(GLO)- Đến tham quan chợ hoa Tết năm nay, nhiều bạn trẻ vô cùng thích thú với hai gian hàng vẽ chân dung và viết thư pháp của 4 chàng trai trẻ.
Nét chữ tao nhã
Xuất thân là một cử nhân ngành xây dựng, có một công việc ổn định tại Huế nhưng trong một lần tham quan gian hàng viết chữ thư pháp tại Festival Huế, Nguyễn Văn Sinh (thường gọi là Nguyên Sinh) quyết định dấn thân theo con đường nghệ thuật của con chữ. “Vừa nhìn thấy mình đã thích vì nó ẩn chứa trong đó chút hồn vẻ của văn hóa truyền thống được tích tụ qua rất nhiều đời, vậy là xin vào làm phụ, rồi học nghề, theo nghề luôn cho tới nay”-Nguyên Sinh cười, kể về mối duyên nợ với nghề viết chữ thư pháp. Không chỉ viết chữ, anh mày mò học vẽ tranh, điêu khắc.
Huỳnh Châu Toàn đang hoàn thành một bức ký họa chân dung cho khách. Ảnh: Lê Hòa |
Theo Nguyên Sinh, chơi chữ thư pháp là môn nghệ thuật tao nhã bởi đối tượng chính là con chữ. Muốn theo được môn nghệ thuật này, ngoài năng khiếu nghệ thuật và con mắt thẩm mỹ thì phải có tâm và đạo trong sáng. “Tâm sáng và tịnh mới nhìn thấu và hiểu những điều mà câu chữ chất chứa trong đó, mới thấy yêu nét chữ thư pháp và thể hiện nó “có hồn” nhất”-Nguyên Sinh lý giải một cách trân trọng. Đây là năm thứ hai Nguyên Sinh mở gian hàng tại Gia Lai. “Điều khá lạ là không chỉ người có tuổi mà rất nhiều bạn trẻ Gia Lai yêu thích môn nghệ thuật chơi chữ thư pháp”-Nguyên Sinh nhấn mạnh.
Gian hàng được mở từ 20 Tết, mỗi ngày có đến hàng trăm người ghé thăm và mua chữ. “Đa phần người chơi chọn các chữ liên quan tới cha mẹ, đạo hiếu”- Nguyên Sinh cho biết. Những câu chữ đời thường, với ý nghĩa răn dạy con người về đạo lý, hiếu nghĩa qua đường nét mềm mại, uốn luyện, dầy mảnh của con chữ, đặt trong tranh và treo ở vị trí trang trọng nhất trong nhà, để luôn nhắc nhở con người hãy biết trân trọng và yêu quý lấy điều tốt đẹp đó.
Rất nhiều em nhỏ thích được vẽ chân dung. Ảnh: Lê Hòa |
Với Phạm Tấn Vũ-sinh viên năm cuối Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng, là dân Gia Lai gốc và mới 21 tuổi đời, Vũ có niềm đam mê đặc biệt với môn nghệ thuật viết chữ thư pháp. Cậu sinh viên quê miền biên giới Chư Prông cùng với một người bạn bỏ tiền mở một gian hàng viết chữ thư pháp và vẽ truyền thần ngay tại chợ hoa xuân. “Ngành học em đang theo cũng đòi hỏi sinh viên phải có chút năng khiếu liên quan tới hội họa, nghệ thuật, cộng với sự yêu thích chữ thư pháp từ nhỏ nên em và bạn mở gian hàng này”. Hai cậu trai trẻ và một gian hàng độc đáo trở thành điểm thu hút khá nhiều người tới tham quan và mua chữ, vẽ tranh.
Một bạn trẻ tâm đắc với gian hàng viết thư pháp, chia sẻ rằng: “Tôi thích hai chữ “Gia đình” với ngụ ý rằng “người ta có nhiều nơi để đến nhưng chỉ có một chốn để quay về” và muốn chọn một bức có chữ này về treo, cũng là để nhắc nhở mình về ý nghĩa của mái ấm mình đang có”.
