Nhân dịp tổ chức Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Việt Nam-Trung Đông-Bắc Phi, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có bài viết "Nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác Việt Nam-Trung Đông-Bắc Phi".
Triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế, Việt Nam luôn coi trọng việc đẩy mạnh quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với các quốc gia Trung Đông-Bắc Phi.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - UAE. |
Trong những năm qua, quan hệ giữa Việt Nam và các nước trong khu vực đã bước đầu gặt hái được kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực.
Với mong muốn nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác giữa hai bên, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, trong các ngày 4 và 5-11-2013, Việt Nam sẽ tổ chức Diễn đàn hợp tác kinh tế với các đối tác Trung Đông-Bắc Phi tại Hà Nội với sự tham gia của các đại biểu đến từ 15 quốc gia Trung Đông-Bắc Phi, lãnh đạo các bộ, ngành, tỉnh, thành phố của Việt Nam, lãnh đạo Ngân hàng Phát triển Hồi giáo và gần 250 doanh nghiệp của hai bên.
Vùng đất giàu tiềm năng
Trung Đông-Bắc Phi không chỉ nổi tiếng với bề dày lịch sử, đa dạng về văn hóa mà còn là khu vực có vị trí địa chính trị và địa kinh tế quan trọng đối với thế giới. Với dân số trên 520 triệu người và nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, nhất là về dầu lửa, chiếm 60% trữ lượng của thế giới (810 tỷ thùng) và khí đốt, chiếm 45% trữ lượng của thế giới (khoảng 80.000 tỷ m3), khu vực này có vai trò hết sức quan trọng đối với sự ổn định và phát triển của nền kinh tế toàn cầu.
Trong những năm qua, nhờ không ngừng đẩy mạnh cải cách kinh tế, khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhiều quốc gia trong khu vực đã đạt được những thành tựu nổi bật về kinh tế-xã hội. Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia đã trở thành thành viên chính thức của Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi của thế giới (G20), nhiều quốc gia vùng Vịnh có thu nhập bình quân đầu người thuộc hàng cao nhất thế giới, nhiều thành phố trong khu vực như Dubai, Doha, Istanbul… đã trở thành những kỳ tích phát triển và những trung tâm tài chính, thương mại quan trọng trên thế giới…
Những kết quả bước đầu
Mặc dù cách xa nhau về địa lý, song Việt Nam và các quốc gia Trung Đông-Bắc Phi từ lâu đã có mối quan hệ hợp tác và hữu nghị truyền thống, được thử thách và vun đắp qua nhiều giai đoạn phát triển thăng trầm của lịch sử. Với nền tảng vững chắc đó, quan hệ giữa Việt Nam và các quốc gia trong khu vực trong những năm qua đã có nhiều phát triển đáng ghi nhận.
Về chính trị, với sự tương đồng về khát vọng hòa bình, tự do và phát triển, nhân dân Việt Nam và nhân dân các quốc gia trong khu vực đã luôn gắn bó chặt chẽ, dành cho nhau sự ủng hộ và giúp đỡ to lớn trong quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay.
Trên cơ sở quan hệ chính trị tốt đẹp đó, hai bên thường xuyên duy trì trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là các đoàn cấp cao, gần đây là các đoàn của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thăm Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Kuwait, Qatar (2009); Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm Arab Saudi, Tunisia, Algeria (2010)... và các đoàn của Thủ tướng Kuwait (2007), Thủ tướng Morocco (2008), Tổng thống Palestine (2010), Quốc vương Qatar, Tổng thống Iran (2012) thăm Việt Nam… Kết quả của các chuyến thăm trên đã góp phần quan trọng vào việc định hình khuôn khổ, thúc đẩy hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam với các nước trong khu vực.
Hợp tác kinh tế có nhiều khởi sắc. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và khu vực năm 2012 đạt 7,4 tỷ USD, tăng 878% so với năm 2002 (889 triệu USD), trong đó kim ngạch với một số đối tác đã vượt ngưỡng 1 tỷ USD/năm. Một số quốc gia vùng Vịnh đang tích cực tham gia vào nhiều dự án đầu tư tại Việt Nam như khu Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn, Tổ hợp hóa dầu Long Sơn, Khách sạn Hạ Long Star... Một số doanh nghiệp Việt Nam cũng đã triển khai các dự án đầu tư ở khu vực, trong đó đáng chú ý có dự án thăm dò và khai thác dầu khí của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam tại Algeria với tổng số vốn trên 200 triệu USD.
Về lao động, trong hơn 30 năm qua, hàng trăm nghìn lượt chuyên gia và người lao động Việt Nam đã hăng say đóng góp kiến thức và sức lao động của mình vào quá trình phát triển nhanh chóng của nhiều quốc gia Trung Đông-Bắc Phi, trở thành cầu nối của tình hữu nghị giữa hai bên. Hiện tại, trên 26.000 lao động Việt Nam vẫn đang có mặt tại nhiều dự án ở Arab Saudi (17.000 người), UAE (7.500 người), Libya (1.000 người). Trước những bước phát triển nhanh chóng trong quan hệ hợp tác giữa hai bên, Việt Nam đã và đang trở thành điểm đến mới trong chiến lược mở rộng phạm vi hoạt động của nhiều hãng hàng không lớn trong khu vực như Qatar Airways, Turkish Airlines, Emirates Airlines, Etihad Airways...
