Trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia dài 1.245 km, những ngày này, có hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng và các lực lượng làm nhiệm vụ ở 208 tổ chốt canh đường biên, không ngủ.
|
Bộ đội biên phòng cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Tây Ninh) canh giữ chốt “lỗ chó”. Ảnh: Ninh Quân |
Trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia dài 1.245 km đi qua 10 tỉnh từ Kon Tum đến Kiên Giang những ngày này, có hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng và các lực lượng làm nhiệm vụ ở 208 tổ chốt canh đường biên, không ngủ.
H.Mộc Hóa (Long An) có duy nhất Đồn biên phòng Bình Thạnh nằm chơ vơ giữa cánh đồng ở địa bàn ấp Sậy Găng của xã Bình Thạnh.
Chòi lá giữa cánh đồng
Do là xã mới được thành lập, diện vùng sâu vùng xa nên đi lại chỉ toàn đường đá, đất đỏ và toàn xã chỉ có 1 chợ cóc chỉ họp chớp nhoáng vài tiếng mỗi ngày.
“Muốn mua bán thực phẩm, mua sắm đồ dùng phải đi sang chợ Tân Hiệp của H.Thạnh Hóa cách đó 10 km”, thiếu tá Nguyễn Khắc Thụ, chính trị viên Đồn biên phòng Bình Thạnh, nói vậy và kể: Mùa trồng lúa và có nước thì toàn xã không có lối sang bên kia biên giới. Thời điểm này mùa khô, địa hình bằng phẳng thuận tiện, rất thuận lợi cho người dân “đi ngang về tắt”, nên đồn phải lập 4 chốt chặn phòng, chống dịch Covid-19 dọc đường biên dài 9,7 km với 11 mốc giới phụ trách, cực kỳ thiếu thốn vất vả.
Giai đoạn 1, quân đội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19. Bước vào giai đoạn 2 được dự đoán phức tạp, nguy hiểm hơn, đề nghị toàn quân thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch theo nguyên tắc “4 tại chỗ”. Đặc biệt, không để lây lan dịch bệnh trong quân đội, vì cán bộ, chiến sĩ có sức khỏe tốt mới thực hiện được nhiệm vụ phòng, chống dịch cho nhân dân. Bên cạnh đó, phải huấn luyện sẵn sàng chiến đấu. Tăng cường giúp dân chống hạn mặn ở đồng bằng sông Cửu Long và đẩy mạnh tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống bộ đội... Thượng tướng Trần Đơn, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng |
Do là vùng sâu vùng xa, lại đóng ở những chỗ hiểm yếu nên các chốt của Đồn biên phòng Bình Thạnh đều là những chòi lá do bộ đội tự dựng bằng lá dừa, lá thốt nốt. Mỗi chốt có khoảng 5 - 7 anh em, không đủ chỗ nằm phải mắc võng xung quanh để ngủ nghỉ. Ăn uống nấu nướng ngay tại chỗ, thực phẩm phụ thuộc vào những chiếc xe chở hàng rong của người bán lẻ dưới thị trấn chạy lên.
“Nước uống phải chở dưới đồn lên. Tắm giặt thì thay nhau chạy về đồn. Ngày nắng như đổ lửa, đêm lạnh cóng, rất dễ đổ bệnh”, thiếu tá Nguyễn Khắc Thụ âu lo và tâm tình: “Làm nhiệm vụ chống dịch nhưng giờ chỉ sợ bị lây dịch. Cả đồn mỗi người được phát 1 chiếc khẩu trang vải dùng nhiều lần. Bỏ tiền túi đi mua thì không đâu có, nên chiếc khẩu trang ấy, cứ mỗi buổi chiều là đỏ quạch bụi, phải giặt phơi qua đêm, hôm sau lấy cái đeo”.
|
Bộ đội Đồn biên phòng Bình Thạnh thường trực 24/24 làm nhiệm vụ phòng, chống dịch trên những chốt mới dựng tạm bợ. Ảnh: M.T.H |
Cũng trên tuyến biên giới Long An, Đồn biên phòng Bình Hiệp phụ trách đoạn biên giới dài 9,5 km (4 km đường bộ, còn lại là ven sông Rồ mới phân định tạm thời) có 6 chốt chặn với 32 cán bộ, chiến sĩ.
