Trong 2 ngày (24 và 25-7), UBND huyện Đức Cơ tổ chức Chợ phiên nông sản an toàn và giới thiệu sản phẩm OCOP năm 2023 với chủ đề “Nông sản Đức Cơ kết nối và phát triển”. Phiên chợ thu hút gần 70 gian hàng của các xã, thị trấn trên địa bàn huyện cùng các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp đến từ TP. Pleiku, huyện Chư Prông, Chư Păh và tỉnh Kon Tum.
Tham gia phiên chợ, bà Nguyễn Thị Gấm (thôn Thanh Giáo, xã Ia Krêl) vui vẻ cho biết: “Điều, cà phê, cao su là 3 cây trồng chủ lực của xã. Là người trồng, chế biến và kinh doanh các sản phẩm từ cây điều, tôi mong muốn giới thiệu đến người tiêu dùng các sản phẩm chất lượng tốt nhất, tạo cơ hội giao lưu kết nối thương mại để mở rộng thị trường tiêu thụ”.
Hiện nay, sản phẩm hạt điều rang muối Anh Dương của hộ kinh doanh Nguyễn Thị Gấm đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Sản phẩm được tiêu thụ mạnh tại các thị trường lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Bên cạnh đó, hạt điều thô trồng trên đất Ia Krêl nói riêng và Đức Cơ nói chung cũng được các thương nhân thu mua số lượng lớn để chế biến phục vụ xuất khẩu.
Thông qua phiên chợ, huyện Đức Cơ mong muốn đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá nhằm mở rộng thị trường cho nông sản địa phương. Ảnh: Sơn Ca |
Tại chợ phiên này, nhiều khách hàng đã tham quan gian hàng nông sản của xã Ia Kla với sản phẩm sầu riêng Hoàng Tuấn đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh, sản phẩm yến sào, tinh bột nghệ, mật ong, thổ cẩm. Ông Nguyễn Hữu Thọ-công chức Địa chính-Nông nghiệp xã Ia Kla-cho biết: “Toàn xã có 24 ha sầu riêng của 87 hộ gia đình. Thay vì ồ ạt mở rộng diện tích, xã vận động bà con tập trung thâm canh để nâng cao chất lượng sản phẩm, giá trị kinh tế; tích cực tham gia các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tiêu thụ. Định hướng của địa phương đến năm 2025 sẽ phát triển diện tích sầu riêng lên khoảng 50 ha. Bên cạnh đó, xã đang tích cực xúc tiến xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm yến sào”.
Với tinh thần mở đường cho nông sản Đức Cơ kết nối và phát triển, chợ phiên trưng bày, giới thiệu đa dạng sản phẩm nông sản đặc trưng của huyện, trong đó có 3 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao và 19 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Trọng tâm của chợ phiên là các hoạt động quảng bá, giới thiệu các yếu tố đặc trưng của sản phẩm sầu riêng Đức Cơ, xây dựng thương hiệu sầu riêng Đức Cơ nhằm hướng tới phục vụ thị trường xuất khẩu. Huyện Đức Cơ đã quy hoạch vùng trồng sầu riêng đến năm 2030 đạt 1.500 ha.
Ông Nguyễn Quốc Tư-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-thông tin: “Đức Cơ là địa phương đầu tiên xây dựng nhãn hiệu cho cây sầu riêng. Với quyết tâm xây dựng nhãn hiệu sầu riêng Đức Cơ thực sự khác biệt về chất lượng, mang lại giá trị kinh tế cao cho người trồng, chúng tôi đang thực hiện đồng bộ các giải pháp mang tính chiến lược như quy hoạch vùng trồng, đăng ký mã số vùng trồng. Hiện nay, huyện đã có 400/500 ha sầu riêng giống RI6, Thái Lan được chứng nhận VietGAP. Điều đáng phấn khởi là sản phẩm sầu riêng Đức Cơ được các chuyên gia nông nghiệp, thương nhân ghi nhận có sự khác biệt về chất lượng, hương vị được tạo nên từ yếu tố chênh lệch nhiệt độ, khí hậu, môi trường sinh trưởng đặc thù vùng biên, thời gian thu hoạch luôn sớm hơn các vùng trồng khác 1-2 tháng”.
Sản phẩm sầu riêng Hoàng Tuấn đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh được khách hàng quan tâm tại chợ phiên. Ảnh: Sơn Ca |
Huyện Đức Cơ hiện có 50.500 ha đất sản xuất nông nghiệp. Nhiều loại cây trồng chủ lực mang lại giá trị kinh tế cao được huyện quy hoạch phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và giá trị gia tăng. Ông Trần Ngọc Phận-Phó Chủ tịch UBND huyện-cho biết: “Thời gian qua, UBND huyện đã kịp thời triển khai các chính sách, xây dựng các chương trình, dự án nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, nông dân đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết, ứng dụng công nghệ cao, từng bước tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững. Đồng thời, tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp đầu tư phát triển nông nghiệp nhằm khẳng định vị thế của nông sản Đức Cơ tại thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu”.
Cũng theo ông Phận, để nông sản Đức Cơ có cơ hội vươn đến các thị trường lớn, huyện đang tích cực xây dựng nhãn hiệu chứng nhận cho 3 sản phẩm sầu riêng, heo Broong và yến sào mang thương hiệu Đức Cơ; triển khai đăng ký 10 mã số vùng trồng nhằm phục vụ việc xuất khẩu sầu riêng. Thời gian tới, huyện tiếp tục quan tâm hỗ trợ xây dựng, phát triển thêm nhiều sản phẩm OCOP, nhãn hiệu chứng nhận từ các sản phẩm nông sản đặc trưng của địa phương; tích cực vận động, kêu gọi các doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn; tổ chức và tham gia các hoạt động quảng bá, giới thiệu, xúc tiến thương mại cho nông sản.