(GLO)- Giáo sư Trịnh Đình Hỷ, thành viên Hội Vì phát triển Y học tại Việt Nam (ADM-VN) vừa được Đại học Huế trao tặng chức danh Giáo sư danh dự của Đại học Huế. Ông cũng vinh dự được Bộ Y tế tặng Kỷ niệm chương vì Sức khỏe nhân dân. Chia sẻ về cảm xúc của mình sau lễ trao tặng được tổ chức tại Hội thảo Y học Việt-Pháp, Giáo sư Trịnh Đình Hỷ đã có cuộc trao đổi đến với bạn đọc của GLO:
Bác sĩ Trịnh Đình Hỷ là Giáo sư Danh dự Trường đại học Y Dược Huế và TP.Hồ Chí Minh; Cựu nội trú các Bệnh viện Paris; Cựu giảng viên Trường đại học Y Saint-Antoine, Paris; Nguyên Phó Chủ nhiệm Khoa Nội soi tiêu hóa Bệnh viện Orléans
- Hội ADM Việt Nam đã bắt đầu hình thành như thế nào và vì sao Huế lại là nơi đầu tiên được Hội chọn tổ chức Hội thảo Y học Việt-Pháp vào năm 1992, thưa ông?
TS. Trương Quý Tùng, Phó Giám đốc Đại học Huế (bên phải) trao tặng chức danh Giáo sư danh dự của Đại học Huế cho GS Trịnh Đình Hỷ. Ảnh: Thanh Vân |
Hội ADM Việt Nam được thành lập vào cuối năm 1991 bởi một số bạn Pháp và Việt kiều tại vùng Orléans - Paris, và sau đó Lyon và Bordeaux. Năm 1992, Hội tổ chức Hội thảo y học Việt-Pháp đầu tiên tại Huế. Từ đó trở đi khoảng mỗi hai năm, Hội lại tổ chức một hội thảo tại Việt Nam. Nơi đầu tiên được chọn là Huế vì chúng tôi có quen biết một số bác sĩ trẻ của Huế hồi đó sang thực tập làm bác sĩ nội trú (FFI) ở các bệnh viện Pháp. Thời đó là thời mở cửa và các bác sĩ Việt Nam sang thực tập tại Pháp rất nhiều; Huế là nơi đặc biệt có nhiều bác sĩ sang thực tập bên Pháp nhất, mỗi năm có khoảng chục người.
- Trong 20 năm qua, Giáo sư đã có nhiều cống hiến và đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học tại Trường đại học Y Dược- Đại học Huế (Trường ĐHYD Huế) nói riêng và cả nước nói chung. Điều gì khiến ông, một Việt kiều đã xa quê hương lâu năm, trở về và đóng góp cho đất nước?
Sự đóng góp của tôi rất hạn hẹp thôi vì thời gian về Việt Nam của tôi không dài. Từ khi tôi nghỉ hưu (năm 2007) mỗi năm tôi về nước hai lần và mỗi lần về khoảng một tháng rưỡi mà phải đi nhiều nơi nữa, nên thời gian tôi ở Huế không lâu để có sự giúp đỡ liên tục. Nhưng với hai người làm việc gần với tôi nhất là PGS.TS.Trần Văn Huy và BS. CK2 Trần Như Nguyên Phương (Bệnh viện Trung ương Huế), chúng tôi đã tổ chức được khá nhiều khóa tập huấn và hội thảo về nội soi can thiệp, về ERCP (nội soi mật tụy ngược dòng) tại Huế và các bệnh viện miền Trung.
Ngoài ra, chúng tôi còn có những buổi làm việc chuyên môn tại Khoa Nội soi Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế. Hiện nay ê-kíp nội soi ở hai bệnh viện này đã thực hiện rất tốt các phương pháp nội soi can thiệp. Có thể nói, đây là hai trung tâm nội soi hàng đầu trong nước về nội soi can thiệp, không những đóng góp trong việc điều trị cho bệnh nhân mà cả công tác đào tạo các bác sĩ nội soi trên địa bàn miền Trung và Tây Nguyên. Tôi đánh giá cao và cho rằng ngành nội soi ở miền Trung rất mạnh và có những điều kiện tốt để phát triển. Tất nhiên về phương tiện thì còn thiếu so với nhu cầu, nhưng con đường đã đi qua có thể nói là một bước tiến bộ rất xa so với bước ban đầu cách đây 20 năm, chưa có gì về nội soi.
