Lớn mạnh cùng sự phát triển của địa phương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đến tháng 9-2011, Chi nhánh Ngân hàng TMCP Ngoại thương Gia Lai (Vietcombank Gia Lai) tròn 10 tuổi. Một thập niên có mặt trên thị trường tiền tệ Gia Lai và đóng góp của Chi nhánh (CN) có ý nghĩa rất quan trọng đến sự phát triển kinh tế-xã hội tỉnh nhà.

Thành lập trên cơ sở phát triển từ Phòng Giao dịch Pleiku thuộc VCB Quy Nhơn, nhân sự ban đầu của CN chỉ hơn 20 người, phải thuê một phần diện tích của CN Ngân hàng Nhà nước tỉnh làm nơi giao dịch, vốn huy động chỉ có 45 tỷ đồng, dư nợ 190 tỷ đồng, các chỉ tiêu nhiệm vụ quan trọng khác cũng rất nhỏ bé. Thế nhưng sau gần 10 năm hoạt động, đến cuối năm 2010, CN đã có bước phát triển vượt bậc: Cơ sở vật chất khang trang, hiện đại, trụ sở mới quy mô đang được hoàn thiện, phát triển 6 phòng giao dịch, huy động 1.181 tỷ đồng (gấp 26 lần lúc mới thành lập); dư nợ tín dụng 3.973 tỷ đồng (gấp 21 lần lúc mới thành lập).

Lớn mạnh cùng sự phát triển của địa phương ảnh 1
 
Hoạt động trong điều kiện cạnh tranh, tình hình kinh tế-xã hội có những diễn biến và khó khăn nhất định (huy động của các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu vốn vay, phần còn lại phải nhờ sự điều chuyển của Trung ương). Tuy nhiên bằng nhiều hình thức huy động sáng tạo, linh hoạt, vốn huy động VCB Gia Lai năm sau luôn cao hơn năm trước, bình quân 5 năm trở lại đây luôn có mức tăng trưởng 25-30%. Vốn huy động tại chỗ cùng với nguồn vốn của Trung ương đã góp phần quan trọng vào việc đáp ứng nhu cầu cung ứng vốn cho các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp thuộc các thành phần, hộ cá thể và cá nhân trong tỉnh mở rộng và phát triển sản xuất kinh doanh, dịch vụ, khai thác tiềm năng và lợi thế của địa phương, làm ra nhiều của cải cho xã hội chẳng những phục vụ nhu cầu tiêu dùng mà còn để xuất khẩu.


Vốn cho vay của CN tập trung cho các ngành hàng: Công nghiệp khai thác mỏ, công nghiệp chế biến sản xuất phân phối điện-nước, xây dựng, thương nghiệp, khách sạn-nhà hàng, vận tải, nông-lâm nghiệp... Trong đó, tỷ trọng cho vay lớn nhất là thương mại-dịch vụ chiếm 55,1%, tập trung: kinh doanh hàng nông sản như cà phê, mì lát, tiêu, bắp; cho vay kinh doanh phân bón, vật liệu xây dựng, xăng dầu, xe gắn máy và các hộ kinh doanh cá thể. Tỷ trọng cho vay lớn thứ hai là thủy điện với 31,2%, như các dự án thủy điện: Sê San 3A, Sê San 3, Đồng Nai 3, Đồng Nai 4, Đak Srông 2, 2A, Ayun thượng...

Công trình vừa hoàn thành.
Công trình vừa hoàn thành.
Tỷ trọng cho vay lớn tiếp theo tập trung cho công nghiệp chế biến: Gỗ, cao su, đá granit, tinh bột mì, cà phê, phân vi sinh, thức ăn gia súc... Hiện CN đang thực hiện giải ngân đối với các dự án công trình thủy điện trọng điểm như đã cam kết. Đi đôi với tăng trưởng, CN luôn quan tâm đầy đủ đến công tác quản trị điều hành, nâng cao chất lượng tín dụng, quản lý rủi ro. Chất lượng tín dụng của CN đã được cải thiện và duy trì ở mức 1,26%/tổng dư nợ. Công tác quản lý, xử lý thu hồi nợ được triển khai tích cực.


Là ngân hàng hoạt động đa năng, hướng đến cung cấp cho khách hàng các dịch vụ và tiện ích tốt nhất nên hoạt động thanh toán quốc tế, kinh doanh dịch vụ luôn được CN đặc biệt quan tâm. Đến cuối năm 2010, doanh số thanh toán xuất nhập khẩu của CN đạt xấp xỉ 40 triệu USD, doanh số thanh toán nhập khẩu 19,4 triệu USD tập trung vào các khách hàng: Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Công ty cổ phần Xây lắp Điện Đak Srông, Ban Quản lý dự án Thủy điện 4, Chi nhánh Công ty tổng hợp II... Trong năm 2010, thu ròng từ kinh doanh ngoại tệ của CN đạt hơn 2 tỷ đồng, tăng 40% so với năm 2009.

Kinh doanh  thẻ là một trong những thành công nổi bật của CN với các chỉ tiêu: Thanh toán, phát hành... Tổng số thẻ ghi nợ nội địa phát hành đạt 8.983 thẻ, thẻ ghi nợ quốc tế 505 thẻ, 224 thẻ tín dụng. Cùng với phát hành thẻ, CN cũng liên tục trang bị máy ATM với số máy hiện có là 18 máy, đáp ứng nhu cầu rút, chuyển tiền và các nhu cầu khác của người sử dụng.

Lớn mạnh cùng sự phát triển của địa phương ảnh 3
 
Chẳng những hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực kinh doanh tiền tệ, VCB Gia Lai còn tham gia tích cực và được đánh giá cao đối với công tác an sinh xã hội, nhân đạo từ thiện, tham gia hưởng ứng các phong trào của địa phương, đóng góp quỹ vì người nghèo, đền ơn đáp nghĩa, khuyến học..., trao học bổng tặng quà cho học sinh nghèo, tặng nhà cho người nghèo, các đối tượng chính sách... Nổi bật trong năm 2010 là chương trình “Nghĩa tình Trường Sơn”, CN đã trao 50 căn nhà tình nghĩa, trị giá 30 triệu đồng/căn và 100 suất học bổng trị giá 2 triệu đồng/suất cho con em cựu chiến binh, đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn ở Chư Prông, Ia Grai và Đức Cơ. Hoạt động này của VCB được các ngành, các cấp của tỉnh và dư luận đánh giá cao, đóng góp một phần không nhỏ cho công tác an sinh xã hội tỉnh nhà.


“Chuẩn bị bước vào quý II-2011 song khó khăn thách thức do tình hình kinh tế thế giới tác động đến đất nước, địa phương làm cho VCB Gia Lai cũng không khỏi bị ảnh hưởng”-ông Nguyễn Đức Phương-Giám đốc VCB Gia Lai nhận định. “Với sự chủ động đề ra kế hoạch và biện pháp thực hiện có tính khả thi cao, CB, CNV CN đang nỗ lực phấn đấu ra sức thực hiện thắng lợi chỉ tiêu nhiệm vụ được giao. Trước mắt là thực hiện đầy đủ, nghiêm túc Nghị quyết 11 của Chính phủ về các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội; cùng với sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, UBND tỉnh. Đạt được mục tiêu đề ra chính là thành tích trọn vẹn nhất, thiết thực nhất VCB Gia Lai kỷ niệm 10 năm ngày ra đời”-ông Phương tin tưởng.

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.