(GLO)- Lẫn trong nắng gió quay quắt vùng Đông Nam tỉnh Gia Lai có tiếng thở dài thườn thượt của những con người ngược ngàn mưu sinh bằng nghề trồng và gánh thuê dưa hấu. Không buồn sao được khi đã cuối vụ thu hoạch mà giá dưa vẫn rớt thảm hại, trong khi những khoản nợ cứ lơ lửng trên đầu.
Hai lần mỗi năm, hàng trăm lượt nông dân ở các tỉnh miền Trung lại lặn lội lên Gia Lai thuê đất trồng dưa hấu hoặc gánh dưa thuê. Có không ít vụ, giá dưa hấu đạt đỉnh 8-10 ngàn đồng/kg, người trồng và phu gánh chung niềm hoan hỷ. Nhưng vụ dưa hấu đầu năm 2022 thì không như thế khi giá dưa chỉ dao động từ 1,5 ngàn đồng đến 3 ngàn đồng/kg.
|
Dưa Krông Pa nổi tiếng thơm ngon về chất lượng nhưng đang rớt gía thảm hại. Ảnh: Hoành Sơn |
“Ăn bờ, ngủ bụi”
Từ thị xã An Nhơn (tỉnh Bình Định) lên thuê đất trồng dưa hấu, gia đình ông Cù Bình dựng 3 chiếc lều bạt ở 3 góc khu đất rộng 6 ha tại cánh đồng buôn Ia Rnho (xã Đất Bằng, huyện Krông Pa) làm nơi trú ngụ. Ngồi trong lều tránh cái nắng như thiêu đốt đầu giờ chiều, ông Bình rủ rỉ chuyện trò: Cách đây 4 tháng, vợ chồng ông cùng 2 người con lên đây thuê đất trồng dưa với bao kỳ vọng. Dưa trồng ở Krông Pa đạt năng suất, chất lượng cao nên giá thuê đất lên đến gần 20 triệu đồng/ha. “Từ đó đến nay, chúng tôi ở hẳn trên này chăm sóc ruộng dưa, ngay cả Tết Nguyên đán cũng không về quê. Mọi sinh hoạt đều diễn ra ở mấy túp lều này. Rất khổ vì thời tiết nắng nóng vô cùng nhưng cũng gắng chịu đựng để có thêm thu nhập”-ông Bình nói.
|
Những phu dưa cặm cụi kiếm tiền trang trải cuộc sống gia đình. Ảnh: Hoành Sơn |
Ở gần bờ kè sông Ba thuộc địa phận thị xã Ayun Pa, mấy tháng qua, gia đình bà Trần Thị Minh (thị xã An Nhơn) cũng dựng tạm một căn lều để chăm sóc, bảo vệ ruộng dưa hấu. Thấy cây sinh trưởng tốt, cho quả to, niềm vui ánh lên trong mắt vợ chồng bà. “Việc ăn uống, ngủ nghỉ của vợ chồng tôi đều ở cả trong lều này. Khí hậu ở đây khắc nghiệt nhưng đã nhiều năm lên Gia Lai trồng dưa, chúng tôi quen rồi. Có hôm gặp lốc xoáy, lều và đồ đạc bị cuốn bay mất, phải loay hoay dựng lại để ở. Tính ra thì ở dưới này còn sướng gấp bội trên vùng Ia Lâu, Ia Mơr của huyện Chư Prông. Trên đó khu vực biên giới, việc đi chợ mua thức ăn cũng khó, đường sá thì lầy lội, bụi bặm”-bà Minh thổ lộ.
