(GLO)- Tham gia kháng chiến từ tháng 3-1946 tại chiến trường Thừa Thiên-Huế, lúc ấy, ông Lâm Huế vừa tròn 20 tuổi. Kỷ vật mà ông Lâm Huế còn lưu giữ trong cuộc kháng chiến chống Pháp là bức ảnh chân dung ông ngồi trên tảng đá, trên đầu đội chiếc mũ cao bồi (chiến lợi phẩm thu được của quân Pháp). “Mỗi khi nhìn lại bức ảnh là những ký ức về một thời tuy gian khổ nhưng oanh liệt lại ùa về trong tôi”-ông Lâm Huế rưng rưng.
Trong dòng hồi tưởng, ông Lâm Huế kể cho chúng tôi nghe về chuyện chiếc báng súng COLT cũng là chiến lợi phẩm của lính Pháp. “Một buổi trưa, tại đồi cát gần bờ biển Phong Điền (Thừa Thiên-Huế), tôi đang cùng anh em trong trung đội chỉ huy chống càn, trên người mang khẩu súng COLT thì thấy đạn bắn vào người. Tôi kêu lên: “Tao bị thương rồi”. Sau đó, tôi lấy tay ôm vết thương nhưng không thấy máu chảy. Nhìn lại, hóa ra viên đạn ấy bắn đúng vào báng súng tôi đang đeo trên người. Nhờ báng súng COLT của Pháp mà tôi đã thoát khỏi cái chết”. Và lâu lâu, mỗi lần nhớ về chiếc súng COLT cứu mình thoát khỏi cái chết, ông Lâm Huế lại nhờ con cháu chở đến Nhà Truyền thống lực lượng vũ trang và nhân dân của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh để ngắm nhìn kỷ vật một thời.
Bức ảnh được ông Lâm Huế lưu giữ từ năm 1950 đến nay. Ảnh. Đ.Y |
Cầm tấm huân chương kỷ niệm thời chống Pháp đã nhuốm màu thời gian, ông Phan Anh Tuấn (12 Lý Thái Tổ, TP. Pleiku) hồi tưởng: “Tôi tham gia cách mạng từ tháng 8-1946. Suốt những năm kháng chiến chống Pháp, tôi cùng đồng đội tham gia đánh địch, gây dựng cơ sở cách mạng ngay trong lòng địch, tham gia giải tán ổ vũ trang ở Đak Rong (huyện Kbang hiện nay). Tấm Huân chương Chiến thắng hạng 3 thời chống Pháp được Nhà nước trao tặng, với tôi đó là kỷ niệm của năm tháng “nếm mật nằm gai” cùng với nhân dân gầy dựng phong trào cách mạng. Tôi không bao giờ quên. Đó cũng là quãng thời gian thử thách để tôi rèn luyện cho những năm tháng sau này tham gia kháng chiến chống Mỹ”.
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, nhiều vũ khí thô sơ như bẫy đá, cung tên tự chế của đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh đến nay cũng là những kỷ vật còn nguyên giá trị lịch sử và đang được lưu giữ trang trọng tại Nhà truyền thống lực lượng vũ trang và nhân dân tỉnh. Là người phụ trách Nhà truyền thống, Trung úy Trần Văn Hân bồi hồi kể lại: Tất cả những kỷ vật ấy được người lính sử dụng trong chiến thắng lịch sử Đak Pơ, chiến thắng Stơr. Thời chống Pháp, ở Stơr (huyện Kbang), Anh hùng Núp và dân làng đã gan dạ dùng nhiều mưu kế. Đó là ngày đêm làm bẫy đá-lấy những hòn đá tự nhiên cột thành từng rọ đá treo trên cành cây, trên những dốc cao chờ lính Pháp đi ngang qua là giật dây để cho đá rơi xuống tiêu diệt địch. Hay những vũ khí như cung tên, áo rễ cây tự tạo, chiếc gùi… cũng được người dân dùng để tham gia chống Pháp. Những kỷ vật chiến tranh đó là những minh chứng hào hùng cho tinh thần yêu nước, đấu tranh anh dũng của quân và dân ta để làm nên chiến thắng trong các cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.
Khi được tận thấy những kỷ vật thời chống Pháp, phần nào tôi hiểu được sức mạnh thần kỳ làm nên chiến thắng của dân tộc ta. Mỗi kỷ vật có giá trị vượt thời gian đang được lưu giữ tại Nhà truyền thống lực lượng vũ trang và nhân dân tỉnh là một câu chuyện mãi mãi không thể nào quên đối với những người trực tiếp tham gia cuộc trường chinh đánh Pháp năm xưa. Đối với thế hệ trẻ, những kỷ vật ấy còn là niềm tự hào, tự tôn dân tộc, khơi gợi lòng yêu nước và tình yêu đối với cuộc sống hòa bình, no ấm hôm nay.
Đinh Yến