Đại úy Trần Thảo, đội trưởng tổng hợp của đồn, cho biết: Do có cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp nên cán bộ, chiến sĩ được phát mỗi người 2 chiếc khẩu trang vải dùng nhiều lần. Điều kiện ăn ở sinh hoạt, hiện có 3 chốt khó khăn nhất (Tư Băng, KT3, KT4) do nằm giữa cánh đồng, không nước sạch, không điện thắp sáng, ăn uống phải tự nấu nướng. Thậm chí, chỉ huy đồn còn vận động số anh em ít ỏi đang làm nhiệm vụ tại đồn dồn hết cục sạc dự phòng, đèn pin cho bộ đội đang làm nhiệm vụ chốt chặn, phòng chống dịch Covid-19 trên biên giới.
Những người canh... “lỗ chó”
Thiếu tá Lê Văn Đàm, Phó đồn trưởng Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Tây Ninh, nói với tôi: “Ở đây, chốt lỗ chó là vất vả nhất” khiến tôi tò mò đội nắng ra tận chốt dã chiến nằm cặp bên cánh gà cửa khẩu, chơ vơ chiếc lều bạt giữa cánh đồng không.
“Sao gọi là “lỗ chó”? Sao không chọn chỗ có bóng cây để dựng chốt?”. Thấy tôi gặng hỏi, thiếu tá Nguyễn Thanh Mơ chia sẻ: Gọi là chốt “lỗ chó” bởi nơi đây có 1 cái lỗ do các đối tượng buôn lậu manh động, cắt hàng rào thép của nhà máy điện năng lượng mặt trời để đi tắt qua biên giới, nhằm tránh sự kiểm soát của các cơ quan chức năng. Điểm này sát đường biên 20 m, cách thành phố Bavet (tỉnh Svay Rieng) của Campuchia chưa đầy 1.000 m, nên thời gian qua bọn buôn lậu, tội phạm và một số người Trung Quốc làm việc trong nhà máy điện năng lượng cũng như các công ty ở Bavet liên tục phá rào chui qua con đường này.
|
Bộ đội biên phòng Đồn Bình Hiệp (Long An) chốt chặn trên biên giới. Ảnh: M.T.H |
Cũng trên tuyến biên giới Long An, Đồn biên phòng Bình Hiệp phụ trách đoạn biên giới dài 9,5 km (4 km đường bộ, còn lại là ven sông Rồ mới phân định tạm thời) có 6 chốt chặn với 32 cán bộ, chiến sĩ. Đại úy Trần Thảo, đội trưởng tổng hợp của đồn, cho biết: Do có cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp nên cán bộ, chiến sĩ được phát mỗi người 2 chiếc khẩu trang vải dùng nhiều lần. Điều kiện ăn ở sinh hoạt, hiện có 3 chốt khó khăn nhất (Tư Băng, KT3, KT4) do nằm giữa cánh đồng, không nước sạch, không điện thắp sáng, ăn uống phải tự nấu nướng. Thậm chí, chỉ huy đồn còn vận động số anh em ít ỏi đang làm nhiệm vụ tại đồn dồn hết cục sạc dự phòng, đèn pin cho bộ đội đang làm nhiệm vụ chốt chặn, phòng chống dịch Covid-19 trên biên giới.
“Nhiều lần chúng tôi mang thép, mướn thợ hàn ra hàn lại nhưng vẫn bị chúng cắt, chúng tôi đào hố bên ngoài thì bọn chúng lấy ván bắc cầu vượt qua. Rút cục, anh em hằng ngày phải thay phiên nhau ra đây dựng chốt canh gác cả ngày lẫn đêm”, thiếu tá Mơ thở dài.
“Ngày thì nắng nóng như đổ lửa, ban đêm thì muỗi mồng bu đặc, nhưng anh em không hề ca thán rời bỏ vị trí”, thiếu tá Lê Văn Đàm cho biết vậy và cho hay: “Từ 23 giờ 59 phút ngày 20.3, phía Campuchia tạm ngưng hoạt động các cửa khẩu biên giới với Việt Nam, thì chúng tôi cho dựng thêm 2 bên khu vực cánh gà cửa khẩu Mộc Bài nhiều điểm chốt dã chiến như thế này nhằm ngăn chặn dòng người từ vùng dịch trở về mà không muốn chịu sự kiểm tra, kiểm soát y tế và cách ly theo quy định”.
