Lan tỏa phong trào phụ nữ khởi nghiệp ở Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau 3 năm triển khai Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) các cấp trong tỉnh Gia Lai đã giúp hàng trăm hội viên hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh. Phong trào khởi nghiệp đã lan tỏa mạnh mẽ, giúp chị em tự tin bước chân vào “thương trường”.
Hướng đến nền nông nghiệp xanh
Với mong muốn có trái dâu tây sạch, an toàn để phục vụ gia đình và cung cấp cho thị trường, chị Vũ Thị Quy (thôn Phú Mỹ, xã Ia Băng, huyện Chư Prông) đã triển khai mô hình trồng dâu tây sạch trong nhà bạt. Chị Quy cho biết: “Từ lâu, tôi đã ấp ủ dự định thực hiện mô hình trồng dâu tây sạch kết hợp phục vụ nhu cầu tham quan du lịch canh nông nên thử “liều một phen”. Tôi trồng dâu tây hữu cơ, không chỉ đưa sản phẩm sạch tới người tiêu dùng mà người lao động cũng có được môi trường an toàn trong quá trình sản xuất”.
Chị Vũ Thị Quy được Hội nữ Doanh nhân tỉnh hỗ trợ 50 triệu đồng. Ảnh: Nguyên Bình
Chị Vũ Thị Quy được Hội Nữ doanh nhân tỉnh hỗ trợ 50 triệu đồng. Ảnh: Nguyên Bình
Qua tìm hiểu các mô hình thành công, chị Quy thấy cây dâu tây khá phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu Gia Lai. Từ giữa năm 2018, chị bắt đầu nhân giống và mua thêm giống dâu tây New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Bạch Tuyết, Hà Lan... để làm phong phú sản phẩm lẫn sự trải nghiệm của du khách khi đến tham quan, thưởng thức sản phẩm tại vườn. Hiện vườn dâu của chị rộng 600 m2, tương đương với 5.000 chậu, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ và các chế phẩm sinh học khác.
“Mọi người đến tìm hiểu, trải nghiệm cảm giác tự thu hái, thưởng thức ngay tại vườn. Nhiều người không chỉ đến một lần mà nhiều lần, đưa theo con cái đến tìm hiểu về nông nghiệp xanh. Trái dâu thu hoạch đến đâu bán hết đến đó, không gặp khó khăn gì về đầu ra”-chị Quy cho biết.
Bên cạnh đó, mô hình của chị Quy còn tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho chị em phụ nữ tại địa phương. Dự án khởi nghiệp của chị đã được Hội Nữ doanh nhân tỉnh hỗ trợ 50 triệu đồng.
Chị chia sẻ: “Tôi sẽ dùng số tiền hỗ trợ để đầu tư mở rộng mô hình, đặc biệt là hướng đến đối tượng trẻ em. Đây sẽ là mô hình giúp trẻ tìm thấy sự yêu thích với thiên nhiên, tìm hiểu về nông nghiệp, nuôi dưỡng tình yêu với đất đai, cây cỏ”. Theo chị Quy, sự hỗ trợ này còn truyền cảm hứng, động lực để hội viên, phụ nữ mạnh dạn đề xuất các ý tưởng khởi nghiệp thực tiễn, có khả năng đưa vào thực tế đời sống.
Đẩy mạnh hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp
Bà Rơ Chăm H’Hồng-Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh-thông tin: “Thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” giai đoạn 2017-2025, các cấp Hội trong tỉnh đã có nhiều hình thức hỗ trợ phong phú, là chỗ dựa tin cậy cho chị em phụ nữ khởi nghiệp. Đặc biệt, những ý tưởng sáng tạo, có tính ứng dụng cao trong lĩnh vực nông nghiệp sạch, thực phẩm an toàn, nghề truyền thống đã được hỗ trợ, tuyên truyền nhân rộng”.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 333/483 ý tưởng khởi nghiệp của phụ nữ được hỗ trợ vốn với tổng kinh phí là 16 tỷ đồng. Năm 2020, Gia Lai có 2 ý tưởng được Hội LHPN Việt Nam lựa chọn vào vòng thi khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Những hội viên, phụ nữ khởi nghiệp tiêu biểu như chị Đỗ Thị Mỹ Thơm (huyện Mang Yang), chị Nguyễn Thị Thuận (TP. Pleiku), chị Nguyễn Thị My Sa (huyện Chư Păh), chị Trần Thị Tầm (huyện Kông Chro)… Các chị điển hình cho tinh thần khởi nghiệp, sức sáng tạo của chị em phụ nữ toàn tỉnh. Các sản phẩm khởi nghiệp của chị em được tiêu thụ rộng rãi trong nước và vươn ra thị trường quốc tế.
