Càng dành nhiều thời gian cho máy tính và điện thoại, trẻ teen càng ngủ ít và khó ngủ hơn, đặc biệt khi dùng các thiết bị này trước giờ ngủ.
Theo tờ Nydailynews, 10.000 thiếu niên trong độ tuổi 16-19 tại Na Uy đã tham gia cuộc khảo sát vừa được công bố kết quả trên tập san BMJ Open. Các em được hỏi về thói quen ngủ, loại thiết bị thường dùng và số giờ trung bình dành cho chúng mỗi ngày ngoài giờ học.
Những em dùng các thiết bị điện tử như điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính, máy chơi điện tử… nhiều hơn 4 tiếng một ngày có nguy cơ ngủ ít hơn 5 giờ mỗi đêm. Ngoài ra, khả năng cần tới 60 phút mới đi vào giấc ngủ của nhóm này tăng lên tới 49%. Trong khi người trưởng thành thường chỉ cần ít hơn 30 phút trước khi ngủ được.
Hình ảnh các em nhỏ dán mắt vào các thiết bị điện tử không còn hiếm gặp trong xã hội hiện đại ngày nay. |
Điều này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về những vấn đề sức khỏe khi trẻ lạm dụng thiết bị công nghệ. Bằng chứng thuyết phục thu được từ nghiên cứu này nên được xem xét để cơ quan chức năng khẩn trương rà soát và cập nhật hướng dẫn sử dụng các thiết bị điện tử cho thanh thiếu niên. Đặc biệt nên có những chỉ dẫn chi tiết theo độ tuổi.
Lý giải tác hại trên, các nhà khoa học tại trung tâm nghiên cứu sức khỏe trẻ em tại thành phố Bergen (Na Uy) đưa ra nhiều lời giải thích. Nguyên nhân đầu tiên khá hiển nhiên là giải trí bằng các thiết bị trên khiến các em thường đi ngủ trễ hơn thường lệ. Ý kiến khác cho biết ánh sáng mạnh từ màn hình thiết bị làm rối loạn nhịp sinh học ngày đêm, vốn có nhiệm vụ truyền tín hiệu cho não về thời gian cơ thể cần đi ngủ và thức dậy.
Ngoài ra, tình trạng đau hay căng cơ, nhức đầu khi các em chơi game, lướt web… trong thời gian dài khiến chất lượng giấc ngủ ngày một giảm sút. Các nội dung thông tin tiếp nhận cũng góp thêm một lý do khác khi kích thích gia tăng hoạt động tâm sinh lý, trong thời điểm đáng ra cơ thể cần được nghỉ ngơi.
Mai Thương (theo Vnexpress)