Đêm ấy, ở chốt “lỗ chó”, chúng tôi đã chứng kiến cảnh Bộ đội đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Mộc Bài làm nhiệm vụ canh gác ban đêm. Khu vực biên giới tối đen, thoảng ánh sáng tờ mờ hắt lên từ nhà máy điện năng lượng của Campuchia, nhưng cả chốt bộ đội biên phòng và dân quân luôn hướng mắt ra đường biên. Hễ nghe có tiếng động, là bật đèn quét tìm vật thể. Dân quân Võ Nhật Nam kể: Ngày nắng, đêm lạnh cũng đỡ vất vả hơn mùa mưa. Hôm rồi có mấy cơn mưa trái mùa làm anh em không kịp che chắn, ướt hết. Mỗi đêm trực, Nam đều mua thêm bánh mì chia cho anh em trên chốt.
Cùng với nhiệm vụ tuần tra kiểm soát, ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép và phòng chống dịch, trong những ngày qua Bộ đội biên phòng Tây Ninh đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ vận chuyển trái phép khẩu trang y tế qua biên giới, thu giữ gần 70.000 chiếc, giao cơ quan thường trực phòng chống dịch Covid-19 của tỉnh xử lý.
Tiếp tế cho chốt biên phòng
Những ngày cuối tháng 3.2020, nắng nóng ở vùng biên giới Hà Tiên và Giang Thành (Kiên Giang) ngày càng gay gắt, đêm lại lạnh giá khiến những cán bộ, chiến sĩ đang dựng lều, cắm chốt dọc đường biên suốt 2 tháng qua như bị vắt hết sức lực.
Đến Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, chúng tôi ngồi xuồng máy tiếp tế thực phẩm, vật dụng thiết yếu cho bộ đội đang làm nhiệm vụ tại các trạm, chốt liên ngành dọc biên giới. Thiếu tá Lưu Đắc Nhanh, Đồn trưởng Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, cho biết: Cứ nơi nào có lối mòn, con lạch là đơn vị cùng địa phương bố trí chốt chặn không cho bà con, du khách tự ý qua lại biên giới. Mỗi chốt có từ 5 - 7 người thuộc các lực lượng biên phòng, công an, quân sự và được tạm trang bị một số vật dụng đủ kiểm soát thông thường.
“Vì quá nhiều các chốt, lại mới lập, nên khó nhớ chính xác. Chỉ nhớ đường đến, nắm được quân số biên chế, nhu cầu cần thiết phục vụ công tác của từng chốt”, thiếu tá Nhanh gấp gáp vậy và lo âu: “Do gấp rút thành lập, yêu cầu biên chế đủ duy trì hoạt động, lại đóng sâu trong các con lạch, đường mòn, nên hiện tại việc sinh hoạt, nơi ăn nghỉ, nhu yếu phẩm cần thiết còn thiếu nhiều. Đơn vị cũng đã hướng dẫn cho anh em bám dân, vừa tuyên truyền về dịch bệnh, vừa nhờ bà con hỗ trợ nơi nấu cơm, mượn chén đĩa, củi, võng... phục vụ sinh hoạt. Những nơi có nhà dân gần thì anh em nhờ vả được. Nơi là đồng trống thì ở trong lều, rất vất vả”.
“Ngay sau khi có chỉ đạo tạm dừng xuất, nhập cảnh đối với công dân các nước có vùng dịch và thực hiện cách ly y tế 14 ngày với tất cả cư dân qua lại biên giới, chúng tôi phải đan dày thêm các chốt. Trên thực tế, tuyến biên giới đất liền của tỉnh Kiên Giang là đồng bằng, rất dễ đi ngang, về tắt. Khi bị chặn lại đột ngột, bà con phản ứng mạnh, thậm chí có những lời lẽ không hay đối với người làm nhiệm vụ ở chốt”, trung tá Nguyễn Văn Toàn, chính trị viên Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, nói.
Theo Mai Thanh Hải - Ninh Quân - Tiến Vinh (Thanh Niên)