Các bệnh mùa hè như sốt phát ban, rubella, quai bị, đặc biệt là bệnh tay chân miệng… đang tăng đột biến và diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phố khu vực miền Trung. Hiện, đã có 2 trường hợp bị tay chân miệng ở tỉnh Quảng Ngãi tử vong. Những ngày cuối tháng 5 này, bình quân mỗi ngày, Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ngãi tiếp nhận từ 15 đến 20 ca trẻ em bị tay chân miệng mới nhập viện với triệu chứng sốt cao, nổi bọng nước ở lòng bàn tay, chân và miệng, bệnh diễn biến nhanh, nguy cơ tử vong cao. Hiện, cả tỉnh đã ghi nhận 243 trường hợp bị tay chân miệng ở 10/14 huyện, thành phố, đã có 2 trường hợp tử vong.
Trước tình hình này, chiều 31-5, UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức cuộc họp khẩn cấp triển khai biện pháp cấp bách phòng chống dịch bệnh tay-chân-miệng. Trước mắt, tất cả 80 cơ sở nhà trẻ, mẫu giáo trên địa bàn tỉnh đồng loạt đóng cửa để xử lý môi trường.
Ông Lê Huy, Trưởng phòng nghiệp vụ y-Sở Y tế Quảng Ngãi cho biết: “Sở Y tế đã chỉ đạo cả hệ thống y tế tăng cường công tác giám sát, xử lý, phòng chống dịch. Đồng thời phân tuyến điều trị. Tuy nhiên, hiện dịch tay chân miệng diễn biến nhanh, phức tạp. Chúng tôi đã lấy mẫu gửi viện Pasteur Nha Trang”.
Cùng với bệnh tay chân miệng, một số dịch bệnh mùa hè khác như sốt phát ban, rubella, quai bị… cũng tăng đột biến tại nhiều tỉnh, thành phố khu vực miền Trung. Điều đáng lo ngại là, hầu hết những bệnh này có thời gian ủ bệnh lâu, lây lan nhanh nên rất khó kiểm soát. Anh Trần Văn Giàu ở khu chung cư Phú Lộc, phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng: Mấy ngày nay đứng ngồi không yên khi cả 2 đứa con đều bị sốt phát ban nghi rubell do lây bệnh từ những người hàng xóm: “Mấy ngày trước con trai tôi nổi mẩn đỏ khắp người, đi khám bác sỹ nói bị rubella nên cho nhập viện. Tuy nhiên, do bệnh viện quá đông, 2, 3 người phải nằm chung giường nên tôi xin cho cháu về điều trị ngoại trú. Lo nhất là đứa nhỏ lây tiếp cho chị”.
Trước tình hình dịch bệnh mùa hè đang có chiều hướng lây lan nhanh trong cộng đồng, nhiều người dân đã đổ xô đi tiêm phòng, khiến các cơ sở y tế trở nên quá tải. Riêng tại Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố Đà Nẵng, từ đầu hè đến nay, bình quân mỗi ngày có đến hơn 300 người đến tiêm vaccine phòng bệnh. Ông Nguyễn Tam Lãm, Trưởng khoa dịch tễ và côn trùng Trung tâm y tế Dự phòng thành phố Đà Nẵng khuyến cáo: “Những ngày gần đây dịch bệnh bùng phát nên người dân ồ ạt đi tiêm phòng. Tuy nhiên, tôi khuyến cáo người dân không nên để đến khi có dịch mới tiêm mà cần phân bổ thời gian hợp lý để tiêm phòng hiệu quả, tránh quá tải cho cơ sở y tế”.
Hiện, các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung đang nỗ lực triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống dịch bệnh ,nhằm hạn chế dịch bệnh bùng phát và lây lan diện rộng.
Theo VOV