(GLO)- Theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ), dự kiến vốn đầu tư cho giai đoạn 2010-2020 khoảng 6.000 tỷ đồng (bình quân 600 tỷ đồng/năm), trong đó vốn đầu tư phát triển các công trình kết cấu hạ tầng chiếm khoảng 64%. Nguồn vốn đầu tư được chia thành 2 giai đoạn, từ năm 2011-2015 là 2.300 tỷ đồng (bình quân 460 tỷ đồng/năm) và từ năm 2016-2020 là 3.700 tỷ đồng (bình quân 740 tỷ đồng/năm).
Thế nhưng, quá trình triển khai thực hiện việc đầu tư xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu còn chậm, nguồn vốn đầu tư chưa đảm bảo tiến độ theo quy hoạch đã được phê duyệt. Tính lũy kế đến nay, tổng vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật tại Khu Kinh tế cửa khẩu chỉ mới đạt hơn 160 tỷ đồng, trong đó tại khu trung tâm khoảng 130 tỷ và tập trung đầu tư cho các công trình tại khu thương mại, kho dịch vụ như: nhà làm việc, bãi đậu xe, san lấp mặt bằng, đường giao thông, điện chiếu sáng công cộng, hệ thống thoát nước...
Ảnh: Nguyễn Giác |
Đối với Khu công nghiệp thuộc Khu kinh tế đã được quy hoạch 210 ha, hiện nay mới chỉ bố trí vốn để làm đường giao thông, rãnh thoát nước và mạng đường ống cấp nước khoảng 30 tỷ đồng. Chưa bố trí được vốn san lấp mặt bằng, hệ thống xử lý nước mưa, nước thải công nghiệp, bảo vệ môi trường cũng như các hạng mục công trình thiết yếu khác.
Do hạ tầng cơ sở chưa được đẩy mạnh đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc thu hút các nhà đầu tư vào Khu kinh tế cửa khẩu này nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế, tăng nhanh giá sản xuất. Đến nay, Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh đã thu hút được 84 doanh nghiệp trong nước đầu tư hoạt động, tập trung chủ yếu ở khu trung tâm là thị trấn Chư Ty và xã Ia Dom với tổng giá trị sản xuất đạt khoảng 1.300 tỷ đồng từ trước tới nay.
Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh bắt đầu khởi công xây dựng từ năm 2001 trên địa bàn các xã Ia Kla, Ia Pnôn, Ia Nan, Ia Dom và thị trấn Chư Ty (huyện Đức Cơ) với tổng diện tích tự nhiên gần 42.000 ha (chiếm 58,3% diện tích toàn huyện), dân số có khoảng 28.000 người (chiếm 50% dân số toàn huyện). |
Các doanh nghiệp đăng ký kinh doanh tập trung vào một số lĩnh vực: hàng nông sản, vật liệu xây dựng, đồ gỗ... trong đó có 2 doanh nghiệp lớn là Công ty TNHH một thành viên 72 và Công ty TNHH một thành viên 74 thuộc Tổng Công ty 15 chủ yếu trồng, khai thác và chế biến mủ cao su. Hiện nay đã có thêm 22 doanh nghiệp đang làm hồ sơ xin thuê đất để xây dựng văn phòng tại khu trung tâm với tổng dự kiến đầu tư khoảng 100 tỷ đồng với tổng diện tích quỹ đất 21.300 m2.
Riêng tình hình xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh đã có bước chuyển biến tích cực, nhất là từ khi được nâng cấp từ cửa khẩu quốc gia lên cửa khẩu quốc tế vào năm 2007 theo Quyết định 306/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong năm 2012, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 137,7 triệu USD tăng gấp 34 lần so với năm 2005 và trong 10 tháng năm 2013 đạt gần 100 triệu USD.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng, xăng dầu, phân bón, hàng tiêu dùng... còn các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là gỗ, mủ cao su, nông sản, dầu chai nước... Theo đó, thuế xuất nhập khẩu cũng tăng lên đáng kể, trong năm 2012 thu được 6,38 tỷ đồng tăng gấp 10 lần so với năm 2005 và trong 6 tháng đầu năm thu đến 5 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Ngọc Đính-Phó Trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, do khó khăn chung về tình hình phát triển kinh tế của cả nước nói chung và Gia Lai nói riêng nên mức độ đầu tư còn rất thấp, bình quân mỗi năm chỉ chừng vài ba chục tỷ đồng.
Hơn nữa, từ năm 2010 thực hiện Quyết định số 60/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì lại càng khó khăn hơn, đó là mức đầu tư của Trung ương vào các khu cửa khẩu quốc tế chiếm không quá 35%, trên cơ sở nguồn vốn đối ứng của ngân sách địa phương đảm bảo 65%. Ông Đính cũng cho biết: Tỉnh đang xem xét mức độ vốn đối ứng cụ thể của địa phương và sẽ xây dựng mức đầu tư vào
Khu kinh tế cửa khẩu phù hợp hơn trong những năm tới; cố gắng trong giai đoạn 2011-2015 sẽ có tổng mức đầu tư bình quân 100 tỷ đồng/năm và từ giai đoạn 2016-2020 sẽ tăng lên 240 tỷ đồng/năm.
Để phát huy hiệu quả Khu kinh tế cửa khẩu ngang tầm, vấn đề quan trọng hàng đầu vẫn là ưu tiên nguồn vốn đầu tư để hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, làm nền tảng thu hút các nhà nhà đầu tư trong và ngoài nước nhằm khai thác có hiệu quả về tiềm năng và lợi thế.
Văn Nguyên