Chuyến công du Nhật của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược.
Tối 15-12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã về đến Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Nhật Bản và tham dự Hội nghị cấp cao quan hệ Đối thoại ASEAN-Nhật Bản và Cấp cao Mêkong-Nhật Bản. Chuyến công du lần này của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đem lại thành công kép, không chỉ góp phần tích cực đẩy mạnh quan hệ đối thoại và hợp tác giữa ASEAN và Nhật Bản mà còn làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Nhật Bản trên cơ sở tin cậy chính trị, tình hữu nghị bền chặt, gắn bó giữa nhân dân hai nước.
ASEAN-Nhật Bản: “Chia sẻ tầm nhìn, Chia sẻ bản sắc, Chia sẻ tương lai”
Thủ tướng chụp ảnh cùng các nhà lãnh đạo Mekong-Nhật Bản. |
Với tinh thần chủ động, tích cực và có trách nhiệm với công việc chung của Ngôi nhà ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có các bài phát biểu quan trọng về tất cả các vấn đề và chủ đề trọng tâm của các Hội nghị cấp cao lần này. Không chỉ khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam coi trọng quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Nhật Bản nói chung và quan hệ hợp tác giữa Mekong-Nhật Bản nói riêng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng còn chủ động đưa ra các đề xuất, đóng góp tích cực vào thành công chung của các Hội nghị, nhất là việc dành ưu tiên cao cho các lĩnh vực hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư; hỗ trợ xây dựng cộng đồng ASEAN; triển khai liên kết khu vực và kết nối cũng như phát triển bền vững khu vực tiểu vùng Mekong bao gồm cả quản lý và sử dụng hợp lý, bền vững nguồn nước…
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các nhà lãnh đạo ASEAN-Nhật Bản đã thông qua Tuyên bố Tầm nhìn về Quan hệ Hữu nghị và Hợp tác ASEAN-Nhật Bản và Kế hoạch Triển khai cụ thể nhằm đưa quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Nhật Bản tiếp tục phát triển trong các thập kỷ tới theo định hướng chung: “Chia sẻ tầm nhìn, Chia sẻ bản sắc, Chia sẻ tương lai”. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh cho biết: Tuyên bố Tầm nhìn đã khẳng định mối quan hệ hữu nghị và hợp tác gắn bó ASEAN-Nhật Bản trên cơ sở chia sẻ các mục tiêu chung, với bốn trụ cột đối tác, đó là: Đối tác vì Hòa bình và Ổn định; Đối tác vì Thịnh vượng; Đối tác vì Chất lượng Cuộc sống; và Đối tác từ Trái tim đến Trái tim. Chúng ta thấy rõ quyết tâm của Nhật Bản khi tuyên bố cấp mới khoản hỗ trợ trị giá 2 nghìn tỷ Yên cho các dự án kết nối và thu hẹp khoảng cách phát triển ở ASEAN trong 5 năm tới…
Các nhà lãnh đạo ASEAN- Nhật Bản tham dự HNCC kỷ niệm 40 năm quan hệ đối thoại. |
Hội nghị cấp cao ASEAN-Nhật Bản cam kết mạnh mẽ bằng các hành động cụ thể nhằm tiếp tục thúc đẩy quan hệ đối tác kinh tế toàn diện, trong đó phấn đấu tăng gấp đôi kim ngạch thương mại lên trên 500 tỷ USD vào năm 2022. Các nhà lãnh đạo ASEAN và Nhật Bản cũng ủng hộ mạnh mẽ quan điểm của Việt Nam bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, phù hợp với các nguyên tắc luật pháp quốc tế, đồng thời ủng hộ ASEAN-Trung Quốc thúc đẩy tham vấn để sớm đạt được Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC).
Kết quả nổi bật tại Hội nghị Cấp cao Mekong-Nhật Bản là các bên liên quan đều khẳng định mạnh mẽ tầm quan trọng sống còn của việc quản lý và phát triển bền vững nguồn nước và các tài nguyên liên quan của sông Mekong và ủng hộ các tổ chức khu vực và quốc tế, đặc biệt là Uỷ hội sông Mekong quốc tế đẩy nhanh các nghiên cứu về quản lý và phát triển bền vững sông Mekong, trong đó có các tác động của các dự án thủy điện trên dòng chính Mekong. Hội nghị cũng đồng tình cao với kiến nghị của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phải tăng cường kết nối khu vực thông qua ưu tiên nguồn lực hoàn tất cơ sở hạ tầng giao thông còn thiếu và quan trọng để thu hút được nguồn lực để thực hiện thì phải thúc đẩy cơ chế hợp tác công-tư…
Cam kết chính trị mạnh mẽ, thống nhất kế hoạch hành động với các biện pháp cụ thể giữa ASEAN và Nhật Bản tại các hội nghị cấp cao lần này sẽ tạo chuyển biến thực chất trong quan hệ hợp tác giữa ASEAN-Nhật Bản nói chung và Mekong-Nhật Bản nói riêng, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân, đóng góp vào hòa bình, hợp tác và phồn vinh trong khu vực.
Việt Nam-Nhật Bản: “Ngoại giao tin cậy, kinh tế thực chất, lợi ích song hành”
Kết thúc tốt đẹp tham dự các hội nghị cấp cao giữa ASEAN và Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiến hành thăm chính thức Nhật Bản. Nếu như đầu năm nay, Thủ tướng Shinzo Abe sang thăm chính thức Việt Nam mở đầu các chuỗi sự kiện trong Năm hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản thì đến cuối năm Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sang thăm chính thức Nhật Bản khép lại một năm đầy ý nghĩa kỷ niệm 40 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Hai Thủ tướng cũng đã tiến hành hai lần điện đàm trong năm nay để trao đổi và thống nhất các vấn đề cùng quan tâm. Điều này thể hiện sự hợp tác tin cậy có thể nói là chưa từng có trong lịch sử quan hệ hai nước.
Nguyên Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama chia sẻ: Quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản không chỉ đơn thuần là mối quan hệ đối tác chiến lược mà là hai nước bạn bè cùng chung nhịp đập trái tim. Đối với Nhật Bản, hơn bất kỳ quốc gia nào khác Việt Nam là quốc gia có thể dùng cụm từ “dĩ tâm truyền tâm”, có nghĩa là người dân hai nước có thể hiểu nhau mà không cần dùng lời để nói. Tôi nghĩ rằng Việt Nam chính là nước mà Nhật Bản đã xây dựng được mối quan hệ tin cậy nhất.
Theo VOV