Trịnh Quyết Thắng đang vẽ một bức tranh cho khách trên nền gỗ thông. Ảnh: Lê Hòa |
Lưu giữ khoảnh khắc qua nét vẽ
Chỉ với 15-20 phút “múa cọ”, chàng sinh viên Huỳnh Châu Toàn đã có thể hoàn tất bức ký họa chân dung bằng bút chì cho khách. “Khó nhất là bố trí khung phác thảo ban đầu của khuôn mặt với một tỷ lệ cân xứng và giống nhất, tiếp đó là phải vẽ được đôi mắt có hồn, có cảm xúc. Thần thái khuôn mặt phụ thuộc vào chính đôi mắt”- Toàn chia sẻ.
Là sinh viên cùng lớp với Phạm Tấn Vũ, Toàn lại chọn hướng đi có vẻ gần với ngành học của mình hơn: vẽ. “Cuộc sống gia đình khó khăn nên học đến năm III, em đã mày mò học vẽ chân dung và đi vẽ kiếm tiền trang trải chi phí học tập”-Toàn chia sẻ như vậy. Mỗi khi có “đất diễn” và nằm trong khả năng, em lại cố gắng tham gia, điều này cũng giúp em có thêm kinh nghiệm.
Chỉ cần 15-20 phút “múa cọ”, Thắng và Toàn đã có thể hoàn thành một bức ký họa. Ảnh: Lê Hòa |
Còn với Trịnh Quyết Thắng, người học trò của Nguyên Sinh, thì ngay từ nhỏ Thắng đam mê môn nghệ thuật hội họa. “Mẹ em không ủng hộ em đi theo con đường này, nên bà ngăn cản rất dữ dội. Khi về quê ở An Nhơn (Bình Định), thấy các bạn em đi học vẽ, không có tiền nhưng em cũng trốn đi học theo. Về sau thầy biết chuyện, đã cho em về nhà ở cùng và dạy vẽ không lấy tiền”- Thắng kể lại.
Sau này, khi đã thành sinh viên ngành Kiến trúc-Trường ĐHDL Yersin Đà Lạt, Thắng càng có cơ hội hơn tiếp cận với nghề mình yêu thích. Với cây bút chì trên tay và mảnh giấy canson, chỉ một loáng, cậu có thể hoàn thành bức ký họa chân dung nhân vật với những đường nét khá tinh tế, sắc sảo. “Muốn nắm bắt được thần thái của nhân vật và truyền điều đó vào bức chân dung, em cần nói chuyện với người đó một chút, sau đó nhìn kỹ gương mặt để tìm góc, tìm điểm nhấn và thể hiện. Tất nhiên, tranh đẹp xấu tới đâu còn phụ thuộc vào chính cảm xúc của người vẽ nữa”- Thắng bộc bạch.
Ông đồ Nguyên Sinh đang thể hiện những đường nét chữ thư pháp. Ảnh: Lê Hòa |
Một bức vẽ chì hoặc chữ thư pháp thường có giá 150-250 ngàn đồng tùy độ lớn nhỏ, chất liệu vẽ. Khác với chơi chữ thư pháp, người chơi thường là trung tuổi và học sinh, sinh viên, công chức thì vẽ chân dung lại thu hút đối tượng đa phần là thanh-thiếu niên, nhiều nhất là các em nhỏ. “Chụp ảnh thì rõ rồi nhưng em thích có một bức vẽ với sự mộc mạc của nét vẽ để lưu giữ”-Nguyễn Văn Phong (21 tuổi), ở phường Thắng Lợi-TP. Pleiku, nói về lý do cậu chọn ký họa chân dung.
Rất nhiều người tới tham quan chợ hoa đã không thể không dừng chân trước gian hàng khá lạ với những nét truyền thống: Một ông đồ trẻ trong khăn đóng, áo tứ thân ngồi viết chữ thư pháp, một cậu trai trẻ có vẻ nghệ sỹ đang chăm chú nhìn ngắm, rồi hý hoái trên nền giấy những đường nét vô cùng nhanh, gọn. Thú chơi đậm hơi thở truyền thống dường như có sức hấp dẫn kỳ lạ với mọi người dù tưởng chừng dễ bị chìm đắm giữa muôn vàn hoa lá rực rỡ trong tiết trời Xuân.
Lê Hòa