Một loài tuyệt chủng từng biết nghe và nói như người hiện đại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nghiên cứu dựa trên hộp sọ của 5 người Neanderthals và của một loài tổ tiên 430.000 tuổi cho thấy tiếng nói không phải là tài sản của riêng người hiện đại Homo sapiens.

Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà cổ sinh vật học Rolf Quam của Đại học Binghamton đã chụp CT độ phân giải cao hộp sọ của 5 người Neanderthals, một loài tuyệt chủng cùng thuộc chi Người (Homo) đem đối chiếu với cấu trúc tai của người hiện đại (loài Homo sapiens, còn gọi là người tinh khôn) và của loài Sima de los Huesos hominin, còn được gọi là Sima hominin, là dòng tổ tiên của người Neanderthals.

 

Hộp sọ của một người Neanderthals - Ảnh: Eunostos
Hộp sọ của một người Neanderthals - Ảnh: Eunostos


Theo Science Alert, một mô hình về khả năng nghe được tái hiện từ các cấu trúc này theo kỹ thuật sinh học thính giác, nhằm đề biết được dải tần âm thanh mà tai nhạy cảm nhất, nói nôm na là vùng âm thanh có thể nghe được, hay "băng thông chiếm dụng".

Phân tích cho thấy bản thân Sima hominin đã có cấu trúc tai phù hợp với việc sử dụng ngôn ngữ. Nhưng người Neanderthals còn phát triển vượt bậc hơn trong cấu trúc này so với Sima hominin tiền thân, thính giác tốt hơn từ 4-5 kilohertz và có "băng thông chiếm dụng" rất gần với người hiện đại (Homo sapiens), thậm chí còn trùng lắp một phần.

Điều này cho thấy người Neanderthals sở hữu một hệ thống phức tạp và hiệu quả y như giọng nói của con người hiện đại. Đặc biệt, băng thông mở rộng thành các tầng số trên 3 kilohertz còn liên quan đến việc dùng phụ âm trong tiếng nói. Các loài linh trưởng khác không phải con người thường có tiếng kêu dựa trên nguyên âm. Như vậy, chỉ có chúng ta và họ biết dùng phụ âm, và tạo ra thứ thực sự gọi là "tiếng nói".

 

 Hộp sọ của người hiện đại Homo sapiens (trái) có cáu trúc phần tai khá giống với người Neanderthals - Ảnh: Mercedes Conde-Valverde
Hộp sọ của người hiện đại Homo sapiens (trái) có cáu trúc phần tai khá giống với người Neanderthals - Ảnh: Mercedes Conde-Valverde


Nghiên cứu công bố trên Nature Ecology & Evolution này cũng nhấn mạnh việc cấu trúc giải phẫu cho phép họ có khả năng nghe và nói, nhưng không thể khẳng định họ đủ thông minh để phát triển các hành vi giao tiếp phức tạp và giọng nói.

Tuy nhiên, dựa trên các bằng chứng khảo cổ khác, người ta tin rằng chỉ có Sima hominin là thực sự không biết tận dụng thứ "trời cho" này, bởi dữ liệu khảo cổ cho thấy học không có hành vi biểu tượng phức tạp, chẳng hạn như tang lễ và nghệ thuật. Nhưng người Neanderthals thì có!

Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy xã hội của họ vài chục ngàn năm trước không kém cạnh Homo sapiens. Họ phát triển sớm các kỹ năng chế tạo công cụ phức tạp, dệt sợi, làm trang sức và có đời sống tinh thần phong phú, trong đó ấn tượng nhất là các ngôi mộ cầu kỳ dành cho người chết thỉnh thoảng được tìm thấy.

"Kết quả của chúng tôi, cùng với những khám phá gần đây chỉ ra các hành vi biểu tượng ở người Neanderthals, củng cố ý tưởng rằng họ sở hữu một loại ngôn ngữ con người, một loại ngôn ngữ rất khác biệt" – nhóm nghiên cứu viết trong bài công bố.

Theo Anh Thư (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm