(GLO)- Cho tới khi chưa kết thân với các anh bạn học xứ sông Tiền thì miền đất cổ Mỹ Tho với tôi vẫn còn khá xa lạ. Cách TP. Hồ Chí Minh chừng trăm cây số và vài năm lại đây cũng vài ba lần xẹt qua khi trên đường đến miền Tây, nhưng với những lý do chính đáng nên tôi không thể ghé. Lần này sự quyết tâm đã được thực hiện…
Từ trung tâm TP. Hồ Chí Minh, lòng vòng mấy bận, anh tài xế đã bảo là Đại lộ Đông-Tây đấy anh ạ. Con đường vành đai này vô cùng đẹp, rộng thoáng với nhiều làn xe xuôi ngược mà trật tự, dày đặc cây xanh, thảm cỏ, thỉnh thoảng có mấy bóng dáng áo xanh công nhân đang chăm chút cho những khuôn hoa và cây lá trong chiều nắng đã nhạt với những chùm đèn đường vàng đã bắt đầu tỏa sáng. Chưa kịp hình dung, so sánh với những gì qua lời kể và báo chí nói với cái mà mình đang chứng kiến về đại lộ này-Đại lộ mang tên cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt thì bác tài đã lại thông báo rằng “Anh, đường dẫn vào đường cao tốc đi miền Tây rồi đấy”.
Ảnh: Bích Hà |
Một giờ xe chạy với đúng nghĩa “cao tốc”, Mỹ Tho đã hiện ra trong một khung cảnh là lạ. So với mấy năm trước, giờ có vẻ tấp nập người xe, đèn đường có vẻ sáng hơn, cây xanh và vỉa hè có vẻ như được chăm chút hơn. Qua điện thoại từ Tổng Biên tập Báo Ấp Bắc Nguyễn Hữu Đức, anh Phan Văn Hà bảo rất vui khi biết tôi đến thăm mọi người ở đây, trong đó có anh, tuy nhiên trong bữa cơm chiều anh bắt tôi nhận một lời hứa, thì nhận ngay thôi khó gì. Là chuyện anh có “lệnh” hôm sau đi kiểm tra sức khỏe định kỳ nên cuộc vui sẽ mất đi một nửa.
Tôi hiểu anh nói gì-tức là anh không thể “100%” được với tôi. Nói là vậy, chứ cuộc vui nào có giảm, bao câu chuyện xa xưa cứ tràn về. Đôi khi lắng xuống sau một hồi… cao trào. Có sáu người trong bàn thì đã có bốn là cựu học viên hai khóa liền kề ngoài một học viện ở Hà Nội cách đây đã hơn hai mươi năm về trước. “Mà thôi”, là tôi lái câu chuyện về hướng khác bằng từ cụt ngủn ấy.
Trước đây, anh là Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu-ngôi trường cấp ba đầu tiên ở miền Tây. Anh Hà tuy đang học ở xa, nhưng trong vòng hai năm, cứ đến ngày 17-3 là “tổ chức” lễ kỷ niệm ngày thành lập trường mình.
Ảnh: Bích Hà |
Cũng ngày ấy, những người đến từ Gia Lai và Kon Tum cũng vui mừng “tổ chức” lễ kỷ niệm ngày quê nhà được giải phóng. Có điều xuất phát của hai sự kiện ấy cách nhau những gần trăm năm-1879/1975. Những chuyện trong “học hành” như thế chỉ với hai năm mà dần dà gắn kết chúng tôi lại như những người anh em ruột thịt, cho dù chúng tôi kẻ miền cao người sông nước.
…Dòng sông Tiền lững lờ mang theo những đám lục bình với những hình thù như những bức tranh ai vẽ vội dành cho những người có đầu óc tưởng tượng phong phú nghĩ ra. Xa phía thượng nguồn những con thuyền như kẻ thèm ngủ dập dềnh chao chao theo những con sóng nhỏ vào buổi sáng tinh mơ, mờ trong sương bên kia bờ những thảm dừa ẩn hiện, phong cảnh kỳ diệu này làm tôi cứ mải miết theo về những câu chuyện ngày tổ tiên đi mở cõi. Nhìn về phía bên kia dòng sông Tiền, anh Hà bảo là Bến Tre đấy. Ngày chưa có cây cầu, bến phà Rạch Miễu… tấp nập lắm. Giờ thì trong mờ sương sớm, cây cầu cong vút, vạch một đường viền cheo leo nối hai tỉnh, gần như một dấu mốc kết thúc bao câu chuyện đời, chuyện người của đôi bờ bến phà xưa…
Năm tôi đến lần đầu với Mỹ Tho, gần như choáng ngợp trong những rừng cây cổ thụ ngay trong cả khuôn viên của trụ sở các cơ quan của tỉnh; nhớ về xứ mình được mệnh danh là Phố núi nhưng nào cây cối được như đây. Câu hỏi vẩn vơ với chủ nhà của tôi về xứ này trở nên… vớ vẩn; ngày người Pháp khi đặt chân đến đây, họ đã nghĩ ngay đến chuyện Mỹ Tho sẽ thành một đô thị kiểu mẫu với đầy đủ các điều kiện về thiên thời địa lợi nhân hòa. Chắc đơn giản là thế, khác các nhà quy hoạch thời nay, khi đặt bút trên bàn vẽ khoanh lại trên bản đồ địa lý, trong họ sẽ nghĩ ngay đến kết quả là… tiền, có lẽ vậy? Nên cứ quy hoạch rồi, đa số không “treo” thì cũng bỏ, cũng sinh trăm chuyện rối như tơ vò, còn dân thì mất đất, còn người giàu thì giàu thêm.
