(GLO)- Cấp 50 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân, trong khi đây là đất lấn chiếm trái phép tại các tiểu khu 499, 501 của rừng thông Mang Yang. Sau khi sự việc bị phát hiện, chính quyền địa phương lại ra quyết định thu hồi, mặc cho người dân đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng để đầu tư trồng các loại cây công nghiệp dài ngày hoặc đã sang nhượng, thế chấp ngân hàng để vay vốn.
Ảnh: Lê Anh |
Sau một thời gian rừng thông Mang Yang (thuộc quản lý của Ban Quản lý Rừng phòng hộ Đak Đoa) bị người dân lấn chiếm theo hình thức “tằm ăn dâu” để lấy đất sản xuất bị cơ quan ngôn luận phát hiện và phản ánh vào năm 2013, UBND tỉnh đã yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra làm rõ vụ việc. Qua quá trình xác minh, cơ quan chức năng đã phát hiện vụ việc đúng với thực tế phản ánh và UBND huyện đã cấp 50 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân, dù diện tích đất này lấn chiếm trái phép.
Sau khi có kết luận thanh tra, ngày 30-5-2014, Chủ tịch UBND huyện Mang Yang đã ra quyết định thu hồi 50 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà huyện đã cấp trên diện tích đất lâm nghiệp. Tuy nhiên, khi ra quyết định thu hồi, chính quyền huyện chưa gửi thông báo hay thỏa thuận đền bù, hướng giải quyết hợp tình, hợp lý đến với người dân, dù trong tay họ vẫn giữ những giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hợp pháp. Chính vì vậy, những hộ dân này vẫn bỏ vốn đầu tư sản xuất hoặc sang nhượng, thế chấp ngân hàng để vay vốn mà không biết rằng sổ đỏ họ đang giữ đã không còn giá trị pháp lý. Ông Huỳnh Quang Ảnh (thôn Tân Phú, xã Đak Djrăng) bức xúc: “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình tôi được cấp hợp lệ, đúng quy định của pháp luật chứ không sai phạm gì. Gia đình tôi đã bỏ biết bao công sức, tiền của đầu tư sản xuất, tôi cũng chưa nghe chính quyền huyện thông báo gì về việc thu hồi cả. Nếu có việc đó thì phải thông báo, rồi thỏa thuận đền bù cho chúng tôi chứ…”.
Ngoài những trường hợp đầu tư số vốn lớn vào sản xuất như gia đình ông Ảnh thì không ít hộ dân ở đây đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng để sang nhượng lại diện tích đất này mà không biết rằng đang đối mặt với nguy cơ mất trắng. Bà Nguyễn Thị Liên (xã Đak Djrăng) tỏ ra bất ngờ: “Gia đình tôi đã bỏ ra 400 triệu đồng để mua lại 1 ha đất từ hộ gia đình có sổ đỏ trước đây. Khi mua đã làm thủ tục ở xã, sau đó có xác nhận chuyển nhượng của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện và có chữ ký của Chủ tịch UBND huyện cấp lại bìa đỏ hẳn hoi. Hàng năm, gia đình tôi vẫn nộp thuế đất theo quy định của pháp luật thì có lý do gì mà thu hồi đất của tôi...”.
Qua tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết: Sau khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, để có vốn đầu tư sản xuất, người dân đã đem sổ đỏ thế chấp ngân hàng. Bà Rah Lan Mai-Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện Mang Yang xác nhận: “Nhiều hộ dân thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (tại khu vực này) để vay vốn trồng tiêu, cà phê… với số tiền từ 200 triệu đồng đến 250 triệu đồng. Những sổ đỏ này đều hợp lệ và có xác nhận của các ngành chức năng. Ngân hàng chưa nhận được thông báo thu hồi gì cả. Nếu thu hồi thì huyện phải có hướng giải quyết hợp lý để đơn vị thu hồi lại vốn cho vay…”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Nam Danh-Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện Mang Yang cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về khắc phục những sai phạm ở rừng thông Mang Yang, Chủ tịch UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho huyện làm văn bản để ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp. Theo quy trình, khi làm quyết định thu hồi thì sẽ thông báo cho dân, có thống nhất của dân và làm việc với các đơn vị tín dụng cho vay. Phòng cũng đã làm văn bản gửi UBND huyện, còn việc gửi thông báo và xử lý thì Văn phòng UBND huyện sẽ gửi đi và duyệt kết luận cuối cùng để trình Chủ tịch UBND huyện ký… Việc người dân chưa nhận được thông báo thì chúng tôi cũng không rõ lắm...”.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, sau khi Chủ tịch UBND huyện Mang Yang ký 50 quyết định thu hồi phần đất đã cấp trên diện tích đất lâm nghiệp ở 50 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người dân vào ngày 30-5-2014. Trong báo cáo gửi cho UBND tỉnh và Đoàn thanh tra liên ngành tỉnh đã nêu rõ những quyết định trên đã được thông báo và ban hành đến người dân, đồng thời đã thu hồi sổ đỏ… Những người có quyền lợi liên quan có quyền khiếu nại trong vòng 30 ngày, kể từ ngày ra quyết định thu hồi. Tuy nhiên, trên thực tế đến nay người dân vẫn chưa nhận được thông báo và hiện vẫn còn giữ sổ đỏ. Một sự thật đang diễn ra ở đây là “quýt làm cam chịu”, người dân có nguy cơ mất trắng tài sản từ những tắc trách của chính quyền địa phương trong quản lý đất đai.
Lê Anh