(GLO)- Tính đến đầu năm 2013, trên địa bàn tỉnh có gần 140 hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện các loại. Qua kiểm tra, đánh giá về an toàn hồ chứa, một số hạn chế dễ nhận thấy là sự bị động, lúng túng trong công tác quản lý cũng như sự lơ là, chủ quan, chưa nghiêm túc trong thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập như một số chủ dự án chưa thực hiện kiểm định đập và kiểm tra tính toán lại dòng chảy lũ, khả năng xả lũ, chưa cắm mốc giới xác định phạm vi vùng phụ cận bảo vệ đập, chưa xây dựng phương án bảo vệ đập, chưa lập phương án phòng-chống lũ lụt vùng hạ du.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng phức tạp, cộng với sự xuống cấp theo thời gian tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến mất an toàn hồ chứa. Bởi vậy, để tăng cường công tác quản lý nhà nước, khắc phục những tồn tại trong công tác quản lý an toàn đập, có rất nhiều việc cần phải làm, nhất là khắc phục những “lỗ hổng” trong chỉ đạo, quản lý.
Ảnh: K.N.B |
Theo Nghị định 209/2004/NĐ-CP về quản lý chất lượng công trình xây dựng, Nghị định 12/2009/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình quy định: Chủ đầu tư tự quyết định hình thức, nội dung quản lý dự án và có nhiệm vụ tổ chức quản lý toàn diện chất lượng công trình xây dựng, cơ quan quản lý nhà nước chỉ cho ý kiến về thiết kế cơ sở. Do vậy, các công trình thủy điện được xây dựng trong giai đoạn này, nhất là các công trình thủy điện nhỏ do tư nhân đầu tư thiếu sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước. Do đó, các công trình tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn trong quá trình vận hành, khai thác.
Về nghiệm thu đập, tại khoản 2 Điều 8 của Nghị định 72/2007/NĐ-CP quy định: Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quyết định việc nghiệm thu để đưa vào khai thác, sử dụng đập, ngoại trừ đập do Hội đồng nghiệm thu Nhà nước thực hiện nghiệm thu sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Tuy nhiên, tại khoản 2, Điều 3 của Thông tư 34/2010/TT-BCT của Bộ Công thương lại quy định: Việc nghiệm thu đưa vào khai thác, sử dụng đập do chủ đầu tư quyết định, trừ đập do Hội đồng nghiệm thu Nhà nước thực hiện. Như vậy, việc nghiệm thu đưa vào khai thác, sử dụng đập còn khó khăn, nhất là các công trình do các chủ đầu tư tư nhân, doanh nghiệp bỏ vốn xây dựng nên việc quản lý chất lượng công trình không sát sao, cơ quan nhà nước quản lý chuyên ngành không kiểm soát được.
Đối với công tác kiểm định an toàn đập, theo quy định thì các chủ đầu tư đập chịu trách nhiệm chi trả kinh phí kiểm định đập. Rõ ràng, đối với các hồ chứa thủy điện việc này dễ dàng thực hiện do có kinh phí, còn chủ đầu tư đập các hồ chứa thủy lợi là công ty TNHH một thành viên 100% vốn Nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công, hầu hết không cân đối được kinh phí để thực hiện kiểm định an toàn đập, nhất là các chủ đầu tư đập thủy lợi nhỏ không đủ năng lực để thực hiện.
Mặt khác, cũng có quy định: Kết quả kiểm định phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xem xét, phê duyệt. Thực tế, trong quá trình triển khai thực hiện, việc phê duyệt kết quả kiểm định đã gặp một số vướng mắc về phân cấp thẩm quyền phê duyệt: chưa có quy định loại đập nào tỉnh phê duyệt, loại đập nào Bộ phê duyệt, và trường hợp đập nằm trên địa bàn 2 tỉnh thì cơ quan nào phê duyệt kết quả kiểm định…
Chính đại diện lãnh đạo Bộ Công thương, trong chuyến làm việc của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại Gia Lai cũng thừa nhận, một số văn bản quy phạm pháp luật về quản lý an toàn hồ chứa hiện chưa được ban hành đầy đủ, một số văn bản đã ban hành một số nội dung chưa rõ ràng, chưa cụ thể, chưa phù hợp với thực tế và chưa phù hợp với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Như chưa quy định rõ đập bị hư hỏng thế nào là hư hỏng nặng; quy định cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm phê duyệt kết quả kiểm định đập và quy định năng lực cơ quan kiểm định đập là không phù hợp với quy định của pháp luật về xây dựng và thực tế; một số quy định không phù hợp với hồ chứa có dung tích nhỏ hoặc rất nhỏ.
Nhanh chóng “lấp” những “lỗ hổng” nhằm đảm bảo an toàn hồ chứa là điều vô cùng cần thiết. Điều đó đòi hỏi sự đồng bộ, thống nhất và chặt chẽ từ các văn bản chỉ đạo.
Hà Duy