Dọc bên bờ dòng sông yên bình trong đêm, những con đò nhỏ đợi khách cứ dập dềnh bên mép nước chờ đợi khách thập phương muốn đắm mình khám phá. Dạo bộ một vài đoạn theo các con đường bên sông và công viên Lạc Hồng, gần như không còn một chiếc ghế đá nào dành cho chúng tôi cho dù khi đó đã gần hai mốt giờ, thế là mồ hôi đã đẫm, ngước nhìn bảng quảng cáo bên đường, thì ra đấy là một khách sạn, thấy có dòng chữ viết trên bảng điện tử rằng “karaoke/massage…”. Ghé lại, cái yên bình, tĩnh lặng làm tôi nghi ngờ về dòng quảng cáo phía bên ngoài. Thực tế không phải vậy, một anh chàng bảnh trai mặc đồng phục “bảo vệ”, hỏi các chú cần gì. Có lẽ đoán được ý định của chúng tôi, anh thanh niên này gọi với vào trong, một nữ nhân viên trong chiếc áo bà ba màu sáng bước ra… “Các anh đợi chúng em một lúc”, nói xong cô gái hướng dẫn chúng tôi “Trong thời gian đợi, có thể các anh quá bộ một vòng dọc bờ sông ngoài kia cho mát, chừng mươi mười lăm phút quay lại là vừa”.
Nhớ hồi năm đến thăm anh Hà khi đó còn là Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ở đây có một cái chỉ thị của cấp ủy nghe ra rất lạ mà nó lại được điều chỉnh như một văn bản pháp quy, hình như là Chỉ thị 12 là phải. Trong bữa nhậu lai rai ở một nhà hàng máy lạnh bên bờ sông này, nhìn cách lịch lãm trong những chiếc áo bà ba và ân tình chu đáo trong công việc lại có vẻ quê quê của các cô tiếp viên, một người bạn tôi có ý không-bình-thường một chút với một “bà ba”, liền nhận một cái nguýt dài về phía chủ nhà. Cũng không hiểu bây giờ cái chỉ thị ấy có còn hiệu lực, nhưng mà vẫn vậy, cái bình yên thanh lịch lẽ ra không đúng chỗ cho những nơi này mà nó vẫn bình yên thanh lịch đúng nghĩa.
Mỹ Tho được hình thành từ đầu những năm 70 của thế kỷ XVII, nó nhanh chóng trở thành một trong hai đô thị thời sơ khai với sự mua bán giao thương khá thuận lợi và phát triển thuộc vùng đồng bằng Nam bộ. Thăng trầm qua bao năm tháng, cho đến bây giờ nó trở thành một điểm đến lý tưởng của những ai muốn hiểu biết thêm về miền sông nước phía Tây của Tổ quốc.
Với diện tích chừng tám mươi cây số vuông, dân số trên hai trăm ngàn người, là thành phố loại hai, tỉnh lỵ của Tiền Giang. Với sự hình thành khá lâu đời, Mỹ Tho đem lại cho khách thập phương nhiều điều lý thú khi ghé thăm những nơi mà có thể nói không thể không đến, như chùa Vĩnh Tràng, trại rắn Đồng Tâm, cù lao Thới Sơn, Bảo tàng tổng hợp Tiền Giang… Nằm ngay “giữa đường” của hai đô thị lớn vào bậc nhất phía Nam-TP. Hồ Chí Minh và Cần Thơ, Mỹ Tho như một điểm nhấn của những chuyến về lại miệt vườn và vùng sông nước hữu tình, với những cồn, những rạch, những sông hợp thành vùng đất tứ linh yêu lắm với những… áo bà ba và bài ca giao duyên tân cổ buông xuống xa xăm dập dềnh theo con sóng lăn tăn chạy dài tít tắp vào những đêm vằng vặc trăng treo.
Chia tay Mỹ Tho vào một sáng hạ tuần tháng mười này, phố phường, sông nước, đặc biệt là bạn bè, những người bạn chí tình thân thiết đã để lại cho chúng tôi bao điều không thể nói hết, nó chỉ như một lát cắt mà tôi bảo chỉ là “một khúc sông Tiền”. Và, một lời hẹn để ngày trở lại!
Bích Hà