(GLO)- Huyện Kbang (Gia Lai) có 14.697 hộ, 62.501 khẩu, thì có 7.622 hộ nghèo (chiếm hơn 51%). Trong đó, số hộ khó khăn về nhà ở không thể tự mình cải thiện được chỗ ở là 788 hộ. Được tỉnh phê duyệt cho xây dựng 736 căn nhà cho hộ nghèo và đến thời điểm này huyện đã xây dựng được 734 căn (2 nhà không thực hiện được bởi đã chuyển đi nơi khác sinh sống) với tổng kinh phí hơn 16,238 tỷ đồng.
Ảnh: K.N.B |
Qua công tác điều tra thực tế, những hộ nghèo này nhà ở thường không kiên cố, vật liệu làm nhà chóng hư hỏng, chủ yếu là tre, nứa, gỗ tạp, mái lợp tranh, vách đất… không thể tránh được mưa to, gió lớn. Thậm chí nhiều hộ nghèo chưa có nhà hoặc có nhà nhưng còn tạm bợ, dột nát, nhà ở có nguy cơ sụp đổ nhưng không có khả năng tự cải thiện. Trước thực tế trên, việc hỗ trợ làm nhà ở cho hộ nghèo, hộ không có nhà ở theo Quyết định 167 là chính sách lớn của Nhà nước và phù hợp lòng dân, nên quá trình triển khai, các địa phương đã bám sát chỉ đạo của huyện, nhất là thực hiện chặt chẽ từ khâu khảo sát cho đến bình chọn hộ, đảm bảo chính sách này đến đúng đối tượng thụ hưởng.
Theo Quyết định 167 của Chính phủ, mức hỗ trợ nhà ở hộ nghèo tại các xã thuộc vùng khó khăn là 8,4 triệu đồng/hộ và được vay vốn ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách Xã hội 8 triệu đồng/hộ. Với tổng kinh phí Nhà nước hỗ trợ và vay vốn được 16,4 triệu đồng/hộ, huyện Kbang đã giao cho Phòng Kinh tế và Hạ tầng thiết kế mẫu nhà nhằm phù hợp với điều kiện phong tục tập quán của từng dân tộc và khả năng góp vốn xây dựng của từng hộ dân. Theo đó, nhà chính sách 167 tại huyện Kbang được thiết kế xây dựng theo 3 mẫu: Nhà sàn truyền thống của đồng bào Bahnar; nhà xây trệt 2 gian; nhà xây ống có diện tích đảm bảo trên 24 m2 với dự toán thấp nhất là 16,4 triệu đồng đến trên 30 triệu đồng.
Ông Võ Tấn Hưng-Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Kbang cho biết: “Chương trình 167 trên địa bàn huyện được thực hiện đúng quy trình, công khai, minh bạch các trường hợp thụ hưởng. Đây là mục tiêu an sinh xã hội, mục tiêu xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an ninh chính trị-trật tự xã hội. Huyện đề nghị với tỉnh và Trung ương nên tăng mức hỗ trợ lên từ 10 triệu đồng đến 12 triệu đồng/hộ vì vật liệu làm nhà tăng cao từ 30% đến 40% so với năm 2009. Lợi ích mang lại từ Chương trình 167 là rất lớn, đã triệt để xóa bỏ được nhà ở tạm bợ, tranh tre, tồn tại nhiều năm qua trên địa bàn.
Để thực hiện thành công Chương trình 167 còn phải kể đến việc triển khai đồng bộ, lồng ghép các chương trình hỗ trợ làm nhà khác, tận dụng khai thác vật liệu tại chỗ, huy động nguồn lực từ cộng đồng, hộ gia đình… nhằm giảm giá thành. Theo đó, nhà 167 được xây dựng kiên cố, khang trang, nhiều hộ gia đình đã đóng góp thêm để làm nhà như hộ ông Đinh Yanh (làng Mơ Hra, xã Kông Lơng Khơng) đóng góp 40 triệu đồng, hộ Đinh Loai (làng Đáp) 41,6 triệu đồng, hộ Đinh Klin (làng Bờ Ngăn) 15 triệu đồng và hộ Triệu Văn Liêm (làng Kdâu) 25 triệu đồng…
Việc thực hiện chính sách hỗ trợ cải thiện nhà ở giúp người nghèo an tâm về chỗ ở, tập trung phát triển kinh tế góp phần từng bước thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống.
Lê Nam