Mũi Điện-Nơi bình minh bắt đầu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hơn 6 giờ chiều, Bãi Dốc chỉ còn lác đác vài người. Mưa tầm tã. Sáu người, ba chiếc xe máy, quyết định đi đến Mũi Điện.

Cơn mưa không dứt, những hạt mưa nặng hạt như đánh thẳng vào mặt, bỏng rát. Phần run vì trời lạnh và vì con đường hơn 30 km từ TP. Tuy Hòa đến huyện Đông Hòa (Phú Yên), không thấy bóng người. Trời tối, mưa lâm thâm, một màu đen kịch bao trùm, dưới ánh trăng màu đỏ rực như cảnh phim kinh dị. Ánh chợt nói “Sao mình giống vai chính trong phim kinh dị dữ nè?”. Ai cũng cười nhưng đều có cảm giác sợ.
 

Ngọn hải đăng đại Lãnh. Ảnh: L.V.T
Ngọn hải đăng đại Lãnh. Ảnh: L.V.T

Con đường tới Mũi Điện, qua lộ Phước Tân-Bãi Ngà mới làm xong tầm 5 năm, chạy quanh sườn núi một bên là biển. Con đường này thuận tiện cho việc chuyên chở thủy-hải sản về trung tâm Tuy Hòa, gắn liền với cảng Vũng Rô, nơi có con tàu không số bị chìm. Trước kia muốn lên Mũi Điện phải lên đèo, tức là qua quốc lộ 1A.

Chúng tôi dừng chân tại nhà chú Trần Minh Thái tên thân mật là chú Mười, ở chân núi ngọn hải đăng. Vợ chồng chú niềm nở đón tiếp dù mới lần đầu gặp mặt. Ban đầu còn e ngại nhưng sau biết ngôi nhà của chú là điểm dừng chân lý tưởng cho dân phượt. Vợ chồng chú ở đây mười mấy năm. Khi con đường còn khó đi và chưa mở rộng như bây giờ. Chú bảo buồn nhưng ở riết rồi quen, cũng nhờ có người đi du lịch như chúng tôi mà nhà chú lúc nào cũng đông.

Ngôi nhà chú tuềnh toàng, không có cửa. Chỉ có một phòng ngủ cho hai vợ chồng và hai cái giường kê bên ngoài cho khách. Trong nhà có một cái ti vi phát bằng máy nổ vì ở đây không có điện.

Từ nhà chú Mười ra bờ biển hơn 500 mét. Đường tối, chỉ có ánh trăng và ngọn đèn pha trên ngọn hải đăng soi đường. Xung quanh hoang vắng, cả nhóm túm tụm lại mà đi. Gần đến biển thì thấy những khối đen thui, tròn, giống đá, nhưng lại di chuyển. Ra tới nơi thì cả nhóm thở phào, đó là những con bò. Con thì đứng con thì nằm, hơn một chục con. Hình như nó cũng không lạ người, thấy chúng tôi nó vẫn cứ đứng im, mắt lim dim ngủ. Cả nhóm lao xuống biển hò hét, nhảy múa vang cả một góc biển. Cơn mưa đã hết, trăng trong vời vợi.
 

Ảnh: L.V.T
Ảnh: L.V.T

12 giờ đêm. Lạ giường. Tất cả rủ nhau ra biển. Lần này đã quen đường nên không bị trượt cát và vấp đá nữa.

4 giờ 30 phút sáng. Chuông báo thức reo inh ỏi. Mặc thêm áo khoác, vội vã chạy về phía biển. Biển vẫn rì rào từng con sóng xô bờ. Không gian còn mặc một chiếc áo màu tối. Khoảnh khắc dậy thật sớm. Lựa cho mình ngọn đồi cao nhất. Máy ảnh sẵn trong tay, nín thở, hồi hộp đón chờ từng tia nắng mặt trời đầu tiên của điểm cực Đông Tổ quốc bung tỏa trên mặt biển rất thú vị và tia nắng đầu tiên xuất hiện, mặt trời lóe lên từ mặt nước, mọi cảm xúc như vỡ òa. Những tia nắng màu vàng chiếu sáng. Chỉ trong phút chốc, mặt trời đã ló nguyên hình dạng. Tròn xoe và từ từ lên cao, soi rọi toàn bộ mặt biển xanh lơ. Chúng tôi ngây ngất trước vẻ đẹp của mặt trời lên. Nó mang một nguồn sức sống mới, khác hẳn cảnh hoàng hôn lúc nào cũng mang một nỗi buồn man mác.

Khí hậu Phú Yên thật lạ, mặt trời vừa mới lên, nhưng đã bắt đầu nóng. Chúng tôi để nguyên người ướt và leo lên ngọn hải đăng. Có hai đường lên ngọn hải đăng. Đường thứ nhất là đường núi. Đường thứ hai là đường bê tông với những bậc tam cấp dài hơn 1 km rất dễ đi. Chúng tôi quyết định leo núi. Đường lên núi với hai hàng bạch dương xanh mướt, mát lạnh. Càng lên cao cảnh càng đẹp. Núi đá như được ghép những phiến đá ngang dọc với nhau. “Cỏ cây chen lá đá chen hoa” như một bức tranh, quả là thiên nhiên kiến tạo luôn đẹp đến mê hồn. Một con đường nhỏ dẫn xuống nơi có cột mốc đánh dấu kinh độ và vĩ độ của Mũi Đại Lãnh, nơi cực Đông Tổ quốc, sát mép biển tạo khung cảnh vừa đẹp vừa kiêu hùng.
 

Ảnh: L.V.T
Ảnh: L.V.T

Tháp hải đăng cao 26,5 mét so với nền tòa nhà và cao 110 mét so mặt nước biển và có thể phát tín hiệu xa 27 hải lý. Qua 110 bậc thang gỗ, lên đến đỉnh hải đăng thì không gian như mở ra hoàn toàn. Một khung cảnh núi rừng trùng điệp hiện ra trước mắt, đẹp đến không thốt nên lời. Trên cao mới nhìn rõ bãi Môn, nơi tối hôm qua chúng tôi đùa nghịch, nước biển đã lùi ra xa hơn, để lại một bờ cát trắng phau. Hai bên là núi như ôm lấy mặt biển, với dòng suối nước ngọt chảy qua, trong vắt.

Chúng tôi xuống núi bằng con đường có những bậc tam cấp màu trắng. Nhiều gia đình nghỉ cuối tuần và các nhóm đi du lịch phượt đang đi ngược lên giữa cái nắng gay gắt của mùa hạ. Nhà chú Mười đã tấp nập khách, người thì uống nước, người gửi xe. Chúng tôi chào chú và gia đình để quay về Phú Yên. Khá bất ngờ khi chú tính tiền ngủ đêm qua cho nhóm chúng tôi chỉ hết có 200.000 đồng/6 người. Vẫn còn ngây ngất trước vẻ đẹp của Mũi Điện, sự thân thiện của con người. Xe chúng tôi đi chầm chậm thả dốc theo sườn núi để tận hưởng những cơn gió biển và cảnh đẹp của Mũi Điện từ tầm xa.

Lê Vi Thủy

Có thể bạn quan tâm

Sẽ nâng cấp Hội Đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên quy mô cấp tỉnh

Sẽ nâng cấp Hội Đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên quy mô cấp tỉnh

(GLO)- Chiều 9-12, đồng chí Nguyễn Thị Thanh Lịch-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh đã có cuộc khảo thực tế tại huyện Ia Grai để đánh giá tiềm năng phát triển du lịch nâng cấp Lễ hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên cấp tỉnh.