Làm rõ vụ phá rừng giáp ranh Chư Pah và Đak Đoa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mặc dù lực lượng chức năng huyện Chư Pah và Đak Đoa đã ký kết quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ rừng nhưng khu vực rừng giáp ranh giữa 2 địa phương này vẫn bị lâm tặc tàn phá.

Đầu tháng 12 này, một vụ phá rừng nghiêm trọng đã xảy ra tại vùng giáp ranh giữa xã Đak Tơ Ve (huyện Chư Pah) và xã Đak Rong (huyện Đak Đoa). Theo đó, vào ngày 7-12, trong quá trình tuần tra kiểm soát tại tiểu khu 208 thuộc lâm phần của Ban Quản lý dự án 611 Tây Bắc Đak Đoa (giáp ranh giữa huyện Chư Pah và Đak Đoa), lực lượng chức năng đã phát hiện tại đây có 2 lóng gỗ bị khai thác trái phép do lâm tặc bỏ lại. Sau khi nhận được thông báo, ngày 17-12, đoàn kiểm tra liên ngành gồm: Hạt Kiểm lâm huyện Chư Pah và Đak Đoa, Đội Kiểm tra liên ngành số 1, Đội Kiểm lâm cơ động số 2 của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Ban Quản lý dự án 661 Tây Bắc Đak  Đoa cùng chính quyền địa phương đã tổ chức kiểm tra toàn bộ khu vực này. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện tại bãi đất trống khu vực phía Đông làng Ya (xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Pah) có 12 lóng gỗ tròn; tại lô 2, khoảnh 5, tiểu khu 250, thuộc lâm phần do UBND xã Chư Đăng Ya quản lý có 8 lóng gỗ tròn và tại lô 1, khoảnh 11, tiểu khu 208, thuộc lâm phần của Ban Quản lý dự án 661 Tây Bắc Đak Đoa có 4 lóng gỗ tròn. Tổng khối lượng 24 lóng gỗ tròn phát hiện tại 3 điểm trên là 20,671 m3 (gỗ từ nhóm V đến nhóm VI) với các chủng loại: giẻ, xăng mã, SP6, bứa.

 

Hiện trường vụ phá rừng. Ảnh: L.A
Hiện trường vụ phá rừng. Ảnh: L.A

Sau khi phát hiện số gỗ trên, lực lượng chức năng đã tiến hành khám nghiệm hiện trường để xác định vị trí, số lượng cây rừng bị khai thác trái phép. Theo đó, lực lượng chức năng xác định tại tiểu khu 208, thuộc lâm phần của Ban Quản lý dự án 661 Tây Bắc Đak Đoa nằm trên địa giới hành chính xã Đak Tơ Ve (huyện Chư Pah) có 10 gốc cây bị đốn hạ; tại tiểu khu 431 thuộc xã Đak Rong (huyện Đak Đoa) quản lý có 6 gốc cây bị đốn hạ. Tổng cộng có 16 cây bị đốn hạ, gốc có đường kính từ 35 cm đến 90 cm; chiều cao gốc từ 50 cm đến 1,2 m. Hiện trạng rừng có cây bị đốn hạ là rừng thường xanh trung bình, loại rừng sản xuất. Toàn bộ số gỗ tang vật đang được thu gom để bàn giao cho lực lượng chức năng tiếp tục điều tra, truy tìm các đối tượng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép nhằm xử lý theo quy định của pháp luật.

Về vụ việc trên, ngày 28-12, ông Nguyễn Ngọc Quang-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pah, cho biết: “Thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ rừng được Huyện ủy, UBND huyện đặc biệt quan tâm và chỉ đạo rất quyết liệt, đặc biệt là công tác quản lý, bảo vệ rừng ở các khu vực giáp ranh của huyện. Ngay sau khi nhận được báo cáo vụ việc, UBND huyện đã có văn bản yêu cầu chính quyền xã, chủ rừng, Hạt Kiểm lâm huyện kiểm điểm trách nhiệm. Hiện vụ việc đang trong quá trình điều tra. Sau khi có kết quả cụ thể, huyện sẽ có hình thức xử lý đối với các tập thể, cá nhân có liên quan theo quan điểm sai phạm đến đâu, xử lý đến đó”. Tương tự, UBND huyện Đak Đoa cũng đã yêu cầu tập thể, cá nhân liên quan kiểm điểm trách nhiệm vì để xảy ra vụ việc trên.

Đây không phải là lần đầu tiên khu vực rừng giáp ranh giữa 2 huyện Chư Pah và Đak Đoa bị tàn phá. Mặc dù những năm qua, chính quyền, các cơ quan chức năng của 2 huyện đã có nhiều văn bản ký kết phối hợp quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản vùng giáp ranh nhưng tình trạng này vẫn xảy ra. Theo lý giải của lực lượng quản lý, bảo vệ rừng và các chủ rừng thì các khu vực lâm tặc lợi dụng để khai thác gỗ trái phép nằm ở xa khu dân cư, địa hình hiểm trở, trong khi lực lượng quản lý, bảo vệ rừng mỏng. Bên cạnh đó, do là địa bàn giáp ranh nên việc quản lý đối tượng ra vào rừng gặp khó khăn. Trong nhiều vụ việc, chỉ cần thấy bóng lực lượng chức năng, lâm tặc đã lẩn trốn qua địa bàn khác nên rất khó kiểm tra, xử lý và phối hợp hỗ trợ kịp thời.

Thực trạng rừng vùng giáp ranh liên tục bị tàn phá trong những năm qua cho thấy sự phối hợp thiếu đồng bộ, quyết liệt giữa lực lượng chức năng của các địa phương. Bên cạnh đó, nhiều chủ rừng còn buông lỏng, thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng nên dẫn đến tình trạng trên.

Lê Anh

Có thể bạn quan tâm

"Nổ" là nhà báo để lừa đảo 550 triệuđồng

"Nổ" là nhà báo để lừa đảo 550 triệuđồng

(GLO)- Công an huyện Mang Yang (tỉnh Gia Lai) đang tạm giữ đối tượng Trương Quang Hưng (SN 1952; thường trú tại phường 8, TP. Cà Mau, tỉnh Cà Mau; hiện ở tại làng Đê Gơl, xã Đak Djrăng, huyện Mang Yang) để điều tra về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

1 cá nhân tự ý san ủi hơn 5 ha đất thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Chư Sê quản lý

1 cá nhân tự ý san ủi hơn 5 ha đất thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Chư Sê quản lý

(GLO)- Ngày 12-12, ông Đinh Mạnh Phong-Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Chư Sê cho biết: Ban đã có báo cáo gửi cơ quan chức năng về việc 1 cá nhân tự ý đào xới, san ủi đất thuộc thẩm quyền quản lý của đơn vị này ở 4 vị trí của tiểu khu 1049, xã Ayun, huyện Chư Sê với diện tích hơn 5 ha.