Tách ra từ xã Yang Trung năm 2006, Đak Pơ Pho đến nay vẫn là một xã vùng sâu chậm phát triển của huyện Kông Chro (Gia Lai). Địa bàn chỉ toàn rừng nghèo và đất đai bạc màu, sản xuất chủ yếu là trồng mì, bắp, lúa rẫy,... nên dù được đầu tư hỗ trợ lồng ghép nhiều chương trình, dự án nhưng đói nghèo vẫn còn bám dai dẳng cuộc sống người dân nơi đây. Chuyến công tác tại xã mới đây vẫn chưa cho chúng tôi cảm giác yên lòng, khi tận mắt trông thấy địa phương còn nhiều vất vả.
Đang là mùa khô. Dọc con đường vào xã, những nương bắp khô hạn thấp tè, cháy sém. Chỉ có loài ổi rừng hoang dại là bền bỉ trong nắng gió, vẫn đâm cành, xanh tốt. Làng, thôn lọt thỏm giữa bốn bề núi non.
Một góc Đak Pơ Pho. |
Mùa “ăn năm uống tháng” hãy còn nên mới đến đầu xã đã nghe men rượu nồng nồng, cay cay. Ngang qua mấy nếp nhà sàn xiêu vẹo lại thấy bã rượu đổ vương vãi. Nhiều người hãy còn mải mê chè chén, theo phong tục. Trận bão số 11 mới đây khiến xã bị sập 6 ngôi nhà, 7 ngôi nhà khác bị tốc mái. Được chính quyền, đoàn thể giúp sức, 6 ngôi nhà bị sập đã được dựng lại, hôm nay làng Krey chung tay dựng lại ngôi nhà cuối cùng cho Vet. Gần trưa nhưng Bí thư Đảng ủy xã Trần Văn Tuất còn phải vào làng để chỉ đạo công việc.
Đưa chúng tôi đi thăm bãi bồi trồng dưa dọc suối Pơ Pho, Chủ tịch UBND xã Đinh Ngơch cho biết: Địa phương hiện có 6 thôn, làng, 1.310 hộ với 1.732 khẩu. Toàn xã hiện có 1.700 ha bắp, trên 200 ha mì, 95 ha lúa rẫy, trên 10 ha lúa nước, tỷ lệ hộ đói nghèo trong xã còn cao: 30%. Con số này có thể cao hơn trong thời gian tới, vì hai cơn bão số 9 và 11 tàn phá và liền đó hạn hán kéo dài, gây thiệt hại nặng nề lương thực, hoa màu.
Đối lập với hình ảnh cũ kỹ, đói nghèo ấy là những khu vườn trồng ớt, dưa, đậu, theo kỹ thuật đánh luống, phủ ni lông chống hạn. Bà con mải miết làm cỏ, tưới nước, gieo hạt, bất chấp cái nắng thiêu đốt. Phần lớn diện tích này do người Kinh sản xuất, cho kết quả khá tốt. Ngang qua những ngôi nhà xây, mái bằng, lợp ngói, lợp tôn khang trang, vườn giậu ngăn nắp, có ao cá, chuồng heo, chuồng bò, xe tải, máy cày, cho người mới đến cảm giác ấm lòng, tin tưởng. Thôn 2 là thôn tập trung các hộ người Kinh diện kinh tế mới, đến từ Hưng Yên, Hải Dương. Thôn có 75 hộ và hầu như tất cả đều ăn nên làm ra. Chẳng hạn hộ ông Nguyễn Đình Khiêm với mô hình kinh tế tổng hợp: Vườn trồng xoài, dưa, đào ao nuôi cá, chăn nuôi bò, heo, hàng năm cho thu nhập vài trăm triệu đồng. Hộ ông Nguyễn Văn Ký, hộ ông Vũ Đình Thăng cũng với mô hình vườn- ao- chuồng, từ chỗ lấy ngắn nuôi dài dần dần vươn lên có tích lũy và làm giàu, thu nhập cả trăm triệu đồng/năm. Khá nhất xã có hộ ông Nguyễn Bá Khiêm có lò sấy thuốc lá thuê, trồng cây ăn quả, kinh doanh dịch vụ vận tải, thu nhập cả tỉ đồng mỗi năm. Đối với những hộ này, Đak Pơ Pho không phải là vùng đất khó, để gắn bó và làm giàu, cái chính yếu là phải biết khai thác thế mạnh,và nếu kiên trì chịu khó thì sẽ có kết quả. Hiệu quả của những mô hình sản xuất, kinh doanh nói trên ai cũng thấy nhưng lại có vẻ xa lạ với nhiều hộ người dân tộc thiểu số địa phương.
Làm gì để bà con người dân tộc thiểu số địa phương bớt nghèo là câu hỏi thường trực trong tâm trí của cán bộ huyện, xã. Hơn ai hết, Bí thư Đảng ủy xã Đak Pơ Pho Trần Văn Tuất cảm thấy áy náy và bức xúc trước thực trạng khó khăn của xã. Tôi nhận ra sự nung nấu quyết tâm của người lãnh đạo trẻ tuổi có thừa nhiệt huyết. Anh cho rằng, muốn Đak Pơ Pho xóa đói giảm nghèo bền vững thì phải bắt đầu bằng những điều căn cơ nhất. Phải có đất sản xuất, có vốn để bà con đầu tư cây-con giống, làm đất, mua sắm vật tư, phân bón, phải có sức lao động, phải tìm đầu ra cho sản phẩm... Nhưng quan trọng nhất, đó là phải cải tạo, làm thay đổi tập quán sản xuất cũ, lạc hậu. Cầm tay chỉ việc cũng phải làm cho thành công. Dựa trên điều kiện, đặc điểm của địa phương mà có cách làm hợp lý, từng bước một, lấy hiệu quả, sự ổn định và bền vững để đánh giá kết quả. Việc tách hộ lập vườn, cải tạo vườn tạp, trồng dưa, trồng bắp lai thời gian tới, xã sẽ chỉ đạo triển khai quyết liệt. Công trình thủy lợi suối Jrao nhiều năm nay hư hỏng nên cùng với việc sửa chữa, xã đang đề nghị đầu tư xây dựng 4 đập trên suối Pơ Pho lấy nước tưới cho diện tích ven bờ, vốn có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc xóa đói giảm nghèo, đảm bảo nguồn lương thực tại chỗ.
Hy vọng, trong thời gian không xa nữa, xã vùng sâu Kông Chro này sẽ có sự đổi thay.
Thất Sơn