Neo phận vào cua cáy, cà ra

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Có người gọi họ là rái biển, bởi quanh năm làm bạn với biển mặn. Hết bắt cáy, cà ra, ếch rồi đào cua, mò cá lại quay sang cào ngao
Sống giữa vùng đồng cói Nga Sơn (Thanh Hóa) nhưng nhiều người vẫn lấy việc mò cua, bắt cáy hay cà ra kiếm kế sinh nhai. Cua, cáy, cà ra nuôi họ khôn lớn, làm nhà cửa, nuôi con học hành.
Đôi tay ngập trong sình lầy
Chưa tới canh ba, anh Dũng đã gọi vợ: "Vân ơi. Dậy đi!". "Mấy giờ rồi? Nay tôi mệt quá" - giọng chị Vân mệt nhọc, ngái ngủ hỏi chồng. "Gần 3 giờ rồi. Nay nước cạn sớm. Đêm qua trời mưa tầm tã tha hồ cà ra lột. Đi về sớm kẻo rét" - anh Dũng trả lời vợ rồi bật dậy. Vợ cũng dậy theo.
Chị Vân xuống bếp, mở nồi cơm nấu từ khuya, ém lấy một bát rồi cầm cái thìa và chai nước mắm vừa đi vừa nói: "Thôi chết, nay nước ròng sớm. Nhanh lên, anh ơi". Bỏ bát cơm vào bịch ni -lông, chị Vân dắt chiếc xe máy cà tàng ra ngõ. "Để tao đóng cửa, mẹ mày dắt xe đi" - giọng anh Dũng nói nhỏ lẫn vào màn mưa đêm dày hạt.
"Rét tháng ba bà già chết cóng". Người xưa nói chẳng sai. Trời rét căm căm. Cơn mưa giữa đêm khiến đường làng thêm lầy lội. Những "ổ trâu" đọng nước càng làm đôi chân thêm lạnh buốt. Sau đoạn đường dắt xe cuốc bộ hơn trăm mét, anh Dũng chở vợ vượt đường đê Nga Tân, qua Sông Càn, giáp tỉnh Ninh Bình. Máy ảnh dấu trong balô, tôi bám theo vợ chồng anh để mục sở thị một ngày mưu sinh ở nơi này.
Sau khi vượt cung đường đê trơn trượt chừng 20 km, chúng tôi dừng lại bên bờ bãi vẹt. Trước mặt, sương mờ giăng phủ bao la. Những thân cây vẹt, cây đước biển chỉ thấy lờ mờ co cụm giữa cái rét nàng Bân. Anh Dũng bảo: "Chú đeo găng tay, đi giày chống hà cứa. Nếu lội không được thì đứng từ xa mà chụp ảnh. Bùn lầy đến trên đầu gối đấy".
Ngày tiếp ngày, họ cần mẫn mưu sinh bên những bãi vẹt, bãi đước
Ngày tiếp ngày, họ cần mẫn mưu sinh bên những bãi vẹt, bãi đước
Anh Dũng mở nút chai nước mắm đưa lên cổ ực một ngụm. Chị Vân cũng làm theo. "Ủa, uống mắm làm gì?" - tôi ngạc nhiên hỏi. "Để chống rét. Ngày xưa, bố mẹ tôi cũng làm thế và dạy tôi. Trời rét, uống chút nước mắm sẽ không run nữa, ấm bụng hơn" - anh Dũng phân trần.
Giữa cái lạnh thấu xương. Trước mặt là vùng lầy xa tít mù khơi. Anh Dũng cúi rạp người, đôi tay ngập trong sình lầy, thoáng cái đã móc lên một con cà ra tươi rói, nhỏ như con cua đồng. Cách đó chừng 5 m, chị Vân cũng nhanh chóng cho vào giỏ mấy con. Vừa làm, anh Dũng vừa đọc mấy câu thơ: "Nga Tân nghèo nhất huyện/ Cói khô cằn nước ngọt không về/ Những ngôi nhà thấp thoáng triền đê/ Những con người quanh năm nghèo khó/ Mùa đại dịch mỗi người mỗi giỏ/ Ra đồng bắt cáy mưu sinh…". Đọc xong, anh nhìn tôi rồi cười: "Bài thơ này tôi làm. Lúc nhọc nhằn, đọc lên cho nó vui".
Mặt trời ló dạng phía Đông rồi vụt tắt ngúm. Những đám mây biển kéo về, đen kịt. Gió thổi càng lạnh hơn, những con cà ra chui sâu xuống lỗ trú tránh. Đó cũng là lúc anh Dũng, chị Vân phải bậm đôi tay sâu hơn vào lòng đất. Mưa rét run người, vậy mà mặt anh Dũng cứ lấm tấm mồ hôi.
Ngẩng đầu, anh Dũng giải thích: "Cứ buổi sáng là cà ra chui sâu xuống đáy lỗ nên phải đưa tay xuống sâu mới móc lên được. Càng mưa rét, càng khó móc". Đó cũng là lý do khi trời tối vợ chồng anh cứ thoăn thoắt nhặt cà ra bỏ vào giỏ. Giải thích thêm về việc này, chị Vân cho hay vì con cà ra sợ ánh sáng, mưa gió là chúng chui sâu xuống lỗ trốn. Có lúc phải rướn người đứt ruột mới được một con.
Không cố mà làm thì tiếc
Cũng đồng hành cùng vợ chồng anh Dũng hơn 20 năm qua bằng việc "săn" cà ra và cáy biển là anh Trịnh Văn Quế và vợ là chị Nguyễn Thị Hằng, ở xóm 8, cũng của xã Nga Tân, huyện Nga Sơn này. Mùa cà ra năm nay, vợ chồng anh Quế được coi là "đối thủ" của vợ chồng anh Dũng.
