Làm giàu từ mô hình “Vườn-chuồng”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Không chỉ đại diện cho những người phụ nữ dân tộc thiểu số biết vượt qua khó khăn, dám nghĩ, dám làm, ở tuổi 36, chị Ksor Hon (làng Kép, phường Đống Đa, TP. Pleiku) còn ghi tên mình vào danh sách những phụ nữ làm kinh tế giỏi của phường với mô hình vườn-chuồng khá táo bạo.

18 tuổi, chị Hon lập gia đình với anh Ksor Mơl và cũng như nhiều cặp vợ chồng trẻ khác, họ phải đối diện với nhiều khó khăn, thiếu thốn. Mặc dù, anh chị chẳng nề hà việc làm thuê, cuốc mướn nhưng cuộc sống gia đình nhiều năm vẫn cứ rơi vào cảnh thiếu trước hụt sau. Và rồi, sau gần ba năm sống chung với bố mẹ, anh chị xin dọn ra sống riêng với “của hồi môn” là 2 sào đất vườn.

 

Ảnh: Phương Dung
Ảnh: Phương Dung

Không có tiền dựng nhà, anh chị xin bố mẹ cho ở tạm căn chòi trước giờ vẫn dùng làm kho trữ lúa, sau đó mua thêm vài tấm tôn để đóng lại cho chắc chắn, có thể tránh gió-mưa. Ổn định chỗ ở, “sở hữa” 2 sào đất vườn nhưng làm thế nào để đất sinh lời? Câu hỏi ấy khiến anh chị bao đêm trăn trở và rồi họ quyết định “biến” một sào đất gần suối thành những vườn rau xanh tốt.

Nói rồi bắt tay vào làm, ban đầu gia đình tập trung vào các giống rau dễ trồng như: cải ngọt, cải xanh… nhưng sau vài vụ thu hoạch, trừ hết các khoản chi phí, tiền lời thu được chẳng đáng bao nhiêu lại khiến anh chị lại phải suy nghĩ tìm hướng đi mới. Cuối cùng anh chị vẫn kiên trì với nghề trồng rau nhưng thay vào đó là những loại rau dùng để ăn sống như xà lách và rau thơm: cần tây, hành, ngò…

Bởi, những giống rau này chỉ mất khoảng thời gian ngắn-một tháng đến tháng rưỡi là có thể cho thu hoạch và có thể cho thu nhập quanh năm mà lại được nhiều người ưa chuộng. Chị Ksor Hon, tâm sự: “Thời điểm đó, rau xanh do người địa phương trồng rất được ưa chuộng và người trồng cũng chưa nhiều nên rau trồng không kịp để bán”. Chỉ sau vài năm, cuộc sống gia đình chị đã cải thiện rất nhiều, không chỉ lo được cho con cái ăn-học, anh chị còn để dành mua một con heo sinh sản-mỗi lứa sinh sản khoảng 10 heo con. Cùng với đó, chị bàn với anh phá bỏ một sào cà phê kém năng suất chuyển sang đất trồng rau và vay mượn thêm để đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, nâng cao năng suất.

 

Ảnh: Phương Dung
Ảnh: Phương Dung

“Góp gió thành bão”, sau gần 10 năm tích góp từ nghề trồng rau xanh, anh chị vay mượn thêm của người thân, bạn bè để dựng cho mình một căn nhà khang trang. Đồng thời, anh chị cũng mạnh dạn xây dựng chuồng trại để chăn nuôi thêm heo thịt, heo rừng với mục đích vừa có thu nhập lại có nguồn phân ủ để trồng rau…

Ban đầu chỉ có một con heo sinh sản, anh chị mua thêm một con heo rừng sinh sản và từ hai con heo mẹ, mỗi năm chúng sinh sản khoảng 30 heo con-số heo con này đều giữ lại để nuôi cho đến khi xuất chuồng. “Cũng may ông trời thương nên từ khi bắt tay vào trồng trọt, chăn nuôi đến giờ, chưa năm nào gia đình mình bị thua lỗ”!- chị Ksor Hon vui vẻ. Song đó là nói theo cách của chị, chứ thực chất để có được những luống rau xanh tốt bốn mùa, đảm bảo nguồn thu nhập, chắc chắn chị phải có những bí quyết rất riêng.

Cụ thể, vào mùa mưa để tránh rau bị ngập úng, gia đình chị phải làm các luống rau cao hơn và làm rãnh có độ dốc cho nước không bị đọng, đồng thời làm hệ thống lưới phía trên… Sau gần 20 năm khởi nghiệp, hiện nay gia đình chị đang chăm sóc 2 sào rau xanh đủ loại, 5 sào lúa nước hai vụ và duy trì đàn heo thịt, heo rừng gần 30 con, đàn gà hơn 100 con và đàn bò 7 con, mỗi năm trừ các khoản chi phí còn cho thu nhập hơn 100 triệu đồng. Giờ đây gia đình chị cũng được coi là những người có “thâm niên” với nghề trồng rau và cách làm cũng chuyên nghiệp hơn so với trước, cụ thể là hệ thống tưới tiêu bằng máy đã được áp dụng và chiều chiều thương lái vào tận vườn để lấy rau chứ không còn cảnh chị phải gùi từng gùi rau ra chợ bán…

Đặc biệt hơn, hiệu quả từ mô hình vườn-chuồng của gia đình chị đã khiến cho nhiều người dân trong làng thay đổi cách nghĩ, cách làm. Từ chỗ thờ ơ, không quan tâm, giờ đây nhiều người tìm đến nhà chị để tham quan mô hình, học hỏi cách làm chuồng, làm vườn… và gia đình chị đều tận tình hướng dẫn.

Nhận xét về hội viên Ksor Hon, bà Nguyễn Thị Dương-Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường, cho rằng: Chị Hon không chỉ là tấm gương điển hình trong phong trào phụ nữ sản xuất kinh doanh giỏi của Phường mà gia đình chị còn rất tích cực trong nhiều hoạt động khác tại địa phương. Nhiều năm liền gia đình chị luôn đạt danh hiệu gia đình văn hóa…

Phương Dung

Có thể bạn quan tâm