(GLO)- Với người dân Jrai làng Phung, làng Kép (xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai) thì du lịch hiểu nôm na là khách phương xa đến thăm. Và một khi khách đã đến nhà thì phải tiếp thật nồng hậu, chu đáo để khi ra về họ… nhớ mãi không thôi.
Điểm nhấn Plei Kép
Khu sinh hoạt cộng đồng của làng Kép 1, Kép 2. Ảnh: Như Nguyện |
Chỉ mới đưa vào khai thác khoảng 3 năm nay nhưng làng Kép 1, Kép 2 (xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Pah) đã kịp ghi dấu ấn với du khách gần xa không chỉ bởi nét văn hóa truyền thống mà còn bởi phong cảnh hữu tình, con người thân thiện, hiếu khách. Nằm cách TP. Pleiku khoảng 40 km về hướng Bắc, Plei Kép là nơi cư ngụ của 371 hộ đồng bào Jrai. Người dân nơi đây chủ yếu sống bằng sản xuất nông nghiệp.
Vài năm gần đây, khi làng Kép 1, Kép 2 trở thành điểm đến du lịch, người dân nơi đây mới bắt đầu làm quen với cụm từ này và làm quen với việc có thêm nhiều khách đến thăm làng. Khách ta có, Tây có. Ban đầu còn bỡ ngỡ nhưng rồi người làng Kép dần quen và niềm nở chào đón những vị khách phương xa. Chính sự nhiệt tình của họ, sự mộc mạc, dung dị của làng đã để lại trong lòng du khách những ấn tượng tốt đẹp.
Anh Ngô Thanh Toàn-một du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: Thanh bình là cảm nhận đầu tiên của mình khi đặt chân đến đây. Người dân nơi đây nhiệt tình, nồng hậu. Khách đến dẫu chỉ mới kịp làm quen nhưng họ đã quý mến và tiếp đãi nồng hậu, không vụ lợi, bon chen…
Ngoài nhà rông, giọt nước thì nhà mồ là một trong những điểm được nhiều du khách ghé qua. Nơi đây lưu giữ hàng chục bức tượng nhà mồ được đẽo công phu tài tình từ bàn tay tài hoa của người Jrai đã tạo nên dấu ấn riêng trong lòng du khách.
Thanh bình Plei Phung
Tượng nhà mồ. |
Nếu làng Kép 1, Kép 2 chỉ mới mở cửa đón khách du lịch khoảng 3 năm nay thì làng Phung đã có thâm niên hơn 20 năm đón khách du lịch. Nhưng có một điều rất mừng là dù có sự giao thoa văn hóa lớn nhưng làng Phung vẫn thế, vẫn mộc mộc, hoang sơ; người dân vẫn chất phác, thật thà bao đời nay.
Làng Phung có 107 hộ, 447 khẩu, tất cả là đồng bào dân tộc Jrai. Già Siu Chúch là một hướng dẫn viên du lịch của làng. Với già, chuyện khách đến làng đã không còn là chuyện lạ. Và việc trở thành hướng dẫn viên du lịch bất đắc dĩ cũng là chuyện tình cờ. Già Chúch chia sẻ: “Mình sống ở làng đã lâu, có chút ít hiểu biết nên hướng dẫn riết rồi thành quen. Khách đến đây họ quan tâm đến nhiều thứ. Từ chuyện phong tục tập quán đến lao động sản xuất… Cái gì không biết là họ hỏi từ cái bầu khô, cái khung dệt đến các công cụ… Nhưng cái họ quan tâm nhiều nhất vẫn là những phong tục tập quán của người Jrai; ý nghĩa của nhà rông trong mỗi cộng đồng làng; Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên…”.
Mỗi khi có đoàn khách đến tham quan, già Chúch lại tranh thủ sắp xếp công việc. Thông qua phiên dịch viên, ông tỉ mỉ giải thích cho khách những điều họ thắc mắc, những việc nên và không nên khi đến tham quan… Nhà sàn của già Chúch cũng chính là nơi diễn ra những buổi sinh hoạt chung của du khách và cộng đồng người dân nơi đây…
…Kể từ Festival Cồng chiêng Quốc tế tại Gia Lai năm 2009, lượng khách du lịch đến Gia Lai ngày một tăng. Riêng đối với Plei Phung và Plei Kép hàng năm có hàng trăm lượt khách đến tham quan du lịch. Ông Rơ Châm Sui-Chủ tịch UBND xã Ia Mơ Nông cho biết: Du lịch giúp xã có thêm nguồn thu và chúng tôi dùng nó để sửa chữa và bảo tồn các công trình công cộng tại làng, giữ gìn bản sắc dân tộc. Ngoài ra, công tác đảm bảo an ninh trật tự thường xuyên được tăng cường. Người dân nơi đây luôn có sự hợp tác và rất chất phác, nhiệt tình tạo ấn tượng tốt trong lòng du khách.
Như Nguyện