Dâu đất được người dân huyện Tiên Phước (Quảng Nam) trồng quanh vườn, vào cuối tháng 7 đầu tháng 8 âm lịch quả chín vàng rực.
Dâu đất còn gọi là dâu da, có tên khoa học Baccaurea sapida. Loại cây này thuộc thân gỗ, cao 10-20 m. Quả mọc ở thân cây và một số cành to, khi chín có màu đỏ hoặc vàng.
Dâu đất xưa kia vốn mọc dại trong rừng, người dân ăn thấy vị chua ngọt nên mang về nhà trồng. Loại cây này tán rộng, chiếm diện tích lớn nên trồng xen kẽ với các cây ăn quả khác. Tại huyện trung du Tiên Phước, nơi trồng nhiều nhất Quảng Nam, dâu đất đang vào vụ thu hoạch.
“Dâu đất không phải nguồn thu nhập chính, chỉ là loại cây góp phần tăng thu nhập. Nhà nhiều trồng gần 100 cây, nhà ít có vài cây trong vườn”, ông Đỗ Đình Tùng, xã Tiên Thọ chia sẻ.
Ông Tùng cho biết, gia đình trồng 15 cây. Năm nhiều cho thu hoạch gần một tấn quả, bán với giá 3.000-5.000 đồng một kg.
Loại cây này thường hai năm mới ra nhiều quả. “Năm nay mất mùa nên ít quả hơn các năm trước, tôi chỉ thu được khoảng vài tạ”, ông Tùng nói.
Một chùm dâu đất có đến vài chục quả. Bóc lớp vỏ dầy bên ngoài, phía trong lộ ra lớp ruột trong suốt.
Quả dâu đất phần ruột có vị ngọt và chua chứa nhiều polyphenol và anthocyane, hai loại chất chống oxy hóa quan trọng cho cơ thể.
Cây dâu đất ra quả đẹp nên gần đây nhiều người mua về làm cây cảnh.
Đắc Thành/VNE