Ngày hội “Kết nối- giao lưu sản phẩm khởi nghiệp” giúp hội viên, phụ nữ quảng bá, mở rộng thị trường. Ảnh: Nguyên Bình
Ngày hội “Kết nối-giao lưu sản phẩm khởi nghiệp” giúp hội viên, phụ nữ quảng bá, mở rộng thị trường. Ảnh: Nguyên Bình
Hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp cũng nhận được sự quan tâm của chính quyền các địa phương. Mới đây, huyện Chư Prông phối hợp với Hội LHPN tỉnh tổ chức ngày hội “Kết nối-giao lưu sản phẩm khởi nghiệp” với sự tham gia của các sản phẩm khởi nghiệp tiêu biểu của chị em trên lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nghề truyền thống và các mặt hàng nông sản tiêu biểu của huyện vùng biên Chư Prông. Ông Vũ Đình Hạnh-Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện-cho biết: Cấp ủy, chính quyền rất quan tâm đến chương trình khởi nghiệp. Hàng năm, huyện tổ chức các hội chợ kết nối giao lưu sản phẩm khởi nghiệp để thu hút sự tham gia của người dân nói chung, phụ nữ nói riêng.
“Phong trào khởi nghiệp ngày càng lan tỏa mạnh mẽ, thể hiện vai trò rất lớn của hội viên, phụ nữ với các dự án sáng tạo, thực tiễn, đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội. Ngày hội “Kết nối-giao lưu sản phẩm khởi nghiệp” là cơ hội để người tiêu dùng tìm hiểu, tiếp cận các sản phẩm nông nghiệp có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, có chứng nhận an toàn, hình thành thói quen tiêu dùng an toàn, tiêu thụ các sản phẩm do hội viên, phụ nữ làm ra. Hoạt động này mở ra cơ hội hợp tác, mở rộng thị trường cho các sản phẩm khởi nghiệp của huyện nói riêng và toàn tỉnh nói chung”-Chủ tịch UBND huyện Chư Prông nói.
NGUYÊN BÌNH

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Chủ nhân tuổi 19 của loạt phim hoạt hình triệu view

Chủ nhân tuổi 19 của loạt phim hoạt hình triệu view

Lê Văn Vũ (19 tuổi) là người đứng sau loạt phim hoạt hình triệu view, như Chàng trai bất tử (11,2 triệu lượt xem), Yêu em trong mơ (1,8 triệu lượt xem), series Tây Du Ký gen Z (7,6 triệu lượt xem)... Nhờ công việc này, Vũ đã có thêm thu nhập ổn định từ khi còn là học sinh.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Người đưa hương rượu cần truyền thống bay xa

Người đưa hương rượu cần truyền thống bay xa

(GLO)- Sau 3 năm gắn bó với nghề, chị Nay Ly Cơ (tổ 4, phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã thành công với việc làm rượu cần truyền thống của người Jrai. Không những vậy, chị còn tích cực quảng bá để hương rượu cần có cơ hội được bay xa.

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Đam mê làm nông nghiệp, hướng đến những sản phẩm sạch, anh Nguyễn Mạnh Tường đã đầu tư phát triển mô hình liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ rau, củ, quả. Mô hình này vừa đạt giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn tỉnh Hà Tĩnh năm 2024, do Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tổ chức.