Để chạy đua với thời gian, anh Quế không ngơi tay từ khi bàn chân bậm sâu vào lòng đất. Trên mưa dưới buốt, đôi tay lạnh cóng, đôi chân mỏi rã rời cũng không làm cho anh đứng yên. Để rồi, sau 8 giờ ròng rã như thế, anh mới dừng tay, mở gói cơm nắm ra ăn lấy sức. Anh bảo mỗi năm có một vụ cà ra, không cố mà làm thì tiếc lắm.
"Nghề móc cà ra cực nhọc lắm anh ơi. Không phải ai muốn cũng làm được đâu. Nhiều người biết bắt đấy nhưng không có sức khỏe thì bó tay thôi. Anh nhìn đấy, chân liên tục lội trong bùn, mặt cũng cúi sát bùn. Kiếm được mỗi ngày vài trăm ngàn đồng mà vô cùng khó nhọc. Nhưng có còn hơn không. Nhất là như dạo này đại dịch Covid-19, không làm là tắt bữa. Kiếm đủ ăn là khá lắm rồi" - anh Quế chia sẻ.
Cơm nắm muối vừng còn ấm, họ mở ra, đặt lên mô đất. Anh Quế lấy thìa xắn cho vợ hơn phân nửa. Chị Hằng với tay bẻ đọt lá vẹt non đưa lên miệng nhai ngon lành. Bỗng cơn mưa biển ập tới bất ngờ. Lấy chiếc áo mưa trùm lên đầu, anh Quế cười bảo: "Bình thường thôi. Ăn dưới trời mưa mới nếm đời người cà ra thế nào chứ". Cô vợ cũng cười theo. Mưa biển như trút nước. Nước xuyên qua lỗ rách áo mưa, chảy xuống mặt, anh Quế vẫn khoát tay: "Cứ bình tĩnh mà ăn. Ăn cơm nắm chan nước mưa biển quen rồi".
Sau liên tục nhiều giờ lội giữa bùn sâu, họ thu xếp để quay về khi mặt trời xế bóng. "Nay được nhiều không Vân ơi" - tiếng một người bạn hàng hỏi. Nở nụ cười trên khuôn mặt sạm đen, chị Vân đáp: "Cũng được khơ khớ". Anh Dũng thì quay sang tôi, không giấu được niềm vui sau một ngày cực nhọc: "Hôm nay cũng được cả triệu đồng đấy chú. Cà ra năm nay không được giá vì ảnh hưởng dịch Covid-19, nhà hàng quán xá đóng cửa nhiều nên bán chỉ 26.000 đồng/kg loại không lột, loại lột được hơn trăm ngàn đồng. Chừng này năm ngoái, cà ra lột bán 280.000 đồng/kg mà không có để bán".
Bến đò ngang cuối chiều thưa người qua lại. Những người về muộn như vợ chồng anh Dũng, anh Quế được coi là "tham công tiếc việc". Có người gọi họ là rái biển, bởi một năm có 365 ngày thì ngần ấy thời gian họ làm bạn với biển mặn. Hết bắt cáy, bắt cà ra, bắt ếch, đào cua, mò cá lại quay sang mò ngao biển.
Quanh năm lam lũ
Sau một ngày mưu sinh nhọc nhằn, bữa cơm cuối ngày của gia đình anh Dũng có thêm đĩa thịt mỡ nhiều hơn nạc.
Anh Dũng phấn chấn khoe căn nhà mới xây: "Cả đời tôi gắn bó với ruộng đồng. Hàng ngàn đêm mò cua, bắt cáy, cà ra mới có căn nhà này. Nghề này làm theo con nước. Có bữa đi từ 12 giờ đêm, có bữa đi từ 3 giờ sáng. Cả nhà chỉ gặp nhau vào bữa cơm chiều. Ngày con còn nhỏ, vợ chồng phải lẻn đi làm. Để con ở nhà thương lắm, nhưng chẳng biết làm sao".
Giờ thì tôi đã hiểu tại sao sáng nay anh Dũng phải dắt chiếc xe máy cuốc bộ từ nhà đi mấy trăm mét mới khởi động. Anh sợ con tỉnh giấc tội nghiệp, phần nữa là còn nghi binh để kẻ gian không nhân cơ hội vợ chồng anh đi làm mà lẻn vào nhà. Anh còn kể nhiều hôm để điện thoại hát suốt đêm để nghi binh.
Đêm xuống có một lúc mà đường làng đã vắng hoe không một bóng người. Từ dạo cách ly chống Covid-19, nhà ai cũng cửa đóng then cài sớm. Nhưng trong nhiều căn nhà ấy, chủ nhân đang hì hục chuẩn bị giỏ, bao tay, tất chân rồi tranh thủ chợp mắt một chút để bắt đầu một ngày mưu sinh mới.
"Cả đời tôi bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, quanh năm lam lũ ngoài đồng. Tôi đã đi miền Nam làm thuê cả chục năm, cuối cùng cũng trở về quê bắt cáy, mò cua, cà ra vì chẳng nỡ xa quê hương và nghề truyền thống của mình" - bà Mai Thị Liên, một nông dân của xã Nga Tân, tâm sự. 
Đời này nối tiếp đời khác, năm nọ tiếp năm kia. Dù nắng nóng cháy da hay đông về giá lạnh, họ cứ thầm lặng cần mẫn “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, chưa bao giờ có ý định bỏ nghề.
Theo Bài và ảnh: Mai Thắng (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.