(GLO)- Chủ quan vì người bán đất là người thân, họ hàng nên nhiều người không làm ngay các thủ tục cần thiết trong quá trình mua bán đất. Hệ quả là khi phát sinh tranh chấp, nhiều người phải đối mặt với nguy cơ mất nhà, mất đất.
Trong đơn gửi Báo Gia Lai, bà Nguyễn Thị Phấn (xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ) trình bày: Ngày 14-7-2011, con rể bà là Đoàn Thế Bắc có sang nhượng lại cho bà một lô đất. Vì tin tưởng con rể nên sau khi sang nhượng xong bà chưa làm thủ tục sang tên. Nay con rể bà làm ăn bị thua lỗ, phá sản và có vay tiền của bà Nguyễn Thị Đ. với lãi suất 4% từ năm 2010 đến 2014. Do không còn khả năng để trả nợ, con rể bà đã bị bà Nguyễn Thị Đ. kiện ra tòa. Vì con rể bị chủ nợ kiện ra tòa nên căn nhà bà xây dựng trên mảnh đất đã mua của con rể nhưng chưa sang tên bị niêm phong. Lúc này, bà Phấn mới biết mình đứng trước nguy cơ mất nhà, mất đất.
Ảnh minh họa |
Trao đổi về trường hợp trên, ông Trần Mạnh Thắng-Văn phòng Luật sư Tâm Đức (18 Vạn Kiếp, phường Thống Nhất, TP. Pleiku) cho biết: Theo quy định tại khoản 3 Điều 688 Bộ luật Dân sự về căn cứ xác lập quyền sử dụng đất thì “Quyền sử dụng đất của cá nhân, pháp nhân, hộ gia đình, chủ thể khác cũng được xác lập do được người khác chuyển quyền sử dụng đất phù hợp với quy định của Bộ luật này và pháp luật về đất đai”. Việc chuyển quyền sử dụng đất phải tuân thủ theo hình thức chuyển quyền sử dụng đất được quy định tại Điều 688 Bộ luật Dân sự. Theo đó, việc chuyển quyền sử dụng đất được thực hiện thông qua hợp đồng, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 688. Hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất phải được lập thành văn bản, có công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật. Việc thừa kế quyền sử dụng đất được thực hiện theo quy định tại các điều từ Điều 733 đến Điều 735 của Bộ luật này.
Như vậy, trường hợp của bà Phấn chuyển quyền sử dụng đất từ người con rể của bà nhưng không làm thủ tục chuyển nhượng là không đúng theo quy định của pháp luật về chuyển nhượng quyền sử dụng đất nên bà chưa có quyền sử dụng đất đối với mảnh đất trên theo quy định của pháp luật. Việc giao dịch trên được xử lý theo quy định tại Điều 137 Bộ luật Dân sự đối với hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường. Vì vậy, bà có thể yêu cầu con rể trả lại tiền hoặc khởi kiện vụ án dân sự theo quy định của pháp luật.
Trên thực tế, rất nhiều trường hợp mất tiền, mất đất vì thiếu hiểu biết pháp luật trong giao dịch mua bán bất động sản. Tích lũy được một số kinh nghiệm trong vấn đề mua bán đất, anh Lê Quang Hiền (phường Phù Đổng, TP. Pleiku) chia sẻ: Trước khi mua đất hay nhà ở, người mua nên liên hệ với Văn phòng Đăng ký Quyền sử dụng đất tại địa phương để xác minh nhà, đất đó ai là chủ, giấy tờ cấp năm nào, vị trí, diện tích ra sao, giá đất tại khu vực đó bao nhiêu và mảnh đất hay nhà đó có nằm trong khu quy hoạch dự án nào hay không… Đồng thời, nếu xác định mua đất hay nhà để ở lâu dài thì một việc làm cần thiết là tìm đến nơi có đất, nhà bán thăm hỏi người dân xung quanh để lấy thêm thông tin về người chủ, những sự việc diễn biến đã từng xảy ra tại đây… trước khi đưa ra quyết định. Ngoài ra, để tránh những rắc rối phát sinh không đáng có về sau, người bán và người mua cần tìm hiểu kỹ càng các thủ tục, quy định cần thiết trong giao dịch bất động sản để cuộc giao dịch diễn ra thành công.
Như Nguyện