(GLO)- Hiện nay, trên địa bàn huyện Mang Yang, tình trạng tảo hôn diễn ra khá phức tạp. Thiếu kiến thức về sức khỏe sinh sản cũng như về cuộc sống hôn nhân, song những trẻ vị thành niên phải tập tành làm người lớn. Nhìn những khuôn mặt nhàu nhĩ, già hơn so với tuổi thực của những cặp vợ chồng “trẻ con” mới thấy thật xót xa.
Vợ chồng “trẻ con”
Chúng tôi đến làng Groi (xã Ayun) khi mặt trời bắt đầu xuống núi. Khắp các con đường dốc dọc theo triền đồi, trẻ em bắt đầu kéo nhau tập trung ra sân bóng ngay đầu làng chơi đùa. Các bà, các chị cũng dắt con ra giọt nước cạnh đó để tắm rửa, giặt giũ. Cũng như những người mẹ khác trong làng, Khát (SN 1997) dẫn đứa con 5 tuổi ra giọt nước để tắm rửa. Học hết lớp 9, vì nhà không có điều kiện, Khát nghỉ học.
Mới 21 tuổi nhưng Khát đã là mẹ của đứa con 5 tuổi. Ảnh: P.L |
Năm 2012, khi chúng bạn cùng tuổi tiếp tục cắp sách đến trường thì Khát lấy chồng. Chồng Khát tên Khưu, là người cùng làng và lớn hơn Khát 8 tuổi. Năm 2013 thì Khát sinh con, đứa trẻ suốt mấy năm liền phải đợi mẹ đủ tuổi mới được làm giấy khai sinh. “Bây giờ, cả 2 vợ chồng mình trồng lúa để ăn, trồng thêm ít bời lời và đi làm thuê để có thêm thu nhập. Mình vẫn chưa ở riêng mà sống cùng với bố mẹ. Nhiều lúc nghĩ lại thấy mình khổ vì lập gia đình sớm quá. Nhưng mà bây giờ phải cố gắng thôi”-cô gái 21 tuổi tâm sự.
Trường hợp của Hnen (làng Tơ Rah, xã Đak Trôi) cũng tương tự. Vợ chồng Hnen quen nhau từ năm lớp 7, đến năm lớp 9 thì cùng nghỉ học và kết hôn. Hiện chồng của Hnen đang đi nghĩa vụ quân sự, Hnen và con nhỏ sống phụ thuộc vào gia đình nhà chồng. Hay như Thoen (15 tuổi, làng Bơ Chăk, xã Kon Chiêng) cùng Sing (17 tuổi) cũng vừa kết hôn với nhau. Ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới ấy, những cô gái, chàng trai này bỗng nhiên phải lao vào mưu sinh, kiếm cái ăn cái mặc, lo lắng cho gia đình, con cái với biết bao bỡ ngỡ, lạ lẫm và vụng về.
Nhiều năm qua, tình trạng tảo hôn ở một số vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Mang Yang vẫn gia tăng. Nếu như năm 2015, toàn huyện có 112 cặp tảo hôn, năm 2016 có 120 cặp thì năm 2017 có tới 164 cặp (chiếm 16,96% trong tổng số cặp đã kết hôn). Trong 164 cặp tảo hôn có 68 cặp cả vợ và chồng chưa đến tuổi kết hôn; 96 cặp chỉ có vợ hoặc chồng chưa đến tuổi kết hôn. Đáng nói hơn, tỷ lệ nữ giới tảo hôn nhiều gấp 1,6 lần so với nam giới (144/88). Tình trạng tảo hôn xuất hiện rải rác khắp 11 xã và thị trấn của huyện Mang Yang nhưng tập trung số lượng lớn ở xã Ayun (51 cặp), Kon Chiêng (18 cặp), Kon Thụp (17 cặp), Đak Trôi (15 cặp)… Đây là điều rất đáng lo ngại cho việc nâng cao chất lượng dân số, nâng cao đời sống cho người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Mang Yang.
Giải pháp đến từ ý thức
Ngăn chặn tình trạng tảo hôn là một bài toán khó mà chính quyền các cấp huyện Mang Yang vẫn đang loay hoay tìm lời giải. Ông Hà Văn Toàn-Trưởng phòng Dân tộc huyện Mang Yang, cho biết: “Mang Yang là huyện có nhiều thành phần dân tộc cùng sinh sống, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao (60,31% dân số toàn huyện). Họ chủ yếu sống bằng nghề nông, tập quán lạc hậu, các hủ tục vẫn còn tồn tại, trình độ dân trí còn hạn chế, chưa am hiểu pháp luật… nên làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dân số”. Một nguyên nhân khác cũng cần nhắc đến chính là sự lơi lỏng, không quan tâm đến đời sống tâm lý, tình cảm con em của một số gia đình. Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về hôn nhân, gia đình chưa thường xuyên, chưa hiệu quả.
Nhận thấy tình trạng tảo hôn trên địa bàn ngày càng có chiều hướng gia tăng, Ban Thường vụ Huyện ủy Mang Yang đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/HU về tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, ngăn ngừa, đẩy lùi nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Ông Hà Văn Toàn cho hay: “Huyện đặt chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025 cơ bản ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các trường hợp tảo hôn, tổ chức tảo hôn, kết hôn cận huyết thống phải được phát hiện và xử lý nghiêm minh theo hương ước, quy ước của thôn làng, tổ dân phố và theo quy định của pháp luật”. Theo đó, huyện phấn đấu trung bình mỗi năm sẽ giảm 10%-20% số người tảo hôn và 20%-30% số cặp kết hôn cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
“Để làm được điều đó, cần giải pháp đồng bộ từ công tác lãnh đạo của Đảng, của hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền, giáo dục, ngăn ngừa, kiểm tra, quản lý, kịp thời phát hiện các trường hợp vi phạm pháp luật liên quan đến tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Tuy nhiên, giải pháp thiết thực nhất phải đến từ việc nâng cao nhận thức cho người dân về tác hại, hậu quả của việc tảo hôn, hôn nhân cận huyết”-ông Hà Văn Toàn chia sẻ.
Phương Linh