(GLO)- Nằm cách Cam Ranh (Khánh Hòa) 315 hải lý, chạy dài theo hướng Đông-Tây, đảo Sinh Tồn nằm trên một nền san hô rộng gần 1 km2, phía hai đầu của đảo có hai doi cát.
Với thời tiết khắc nghiệt ở Trường Sa, nền cát trên đảo đá Sinh Tồn hầu như không trồng được các loại cây ăn quả, rau xanh mà chỉ có một số loài cây nước lợ như mù u, phong ba, phi lao, muống biển, bàng vuông, cỏ dại. Trên đảo không có nước ngọt, toàn bộ nước dùng cho sinh hoạt đều phải lấy từ nước mưa.
Trẻ em trên đảo Sinh Tồn. Ảnh: Nguyên Khoa |
Mặc dù vậy, với ý chí tự lực, tự cường, vượt khó vươn lên, quân và dân trên đảo Sinh Tồn đã tích cực tăng gia sản xuất, tự bảo đảm được 100% rau xanh và một phần lớn thực phẩm. Từ đảo đá cằn cỗi năm xưa, với sự cần cù, chịu khó và sáng tạo của các thế hệ quân và dân, Sinh Tồn đã trở thành một vùng đất xanh tốt, đầy sức sống. Nhiều công trình dân sinh trên đảo đã được xây dựng như chùa, trạm khí tượng thủy văn, hệ thống điện gió, điện mặt trời… Khi màn đêm xuống, nhìn từ xa, Sinh Tồn lung linh ánh điện, như một thành phố tràn đầy sức sống giữa sóng nước Trường Sa.
Dọc theo con đường rợp màu xanh từ cột mốc chủ quyền thiêng liêng dẫn tới trụ sở UBND xã là những ngôi nhà kiên cố, xinh xắn treo cờ tổ quốc nằm san sát bên nhau, những giàn mướp đắng trĩu quả trước hiên nhà cùng ngôi chùa và bia ghi danh 64 liệt sĩ hy sinh trong trận hải chiến Gạc Ma ở gần khu dân cư lúc nào cũng nghi ngút khói hương.
Cạnh sân chùa tĩnh lặng là một khuôn viên trường học khang trang vừa được khánh thành theo chương trình “Vì học sinh Trường Sa thân yêu” của Quỹ học bổng Vừ A Dính. Là ngày nghỉ, các em học sinh được ở nhà, các thầy giáo trên đảo cũng dành thời gian rảnh rỗi sau giờ soạn bài để đi gặp gỡ những vị khách đến từ đất liền.
Thầy giáo trẻ Lô Anh Đức, quê gốc ở tỉnh Thanh Hóa, lớn lên ở Khánh Hòa, tâm sự: “Các em học sinh ở xã đảo Sinh Tồn rất ngoan và thông minh. Sau khi hoàn thành chương trình học tiểu học, các em rời đảo, vào đất liền học tiếp chương trình phổ thông và em nào cũng đạt học lực khá, giỏi”.
Ngôi nhà nhỏ của gia đình anh Nguyễn Minh Châu-chị Phan Thị Thương ngập tràn tiếng cười bởi cách đây đúng 1 tháng, chị Thương đã “mẹ tròn con vuông” trên đảo. “Vui lắm các anh ạ. Khi vợ mang bầu rồi chuyển dạ, em đã rất lo lắng nhưng được các bác sĩ quân y giúp đỡ, con em được sinh ra một cách an lành. Niềm vui này được nhân lên gấp bội khi gia đình em nhận được những lời chúc mừng từ đất liền, từ chính quyền xã và những người dân tốt bụng trên đảo cũng như các đoàn khách mỗi khi đến thăm”-anh Châu xúc động nói.
Chỉ huy đảo Sinh Tồn cho biết, ngoài nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu ở mức cao độ, xã đảo Sinh Tồn còn chăm lo đời sống cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Trên đảo có phòng đọc sách báo với hơn 3.000 đầu sách, 60 đầu báo, một tủ sách pháp luật. Nhà văn hóa đa năng cũng được xây dựng và hoàn thành, đưa vào sử dụng. Đặc biệt, cuối tháng 4 vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bưu điện Khánh Hòa khánh thành điểm bưu điện văn hóa xã Sinh Tồn với mục đích cung cấp các dịch vụ công ích cho người dân, cán bộ và chiến sĩ.
Chia tay xã đảo Sinh Tồn khi mặt trời đứng bóng, giữa cái nắng, cái gió ở Trường Sa, chúng tôi cảm thấy mát lòng trước hình ảnh những cô bé, cậu bé trong trang phục học trò nô đùa dưới những bóng cây bàng vuông cạnh mốc chủ quyền. Phía ngoài đảo, dãy bờ kè chắn sóng kiên cố như một cánh tay lực lưỡng ôm lấy những cối xay gió đang quay tít cùng lá cờ tổ quốc bay phần phật. Lại nhớ đến lời của Đại tá Phạm Văn Quang-Trưởng phòng Tuyên huấn, Cục Chính trị Hải Quân khi giải thích với chúng tôi về cái tên Sinh Tồn theo nghĩa hòn đảo do trời đất sinh ra, cha ông ta gìn giữ, bảo vệ và có sức sống trường tồn mãi mãi với thời gian…
Nguyên Khoa