Nếu người thuê đất trồng dưa còn dựng lều tạm để trú ngụ thì phu gánh dưa thuê lại chọn cách giản đơn hơn là mắc tấm võng vào mấy thân cây ở một góc vườn, bìa rừng hay vỉa hè đường phố làm chỗ ngả lưng. Hành trang mang theo của mỗi người chỉ là chiếc xe máy, đôi quang gánh cùng mấy bộ quần áo. Nơi này làm xong thì họ cơ động di chuyển về nơi khác tiếp tục gánh thuê. Xong vụ, họ hồi hương với một khoản thu nhập kha khá.
|
Bữa cơm muộn trong ánh đèn pin của các phu dưa. Ảnh: Hoành Sơn |
Tôi theo chân một “thổ địa” ở huyện Krông Pa để tìm hiểu những gian truân của đội ngũ gánh dưa thuê thời điểm này. Tầm 1 giờ sáng, tại một khoảnh rừng ở xã Ia Mlah có mấy chiếc võng đã giăng mắc. Ngay sát đó là ánh sáng nhợt nhạt phát ra từ mấy chiếc đèn pin đội đầu của một nhóm đàn ông đang ngồi ăn cơm. Hơ tay bên đống lửa để chống lại cái lạnh ban đêm, anh Nguyễn Văn Khánh (tỉnh Phú Yên) tâm sự: “Chúng tôi mới từ Ayun Pa xuống đây làm. Đa phần là người gánh dưa có thâm niên. Nói về độ cơ cực thì nghề này thuộc tốp đầu. Bạ đâu mắc võng ở đó, dầm sương, dãi nắng. Người mới đi thường bị ốm liền. Ở đây ban ngày nóng 38-39 độ, chúng tôi thường đi làm từ lúc 4 giờ chiều hôm trước đến 1-2 giờ sáng hôm sau cho đỡ cực. Mọi người gánh xong dưa thì cùng kiếm chỗ ăn uống, ngủ nghỉ, cũng là bảo vệ nhau nếu lỡ bị đe dọa, trộm cắp. Còn cơm thì tranh thủ nấu buổi trưa rồi đùm theo. Những năm được mùa, chủ vườn thường mua cơm hộp cho, mất mùa thì tự túc bằng cơm nguội. Muốn sạc điện thoại, đèn pin thì nhờ nhà dân hoặc vào quán cà phê; còn tắm rửa ở hồ, suối. Vất vả thế nhưng nghề này lại cho thu nhập cao, tiền công 500-700 ngàn đồng/ngày. Chịu cực một chút nhưng có tiền mang về trang trải cuộc sống gia đình cũng là quá tốt rồi”.
Dưa ngọt mà không ngọt
Thời điểm thu hoạch hơn 240 tấn dưa đã đến mà lòng ông Bình vẫn ngổn ngang trăm mối. Mấy chục phu gánh dưa dường như hiểu tình cảnh của gia đình ông nên lặng lẽ ra đồng làm việc. Một nhóm nam nữ đi trước cắt, nhặt những quả dưa căng tròn, bóng bẩy sang một bên. Sau khi máy cày một đường, nhóm phu khác mang quang gánh quảy dưa tập kết. Những chiếc đòn gánh oằn xuống vai phu dưa khiến bước đi nặng nề, khó nhọc. Ông Bình trầm ngâm: “Vụ này tôi lỗ tầm 300 triệu đồng. Tiền thuê đất, thuê máy cày, thuê nhân công chăm sóc rồi đầu tư hệ thống tưới và phân bón hết mấy trăm triệu đồng. Trong khi giá dưa bán tại ruộng chỉ 1,5 ngàn đồng/kg. “Nông sản xuất sang Trung Quốc bị mắc kẹt ngoài cửa khẩu phía Bắc, ít thương lái thu mua, giá dưa rớt thảm hại. Đầu mùa, thấy giá thấp quá, nhà tôi gắng chờ đến nay nhưng không khả quan nên đành bán. Vợ tôi xót của phát ốm luôn. Biết làm sao bây giờ, năm được năm mất, với nông dân cũng là thường tình. Giờ đành trông chờ vụ sau”-ông Bình buồn bã.