- Hẳn đã có rất nhiều bệnh nhân đã được Giáo sư và các đồng nghiệp ở Huế điều trị bằng phương pháp ERCP?
Đúng vậy, rất nhiều rồi từ khoảng hơn 15 năm nay. Ví dụ ở Bệnh viện Trung ương Huế chắc là phải đến mấy ngàn bệnh nhân được nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP) rồi. Còn ở Bệnh viện Trường ĐHYD Huế tuy được thành lập sau nhưng cũng đã có nhiều kinh nghiệm trong việc thực hiện phương pháp này và đã điều trị cho số lượng khoảng vài trăm bệnh nhân. Dĩ nhiên, ngoài phương pháp này còn nhiều phương pháp khác như chích xơ cầm máu, đặt clip, cột thắt cao su tĩnh mạch thực quản, nong và đặt stent đường mật và đường tiêu hóa, cắt niêm mạc mở thông dạ dày qua da... Tất cả các phương pháp đó đều đỡ cho bệnh nhân một cuộc mổ, nhưng phương pháp ERCP vẫn là phức tạp nhất. Thường thường, sau khi áp dụng phương pháp này, bệnh nhân có thể xuất viện nhanh, sau 2-3 ngày.
Bệnh nhân ở Việt Nam thường bị sỏi ống mật chủ rất lớn, hay tái phát, do vậy mổ rất khó, có thể gây khá nhiều biến chứng và tử vong; trong khi bằng phương pháp ERCP thì lấy sỏi nhẹ nhàng hơn, hậu phẫu đơn giản hơn và tránh được một cuộc mổ hở. Nhưng cũng phải nói là kỹ thuật này khó, phải tập luyện lâu ngày và cũng có một số tai biến mà bác sĩ phải biết xử lý. Thực hiện phương pháp này cũng cần nhiều phương tiện và đầu tư nhiều thời gian.
- 20 năm cả một quãng thời gian dài và chắc Giáo sư có không ít những kỷ niệm đáng nhớ?
Kỷ niệm thì nhiều lắm. Tôi nhớ nhất là những buổi đào tạo về nội soi can thiệp ở Huế với các bác sĩ nội soi miền Trung (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai, Đak Lak, Đak Nông, Quảng Trị, Quảng Bình…). Các bác sĩ nội soi ở miền Trung rất chịu khó đi xa để học hỏi, trau dồi thêm tay nghề. Điều đó làm tôi cảm thấy rất hài lòng, rất phấn khởi, và thúc đẩy tôi tiếp tục giảng dạy.
- Cùng với Hội ADM Việt Nam, thời gian tới Giáo sư sẽ tiếp tục có những hoạt động đóng góp trong nước chứ ạ?
Cái đó cũng tùy theo nhu cầu của các bác sĩ không phải chỉ riêng Huế mà các bệnh viện khác ở miền Trung, miền Nam và miền Bắc. Tôi có mối liên hệ với một số bác sĩ và họ có nhờ tôi giúp về nội soi can thiệp. Tất cả cũng tùy thuộc vào khả năng tôi còn làm việc được như thế nào vì tôi đã có tuổi (cười). Nhưng tùy theo khả năng của tôi và yêu cầu của các đồng nghiệp Việt Nam, tôi sẽ cố gắng hết sức.
Tôi sinh ở Hà Nội nhưng tôi cũng rất thích miền Trung và miền Nam, và nước Việt Nam là một. Tôi yêu cả ba miền và các bệnh nhân cũng vậy, tôi không phân biệt bệnh nhân nào. Tôi mong muốn tất cả những người bệnh đều được điều trị trong những điều kiện tốt nhất như nhau. Tất nhiên điều này còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố không chỉ cơ sở vật chất, đội ngũ y bác sĩ mà còn cả chế độ bảo hiểm y tế hợp lý...
- Xin cảm ơn Giáo sư! Chúc ông luôn mạnh khỏe và tiếp tục có nhiều đóng góp cho đất nước!
Thanh Vân (thực hiện)