(GLO)- Thông tư số 11/2013/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam về cho vay hỗ trợ nhà ở đã triển khai thực hiện từ 1-6-2013. Ngay từ khi được ban hành, gói cho vay từ nguồn tái cấp vốn khoảng 30.000 tỷ đồng của NHNN đã được dư luận kỳ vọng sẽ góp phần “phá băng” cho thị trường bất động sản, tạo điều kiện cho người có thu nhập thấp có nhà ở...
Theo tinh thần của Thông tư số 11/2013/TT-NHNN ngày 15-5-2013 của NHNN Việt Nam quy định về cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội từ nguồn tái cấp vốn của NHNN theo Nghị quyết số 02/2013/NQ-CP, đối tượng được vay vốn hỗ trợ từ chương trình này bao gồm: Các đối tượng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội và thuê, mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2; doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội, dự án nhà ở thương mại được chuyển đổi công năng sang nhà ở xã hội do Bộ Xây dựng công bố trong từng thời kỳ.
NHNN sẽ thực hiện giải ngân khoản cho vay tái cấp vốn khoảng 30.000 tỷ đồng trên cơ sở dư nợ cho vay của ngân hàng đối với khách hàng, tối đa là 36 tháng kể từ ngày 1-6-2013. 5 ngân hàng được lựa chọn cho vay theo quy định của Thông tư là: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long (MHB).
Trên địa bàn tỉnh ta, NHNN-Chi nhánh tỉnh đã triển khai thực hiện Thông tư này đến các ngân hàng thương mại có liên quan, với thời hạn cho vay tối thiểu là 10 năm đối với khách hàng cá nhân và tối đa 5 năm đối với doanh nghiệp, cộng với mức lãi suất áp dụng trong năm 2013 khá hấp dẫn 6%/năm và các năm tiếp theo không vượt quá 6%/năm.
Đây có thể coi là “cơ hội vàng” cho người có thu nhập thấp được hỗ trợ tài chính để có nhà ở, đồng thời cơ chế mới này giúp thông thoáng nguồn vốn cho các doanh nghiệp đầu tư bất động sản, góp phần giải quyết đầu ra cho thị trường này. Tuy nhiên, một vấn đề mà đối tượng vay quan tâm là biện pháp bảo đảm tiền vay, nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp không còn tài sản thế chấp để vay mới, nợ cũ vẫn chưa trả xong thì việc tiếp cận gói tín dụng này bằng phương cách nào?
Theo phân tích của ông Nguyễn Văn Cư- Phó Giám đốc NHNN-Chi nhánh tỉnh, Thông tư số 11 dành tối đa 30% nguồn tái cấp vốn hỗ trợ nhà ở cho doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội, dự án nhà ở thương mại chuyển đổi công năng. Nếu doanh nghiệp không đủ năng lực tài chính đối ứng 30%/tổng mức đầu tư của dự án chắc chắn sẽ không được vay vốn. Các ngân hàng sẽ xem xét và quyết định cho vay có bảo đảm hoặc không có bảo đảm thanh toán theo quy định của pháp luật.
Trong bối cảnh hiện nay, TP. Pleiku đang thực hiện thí điểm giao đất làm nhà ở cho người có thu nhập thấp ở khu vực đô thị theo Quyết định số 21/2012/QĐ-UBND của Ủy ban Nhân dân tỉnh, song song với thời điểm Thông tư 11/2013/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước được triển khai, thì người dân có thêm cơ hội sở hữu nhà ở trong tầm tay. Đồng thời, một số dự án bất động sản như khu dân cư Phượng Hoàng I, khu dân cư Phú An, dự án khu phố mới Hoa Lư-Phù Đổng... có thể sớm “phá băng” khi doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn mới.
Sơn Ca