Chị Trương Thị Nhung (con dâu ông Bình) nhanh tay gập tấm bạt lều cũ mà đôi mắt nhìn vô định về khoảng không trước mặt. Ôm tấm bạt bạc phếch bước liêu xiêu trong nhá nhem tối, chị Nhung tức tưởi: “Bỏ con cái ở nhà lên đây làm lụng vất vả, hóa ra lại trắng tay. Mấy năm trước, thấy năm được, năm mất, nhà tôi quết định không trồng mà đi gánh dưa thuê. Nhưng năm ngoái trúng quá, giá 8 ngàn đồng/kg, chúng tôi quyết định trồng, ai ngờ lại thất bát. Kiểu này thì đi làm phu dưa chứ tôi không trồng nữa đâu”.
|
Trời tắt nắng nhưng mọi người vẫn cần mẫn trên ruộng dưa. Ảnh: Hoành Sơn |
Cảnh ngộ gia đình ông Võ Văn Lành (thị xã An Nhơn) cũng tương tự. Đã bán xong ruộng dưa hấu 3,5 ha mà khoản nợ vay mượn đầu tư vẫn lơ lửng trên đầu. Những khấp khởi khi xuống giống trên diện tích đất thuê ở xã Ia Mlah đã tan theo mây khói. “Đa phần người trồng dưa đều bán với giá 1,5 ngàn đồng/kg. Nhà tôi thu được hơn 140 tấn dưa, lỗ gần 300 triệu đồng. Tôi cố cày cuốc để trả nợ thôi”-ông Lành ngậm ngùi.
Theo chị Nguyễn Thị Thu-thương lái từ Quảng Ngãi lên thu mua dưa hấu ở khu vực Đông Nam tỉnh, giá dưa không cao là bởi dù các cửa khẩu phía Bắc đã mở lại nhưng lượng hàng xuất qua chưa nhiều. “Chúng tôi chỉ dám mua với giá đó thôi. Lỡ ra đó không xuất bán được, thiệt hại kinh tế thấp hơn. Ngoài ra, có quá nhiều chi phí phải lo khi vận chuyển dưa bán sang Trung Quốc, chúng tôi không dám mua số lượng nhiều hoặc nâng giá”-chị Thu bộc bạch.
|
Phu dưa đội nắng làm thuê. Ảnh: Hoành Sơn |
Trao đổi cùng chúng tôi, ông Đinh Xuân Duyên-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa-thông tin: Vụ Đông Xuân 2021-2022, toàn huyện gieo trồng khoảng 1.000 ha dưa hấu, chủ yếu giống hắc mỹ nhân, sản lượng dự kiến đạt hơn 40.000 tấn quả. Tuy nhiên, giá dưa xuống thấp, chỉ 1,5-3 ngàn đồng/kg, đa phần người trồng chịu cảnh thua lỗ. Vì người trồng dưa chủ yếu ở các tỉnh Bình Định, Phú Yên lên thuê đất trồng nên huyện không thể có những định hướng, hỗ trợ. “Để nâng cao giá trị sản phẩm dưa hấu trồng trên địa bàn huyện và tăng thu nhập cho người dân, Phòng Nông nghiệp và PTNT sẽ tham mưu UBND huyện cấp mã số vùng trồng, hướng đến xuất khẩu chính ngạch”-ông Duyên cho biết thêm.
Đêm đã về khuya nhưng những phu dưa vẫn cần mẫn làm việc. Tiết trời dịu mát giúp cho người gánh dưa vơi bớt nhọc nhằn. Ánh sáng từ những chiếc đèn pin chiếu rọi cho phu dưa loang loáng trên cánh đồng Ia Rnho. Bên trong góc lều, chị Nhung và mẹ chồng đang nấu bữa cơm tối cho gia đình với món xào là mấy quả dưa hấu non. Người mẹ chồng thì thào với con dâu: “Má đang ốm, ra đó không tiện. Con ra nói với thương lái cho nhà mình 1 triệu để sáng mai cúng dọn lều nha”.
NGUYỄN TÚ