Về hợp tác phát triển, trong những năm qua, Quỹ Kuwait Phát triển kinh tế Arab, Quỹ Phát triển quốc tế OPEC (OFID) và Quỹ Phát triển Arab Saudi đã cung cấp vốn vay với lãi suất ưu đãi trị giá trên 427 triệu USD cho 33 dự án phát triển hạ tầng cơ sở nông thôn, y tế, giáo dục… đem lại hiệu quả thiết thực về kinh tế-xã hội cho nhiều địa phương, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống cho một bộ phận nhân dân nhiều địa phương của Việt Nam.
Hợp tác trong phát triển nguồn nhân lực là một trong những minh chứng sinh động của tình hữu nghị trong sáng. Cùng với sự hiện diện của Trường trung học cơ sở Việt Nam-Algeria tại Hà Nội từ năm 1985, các chương trình học bổng của Ai Cập, Iran, Libya, Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar, Kuwait, Morocco… dành cho sinh viên Việt Nam và của Việt Nam dành cho sinh viên Palestine, Iran, Iraq… trong những năm qua đã góp phần vào việc đào tạo được hàng nghìn học sinh, sinh viên, đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng và phát triển đất nước, trở thành những sứ giả của tình hữu nghị, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và các nước trong khu vực.
Cơ hội hợp tác mới
Sau gần 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới và mở cửa, Việt Nam đang vững bước đi lên trên con đường công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với hơn 180 nước và quan hệ kinh tế-thương mại với trên 200 nước và vùng lãnh thổ.
Việt Nam đang là địa điểm đầu tư hấp dẫn với môi trường chính trị - xã hội ổn định, có thị trường tiềm năng và nguồn nhân công dồi dào có kỹ năng. Hiện nay, Việt Nam đang đàm phán các Hiệp định Thương mại tự do quan trọng như Hiệp định đối tác hợp tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại tự do với EU… Những Hiệp định này sẽ mở ra cơ hội hợp tác to lớn không chỉ cho các doanh nghiệp Việt Nam mà cả các doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Trong chính sách đối ngoại rộng mở của mình, Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác nhiều mặt với các quốc gia bè bạn tại khu vực Trung Đông-Bắc Phi. Chúng ta vui mừng trước những bước phát triển đáng ghi nhận trong quan hệ giữa hai bên thời gian qua, đặc biệt trên các lĩnh vực thương mại, năng lượng, đầu tư và lao động, đưa các nước ở Trung Đông-Bắc Phi trở thành những đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam.
Tuy nhiên, so với tiềm năng và mong muốn của cả hai bên, những kết quả trên còn khá khiêm tốn. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và các quốc gia trong khu vực tuy tăng nhanh, song mới chỉ chiếm khoảng 5% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2012 của Việt Nam.
Trong khi đó, tổng khối lượng đầu tư vào Việt Nam chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong dòng vốn đầu tư hàng chục tỷ USD ra nước ngoài hàng năm của các quốc gia trong khu vực; số lượng lao động Việt Nam cũng chỉ chiếm chưa đến 0,3% tổng số lao động nước ngoài đang làm việc trong khu vực và chủ yếu chỉ tập trung vào một số lĩnh vực có thu nhập trung bình, không đòi hỏi chuyên môn cao như xây dựng, vệ sỹ, giúp việc gia đình...
Một trong nhiều nguyên nhân cơ bản dẫn tới thực trạng trên là do thông tin về môi trường đầu tư, kinh doanh; tiềm năng, cơ hội hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và các quốc gia trong khu vực còn tương đối hạn chế. Trong bối cảnh đó, rất cần có những nỗ lực và quyết tâm của cả hai bên nhằm cải thiện tình hình trên, nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế.
Với nhận thức trên, Việt Nam đã chủ động đề xuất ý tưởng tổ chức Diễn đàn hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với các đối tác Trung Đông-Bắc Phi trong các ngày 4 và 5-11-2013 tại Hà Nội và đã được bạn bè trong khu vực hưởng ứng tích cực. Với sự tham dự của đại diện các Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp... từ khu vực Trung Đông-Bắc Phi và Việt Nam, Diễn đàn sẽ là dịp để các nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo doanh nghiệp hai bên tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, thảo luận những biện pháp cụ thể để nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác kinh tế, đồng thời mở ra cơ hội hợp tác kinh doanh cho các doanh nghiệp Việt Nam và khu vực, nhất là trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, năng lượng, lao động và nông nghiệp.
Với nền tảng quan hệ chính trị tốt đẹp và tiềm năng hợp tác to lớn, với quyết tâm cao của Lãnh đạo và nhân dân Việt Nam và các nước trong khu vực, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng Diễn đàn sẽ thành công tốt đẹp, tạo ra động lực mới giúp nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và các đối tác Trung Đông-Bắc Phi. Cơ hội mới đang mở ra cho quan hệ giữa Việt Nam và các đối tác Trung Đông-Bắc Phi bước vào một giai đoạn phát triển mới, thực chất và hiệu quả.
Theo TTXVN