UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ra tối hậu thư với những dự án dùng vốn ngoài ngân sách chậm tiến độ. Theo thống kê ban đầu, tỉnh này có đến 111 dự án chậm tiến độ hoặc không triển khai…
Trước thực trạng này, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra, rà soát. Quan điểm chỉ đạo rất dứt khoát là phân loại những dự án quá kém phải thu hồi, xử phạt; những dự án vướng mắc về thủ tục, khó khăn khách quan thì nhanh chóng khắc phục.
Đúng là khó có thể du di được nữa đối với các nhà đầu tư chây ì, "tay không bắt giặc". Trong cuộc họp HĐND tỉnh Khánh Hòa vừa qua, lãnh đạo tỉnh này thông báo cho thu hồi dự án Công viên Phù Đổng và khu Ana Mandara che chắn bãi biển với tổng diện tích hơn 22.000 m2. Nếu chủ đầu tư không tự nguyện giao, cơ quan chức năng sẽ cưỡng chế. Vụ việc này cho thấy quan điểm quyết liệt của lãnh đạo địa phương và đây là thái độ cần có để lập lại trật tự trong công tác đầu tư tại Khánh Hòa. Trong thời gian này, tỉnh Thanh Hóa cũng kiểm tra hơn trăm dự án chậm tiến độ và quyết định thu hồi 21 dự án với tổng diện tích hơn 90 ha.
Nhiều địa phương khác cũng lâm vào tình cảnh tương tự, nhận đất xong thì doanh nghiệp dựng rào bao chiếm và dây dưa không triển khai. Nó là hậu quả của một giai đoạn phát triển kinh tế thiếu quy hoạch, nôn nóng kêu gọi đầu tư nhưng không thẩm định được năng lực nhà đầu tư. Đây là kẽ hở để những doanh nghiệp cơ hội "xí phần" dự án mà phần lớn là để sang nhượng kiếm lãi. Mặt khác, không ít cơ quan chức năng địa phương không chuẩn bị đủ các điều kiện về pháp lý, thủ tục để dự án có thể được triển khai thuận lợi nhằm mang lại nguồn thu tốt cho địa phương. Điều này dẫn đến xung đột giữa người dân và chủ đầu tư khiến dự án đành phải "đắp chiếu". Cũng không loại trừ có dự án được ưu ái bất thường, giao đất trái pháp luật mà vừa qua cơ quan chức năng đã khởi tố rất nhiều cán bộ ở một số địa phương.
Đất đai là nguồn tài nguyên vô cùng quan trọng của quốc gia nên phải được sử dụng để mang lại lợi ích cao nhất cho người dân. Tình trạng "xí phần" dự án rồi thu lợi cá nhân là không thể chấp nhận. Đặc biệt những dự án này thường nằm ở vị trí đắc địa, có ưu thế lớn để đầu tư sinh lợi. Chính phủ trong nhiều năm qua đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương kiên quyết lập lại kỷ cương trong đầu tư, quy hoạch, triển khai dự án để tránh tình trạng thất thoát đất đai. Phải thu hồi nhanh chóng những dự án chây ì, mạnh tay gạt bỏ những chủ đầu tư yếu kém làm chậm tiến độ phát triển kinh tế tại các địa phương.
Đất đai là nguồn lực có hạn nên phải được ưu tiên cho các nhà đầu tư có thực lực và tâm huyết, dự án sinh lợi cao mang lại những giá trị hữu ích cho người dân. Nhiều địa phương đã làm rất tốt khi cấp đất cho doanh nghiệp kinh doanh, mỗi năm đóng góp lớn cho ngân sách. Nhiều doanh nghiệp khác trở thành đầu tàu cho ngành công nghệ thông tin, khởi động các chương trình nông nghiệp bền vững, tạo việc làm cho nông thôn… Những dự án như thế này cần phải được ưu tiên nhưng điều kiện cần là phải loại bỏ những dự án kém cỏi để có được nguồn đất sạch làm điều kiện mời gọi.
Theo HỒ PHI (NLĐO)