(GLO)- Tiếp tục phát huy kết quả bảo vệ tài nguyên rừng, ngoài việc tổ chức thực hiện hiệu quả, đồng bộ các nhóm giải pháp đã được xác định, Chi cục Kiểm lâm tỉnh kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo cụ thể hóa một số nội dung vào thực tiễn để tăng hiệu quả trong công tác quản lý bảo vệ rừng.
Diễn tập chữa cháy rừng. Ảnh: N.D |
Theo đó, trên cơ sở kết quả kiểm kê rừng, trước mắt và lâu dài cần rà soát lại các đối tượng rừng, từ đó quy hoạch 3 đối tượng rừng là: sản xuất, phòng hộ, đặc dụng thành 2 loại rừng: bảo vệ và sản xuất cho phù hợp với phân loại rừng của thế giới và Luật Lâm nghiệp sẽ thay thế Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004. Để làm tốt nhiệm vụ quản lý-bảo vệ rừng cần có sự chỉ đạo thống nhất lực lượng quản lý-bảo vệ rừng từ trung ương đến địa phương. Trong đó, đối với lực lượng kiểm lâm cần thực hiện có hiệu quả Quyết định 1920/QĐ-TTg ngày 24-10-2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án kiện toàn tổ chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của kiểm lâm giai đoạn 2014-2020. Tiếp tục thực hiện Quyết định 07/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số chính sách tăng cường công tác quản lý-bảo vệ rừng để cấp chính quyền cơ sở xã, thị trấn có đủ điều kiện thực hiện trách nhiệm quản lý-bảo vệ rừng trong lâm phần hành chính được giao quản lý. Đây được xem là giải pháp bền vững để cấp chính quyền cơ sở cũng như dân ở địa bàn tham gia quản lý-bảo vệ rừng.
Đối với diện tích rừng trên địa bàn tỉnh hiện giao cho xã, thị trấn quản lý cần quy hoạch theo hướng rừng có chủ là các tổ chức có chuyên môn quản lý-bảo vệ và sử dụng hiệu quả. Có chính sách giao rừng, khoán quản lý-bảo vệ rừng cho tổ chức, hộ dân, cộng đồng dân cư thực hiện quản lý-bảo vệ rừng một cách có hiệu quả trên cơ sở có hưởng lợi thiết thực để các trường hợp nhận giao khoán, quản lý-bảo vệ rừng yên tâm gắn bó với diện tích rừng được giao. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng và xác định ranh giới cho các đơn vị chủ rừng trên cơ sở số liệu hiện trạng rừng theo kết quả kiểm kê rừng năm 2014. Đầu tư đóng mốc ranh giới rừng ngoài thực địa để gắn trách nhiệm quản lý-bảo vệ rừng cho từng chủ rừng. Cơ quan có thẩm quyền xem xét phê duyệt phương án phòng cháy-chữa cháy rừng của tỉnh giai đoạn 2016-2020 để có cơ sở thực hiện ngay trong năm 2016; đồng thời cho chủ trương đầu tư dự án nâng cao năng lực phòng cháy-chữa cháy rừng cho lực lượng kiểm lâm giai đoạn 2016-2020 để gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định nguồn vốn trước khi trình cơ quan có thẩm quyền của tỉnh quyết định phê duyệt.
Cùng với nhóm vấn đề trên, một số quy định pháp luật còn bất cập rất cần được cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi. Cụ thể Luật Bảo vệ và Phát triển rừng cần quy định cụ thể giữa thực vật rừng và động vật rừng. Vì hiện tại, Luật chỉ đề cập đến thực vật rừng chung chung nên thời gian qua việc theo dõi diễn biến thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm trên địa bàn tỉnh không thể tổ chức thực hiện. Nhà nước chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ tài chính, kỹ thuật cho các tổ chức, cá nhân có hoạt động gây nuôi bảo tồn các loài động vật hoang dã nói chung, động vật rừng nguy cấp quý, hiếm nói riêng nên chưa khuyến khích cộng đồng tham gia bảo tồn và phát triển các loài động vật hoang dã nguy cấp quý, hiếm và loài ưu tiên được bảo vệ.
Đặc biệt, Điều 175 của Bộ luật hình sự hiện hành chỉ quy định đối với hành vi khai thác, vận chuyển và buôn bán gỗ trái phép. Do đó, về dấu hiệu hành vi khách quan cần bổ sung hành vi cất giữ, chế biến gỗ trái phép vào điểm b, khoản 1, Điều 175 của Bộ luật hình sự. Lý do bổ sung là vì: Nếu xét về tính chất thì hành vi cất giữ, chế biến gỗ trái phép có mức độ nguy hại lớn cho xã hội tương đương với hành vi vận chuyển và buôn bán gỗ trái phép, đều có tính chất trung gian nhằm hướng đến việc tiêu thụ gỗ bất hợp pháp trên thị trường, đều gián tiếp tác động đến rừng, xâm hại đến trật tự quản lý kinh tế. Tiếp nữa, hồ sơ lâm sản hợp pháp và kiểm tra nguồn gốc lâm sản; xác nhận nguồn gốc lâm sản đối với trường hợp vận chuyển lâm sản nội bộ... được quy định tại khoản 1, Điều 1 của Thông tư 42/2012/TT-BNNPTNT; khoản 1, Điều 18 của Thông tư 01/2012/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng cần xem xét sửa đổi theo hướng: Hồ sơ vận chuyển lâm sản nội bộ trong địa bàn của 1 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm: phiếu xuất kho nội bộ, kèm theo bản kê lâm sản cũng phải có xác nhận nguồn gốc của cơ quan kiểm lâm sở tại...
Quang Văn