được. Như việc học đàn goong hay t’rưng ấy, giờ cũng chỉ có vài đứa là ham thôi. Để Hnao  hát một bài nhé, bài Gơm hmâo mơ (nếu anh được có em-N.V) này hay lắm đấy…”. Nói rồi, ông với tay ôm chiếc đàn goong treo trên tường nhà vừa đàn vừa hát: “Nếu anh được có em/đan cho em gùi tre/đan rổ xúc bằng nứa/thích em xúc gần bờ cỏ/đưa em theo bờ môn/đôi ta đến vũng sâu/ta xúc được con cá nhỏ/nếu đến gần bờ sông…”.
Thu Huế

Có thể bạn quan tâm